Chuyện Yết Kiêu: Đi thi (2)

30 năm sau khi tốt nghệp trường Yết Kiêu, bây giờ về hưu rồi mà ấn tựợng kinh hoàng của tôi về mùa thi vẫn còn ám ảnh. Có những đêm nằm mơ thấy mình lại thi vào trường,  trượt chổng vó, tỉnh dậy mồ hôi toát đầm đìa. Thật sướng cho những ai thành họa sĩ mà không phải thi Yết Kiêu.

Thi Yết Kiêu kéo  kéo dài cả tuần với bốn môn: hình họa , trang trí, bố cục và cuối cùng là môn văn. Trong đó hình họa là môn cơ bản năng đóa nhất được tính hệ số 2, tức là nhân đôi điểm vào tổng số điểm thi.

Phòng thi hình họa không quá hai chục thí sinh có đánh số trên mặt sàn theo hình móng ngựa. Một mẫu cho hai chục người, nên có thí sinh may mắn có góc đẹp dễ vẽ, có người đứng vào góc xương xẩu hoặc vòng ngoài là khốn khổ rồi. Khi vẽ phải nghển cổ qua đầu thằng đứng trước. Nó mà thuộc loại sếu vườn thì thật oan gia.

Nguyên tắc một bài hình họa bố cục cho cân, bớt trên bớt dưới trên dưới vài ba phân là hợp cách.Vậy mà có những sĩ tử vào phòng thi cũng chưa biết qui cách bài hình họa. Có một sĩ tử ở Phú Thọ chắc ôn thi với thày lang băm nên tờ giấy thi đánh số  khổ A0 cậu ta chỉ vẽ treo có hai phần ba, nên thoáng có một buổi đã lên kín mặt. Đứa bên cạnh liếc sang biết, bụng bảo dạ thế là ăn chắc loại được một đối thủ. Nghĩ thế nhưng  lại chỉ tủm tỉm gật gù khiến tên  kia tưởng bở là nó khen hay nên cũng thêm yên tâm, lại còn pha  thêm chút hãnh diện. Sĩ tử đó đâu có biết hình họa vẽ treo còn nguy hiểm hơn cả qui hoạch treo ngày nay Qui hoạch treo, chỉ thu đất là xong, còn vẽ treo là vứt! Đó là bài phạm qui, loại ra đầu tiên, không chấm.  Có anh chàng đã vài lần trượt vỏ chuối từng gặp kiếp nạn này, thấy thế thương hại, đợi lúc giám thị ra hành lang làm mồi  thuốc bèn thì thào nhắc khéo. Tá hỏa, nhưng thời gian không còn để khắc phục. Nhưng theo lối tư duy láu lỉnh của người Việt chúng ta, trước các sai phạm mười mươi luôn tìm cách chống chế để đánh tháo trach nhiệm, cậu ta bèn tương cho một vòng hoa dây  kiểu trang trí đám cưới khoanh nửa vòng như biểu tuợng  bông lúa bánh xe đỡ dưới Quốc huy, gắng làm sao trống trên trống dưới đủ ba phân là ổn! Nhưng mà đâu có được!

Năm 1976, có một chị thi cùng làm bố cục với đề tài mừng ngày Thống nhất.. Chị vẽ được cái nhà, con đường một hai người đi trong ngõ rồi thở dài, bỏ đấy. Tôi liếc sang thấy không ổn. Trong đầu chợt nhớ lại mấy năm trước mình có bức tranh màu bột vẽ cảnh một thị trấn, muốn đựoc bày triển lãm, đem khoe với thày. Ông gật gù khen, nhưng bảo phải có nội dung. Bây giờ cậu nghe đây, thêm vào mấy là cờ trước các nhà rồi chú thích Niềm vui ngày Giải Phóng là chắc chắn là xong. Tôi làm liền. Đúng là nhân bảo như thần bảo, bức tranh được duyệt ngay từ khi hội đồng đọc tên tranh, và hội đồng càng khen ngợi khi tận mắt nhìn trong tranh thấy cờ đỏ sao vàng!

Nhớ lại chuyện ấy tôi ghé sang nói nhẹ vào tai chị bạn: thêm lá cờ vào. Ối giời, nhìn vẻ mặt chị tươi như vừa nhặt được vàng mười! Chỉ chưa đầy một phút lá cờ đỏ hiện lên lung linh! Năm ấy chị đỗ.

Lâu lâu lại nhớ một chuyện vui. Có một biên tập viên thông thái của một tờ báo lớn đi thi “Ai là triệu phú”, có câu hỏi thật đơn giản vậy mà cứ đúng ngay cán tàn, chẳng còn nhớ gì. Sau này tra soát thì mới  biết nàng không quen chỗ đông bị cóng. Có người chết vì nỗi sợ chứ không phải bệnh. Thi Yêt Kiêu cũng vậy, học ôn cả năm thuộc như cháo chảy, đến lúc cần kiến thức đổ ra thì quên ráo!

Vậy nên thi Yết Kiêu cũng có phao. Có cái phao nhét vào ruột bánh mì gửi bữa ăn trưa, nhưng sĩ tử không biết, khi nhai  thì phao mới lòi ra!

Những ngày thi Yết Kiêu tâm tính thí sinh thay đổi trái chiều nhanh như chong chóng, kể cả những anh chàng tỏ ra đầu gấu bất cần nhưng tim thì vẫn  loạn nhịp như thường. Tất cả các mặt trở về chung nhau một khuôn, mệt mỏi, lo lắng bần thần, bớt nói bớt cười hẳn đi.

Lại những giám thị nữa. Mấy chú bên PA25 giúp việc mặt có khó đăm đăm thì dễ hiểu. Đằng này mấy ông bạn đồng môn ở lại trường làm ở phòng đào tạo và giảng dạy cũng trỏ nên có biểu hiện tâm thần mới sợ chứ. Bình thường hôm trước vẫn bét nhè cùng nhau ở quán bia mày tao chi tớ văng tục ỏm tỏi. Vậy mà hôm nay trông thấy mình đi từ xa đã cười một cái, nghiêm mặt một cái rồi quay đi, tay xua xua, bí hiểm. Có đứa chót chạm mặt mới nhận ra cũng thu tay lại, cất về phía sau như Đô-mi-nếc không chịu bắt tay sau trận đấu với huấn luyện viên Nam Phi trong Word Cup vừa rồi. Tệ hơn là còn không cả dám cười giao lưu! Hình ảnh đó gợi nhớ cho mình cảnh thời cải cách ruộng đất người ta sợ liên quan với  địa chủ, hoặc như thời nay người ta tránh HIV!

Thi Yết Kiêu khổ chưa?

5/7/2010

 

 

Xem thêm:

Chuyện Yết Kiêu (1): Tháp ngà và chuồng gà

Chuyện Yết Kiêu (3): Nhất quỷ nhì ma, thầy và trò Yết Kiêu

Chuyện Yết Kiêu (4): Nghiệp vẽ

Tự sự: Cái duyên với giấy dó 

Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài 

Tinh thần Root Arts (Pháp, 2011)

Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài