Chuyện Yết Kiêu (4): Nghiệp vẽ

Giống như tất cả các trường đại học ở nước ta, thi Yết Kiêu rất khó nhưng thi ra trường thì chẳng bị trượt bao giờ. Gì thì cũng đỗ tuốt. Nhưng để tìm được việc làm lại rất khó. Cuộc sống cứ như đường hình sin!

Bạn đồng môn của tôi ở một  tỉnh  miền núi, một tháng sau khi tốt nghiệp, tính toán thế nào, lại khăn gói quả mướp xuống Hà Nội bỏ thêm ra 6 tháng nữa tìm sư phụ ở  phố Hàng Đào học thêm truyền thần bổ túc cho cái bằng Yết Kiêu rồi mới yên tâm về quê hành nghề. Nó bảo tôi: “học vẽ truyền thần để phục vụ bà con các dân tộc chứ tranh pheo gì ở cái xó rừng. Mà đúng thế thật, Cứ ba mươi nghìn một bức vẽ 18×24 sao chép lại ảnh mất mấy ngày còn hơn chán hàng kem que của nó: mỗi cây kem lãi đâu có 5 hào!

Vẽ vời cũng xếp xó. Vợ chồng nó gom tí vốn làm máy kem kẽo kẹt hàng ngày. Rồi từ làm kem, nó bổ sung thêm lò bánh ga tô, lại bánh sinh nhật. Ai dè năm năm Yết Kiêu để rồi thành công với máy kem  và lò bánh nướng. Nhưng nó khoe với tôi,nghề vẽ vẫn không bỏ được, đêm đêm vẫn hí hoáy soi lúp truyền thần cho mấy ông bà người Dao trong núi kiếm mỗi cái chân dung thờ lấy mấy chục bạc. Âý nhưng khi có ai thóc mách chê bai bảo đó là lông gà lông vịt thì máu AQ lại nổi sóng cồn. Ấy dân Yết Kiêu nó thế

Đang làm ăn phát tài thì nó gặp hạn…

Chẳng là nhà nó không có đất mặt đường nên chỗ làm kem lò bánh là đất lấn chiếm. Mở mang cách kiếm sống thì được khen là năng động,nhưng lấn chiếm đất lề đường là phạm luật. Cho nên khi Nghị định 36 chống lấn chiếm hành lang giao thông triển khai… cửa hàng mặt đường nhà nó bị giải tỏa. Thế là  anh hùng mạt vận …

Nó tìm về Hà Nội.

Khi ấy tôi vừa làm xong triển lãm cá nhân lần 2. Gặp tôi, nó nói ngay: ‘13 năm chường mặt hứng bụi bên đường không bằng mày vinh quang 20 ngày.

Gớm thế, nó biết tôi triển lãm bán được số tiền lớn hơn 13 năm tích cóp của nó bằng cửa hàng kem và bánh gato.

Đấy, sinh viên Yết Kiêu ra trường dù không có quan hệ trực tiếp hàng ngày nhưng vẫn thính tin, thóc mách về nhau như đài BBC ấy!

Nó kết luận: bây giờ thì tao quay lại vẽ tranh bán

Tôi bảo: Thế có chịu bán  tranh 1 đô la không?

Nó làm một con tính rất nhanh; Tờ giấy dó hai trăm đồng, vẽ bán được một đô, tương đương mười ngàn năm trăm đồng, lãi hàng trăm lần. Được quá!

Nhưng lát sau,vẻ mặt nó trầm tư “ 1 đô la bức tranh, mạt quá. Nhưng tao nghĩ đến cái khác, nếu bán được dù chỉ một đô nghĩa là người ta còn chấp nhận mình. Thế thì tao sẽ quay lại…

Đấy là họa sĩ lứa cuối thời bao cấp ra chơi với thương trường.

Còn  vào cơ quan nhà nước thì sao?

Sinh viên Yết Kiêu về các cơ quan nhà nước chủ yếu để kẻ vẽ tranh cổ động, trang trí hội trường, nhà truyền thống, triển lãm hội chợ…Chỉ có từng ấy vở.

D, một đồng môn của tôi ở Việt Trì kể: vẽ tranh cổ động áp phích cam go nhất là khâu duyệt. Được quyền duyệt, các sếp hay bẻ hành bẻ tỏi, thêm nọ  bớt kia để khẳng định đẳng cấp, tệ nhất có lúc  yêu cầu chữa làm cho hỏng đi!

Chữa lên chữa xuống khổ, mãi, cuối cùng cùng  nghĩ ra mánh để tự cứu mình. Thế là vẽ tay ba ngón, bên chân giày, bên chân giép để sếp hút mắt vào đó chê là đãng trí và bắt sửa ngay, thế là  thành công! Từ ngày có mánh như thế  làm việc với sếp nhẹ nhàng hẳn đi, mình thì được việc, còn sếp thì trở nên thông minh hơn!.

Chuyện góp ý của Sếp  không hẳn bao giờ cũng sai, nhưng sinh viên Yết Kiêu đâu có vừa, ông nào cũng giữ trong mÌnh một chú AQ, nhìn đời bằng nửa con mắt, chẳng ai bằng mình.

Họa sĩ Nguyễn Bích dù không học Yết Kiêu nhưng cái mẹo vẽ hoàn thiện rồi làm sai đi vài chi tiết dễ nhận thấy rồi mới đưa duyệt cho đỡ mất công chữa, ông cũng phải xử dụng nhiều lần để đối phó. Việc đó ăn sâu vào tâm thức nhiều người thành chuyện hài. Có lần bên bàn trà, ông bảo:

Các cậu có biết tại sao khi mổ, bác sĩ phải gây mê bệnh nhân không? Mọi người bảo để đỡ đau trong khi phẫu thuật. Ông lắc đầu: “Không phải thế. Đánh thuốc mê là để bệnh nhân miễn góp ý”. Ka ka!

Cho nên Sinh viên Yết Kiêu thực chất chỉ Yết Kiêu với nhau khi ở Yết Kiêu. Khi rời khỏi số nhà 42 Hà thành chỉ còn là chú AQ bé bỏng.

 

7/7/2010

 

Xem thêm

Chuyện Yết Kiêu (2): Đi Thi

Chuyện Yết Kiêu (3): Nhất quỷ nhì ma, thầy và trò Yết Kiêu

Chuyện Yết Kiêu (1): Tháp ngà và chuồng gà.

Tự sự: Cái duyên với giấy dó 

Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài