Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài

Bài viết về ông từ năm 2009. Mưa thế này làm sao đi viếng cụ Tô Hoài đây…

 

Như thường lệ, năm nào nhà văn Tô Hoài cũng đón Tết ở nhà trong phố Đoàn Nhữ Hài gần hồ Hale, rồi mồng ba mồng bốn lại lên với chị con gái cả trên Nghĩa Tân, phường Cầu Giấy

Chiều mồng Năm tết tôi đến thăm ông ở Nghĩa Tân, trong căn hộ nhà C3.Trước khi đến tôi gọi dây nói hẹn trước. Ở đầu dây bên kia, tiếng ông ông nhẹ nhàng: “ Tô Hoài đây”. Bao nhiêu năm nay, mỗi khi nhấc máy ông đều xưng danh như thế, trẻ trung như cách của các nghệ sĩ. Đến cửa, người nhà đi ra còn hỏi có hẹn trước chưa. Tôi biết lâu nay ông không khỏe nên ít muốn tiếp khách. Nhưng với tôi, dù tuổi con cháu nhưng ông không từ chối bao giờ.

Trong gian phòng khách đơn sơ, ông vui vẻ giải thích: đây là căn hộ được nhà nước cấp cho lúc làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, có sổ đỏ hẳn hoi.

Năm nay Nhà văn đã tròn 90. Ông đi lại khó khăn vì bệnh gút. Nhưng tinh thần thì vẫn minh mẫn như những lần gặp trước đây, vẫn hóm hỉnh và đặc biệt là nét cười luôn phảng phất trên gương mặt.

Hỏi chuyện viết lách lâu nay, ông  như trẻ lại. Ông bảo đã thành lệ, nhiều năm nay mình vẫn đi chợ với làng báo cuối năm, viết cho hàng loạt tờ báo tết. Năm nay cũng thế.

Tôi nhớ trong loạt bút kí nhà văn viết về Tây Bắc có “Giải phóng Mường Giơn”. Ông bảo đang định đưa chuyện đó sang kịch bản phim, sẽ bàn với anh Nông Quốc Bình chủ tịch Hội Dân tộc để làm việc với Sơn La, nếu họ cần thì chắc sẽ thành. Tôi chưa kip tỏ lời thán phục những dự định ở tuổi chín mươi của ông thì nhà văn bỗng như vụt trở về hồi ức xa xưa với nụ cười tuổi trẻ: gái Thái đẹp lắm anh ạ. Vẻ như đó cũng là một phần quan trọng của để ông  nghĩ ngẫm về đề tài này.

Ông tâm sự: tôi viết theo thực tế thôi, xưa nay thế cả. Vậy mà cuốn nào cũng có chuyện người ta soi và đem ra bàn tán. Tiểu thuyết “Mười năm” có nhân vật Hai Tâm lẳng lơ nhưng nhiệt tình cách mạng, thế mà lúc ấy cũng suýt bị tỉnh Hà Đông họ kiện. Họ  cho là nói xấu. Làm gì có chuyện đó, đó là chuyện con người. Ông nhẩn nha  theo hồi ức: “Cát bụi chân ai” rồi ”Chiều chiều” và gần đây nhất là “ Ba người khác” cũng vậy. “Ba người khác” tôi viết về cải cách ruộng đất, lúc ấy tôi đi cải cách, làm phó chánh án hẳn hoi. Tay chánh án tên là Huỳnh Cự, người khu 5, sau này đi B rồi theo giặc quay lại chống Cộng, rồi bị ta xử. Những câu chuyện ấy, mình cũng viết theo thực tế cả thôi. Thế mà cũng bị xì xào bàn tán. Nhưng rồi cũng có cấm mãi cả đâu, rồi dần dần cũng sẽ được in lại cả thôi. Nào có gì đâu, là cuộc sống nó thế đấy chứ. Cuốn “ Giấc mơ của ông thợ dìu” tôi viết về cái anh thày dạy múa ở sàn nhảy, chứ không phải thợ rìu là anh sơn tràng đâu. Chuyện ấy cũng là thực tế đấy. Ngay cả chuyện Dế mèn tôi     cũng viết theo thực tế quan sát thấy. Ông nhấn mạnh đến hai chữ “thực tế” như đường dẫn cho các bước đi của văn chương mình.

Với lớp đàn em đi sau, ông luôn là người anh ân cần. Còn nhớ khi Triệu Bôn chưa thành nhà văn, trước khi khoác ba lô vào chiến trường đã đến gửi ông truyện ngắn : “Đường chân trời” nhờ ông giữ hộ. Dù chẳng quen biết gì, vậy mà ông vẫn trân trọng đọc và sửa sang đưa in khi Triệu Bôn còn ở chiến trường. Nhắc lại chuyện đó, ông vẫn xuýt xoa đó là truyện ngắn hay, đáng nhớ.Tôi là một họa sĩ, lõm bõm viết những tản văn cho tờ Lao Động vào những năm cuối thế kỉ 20, đến 2001 tập hợp được trăm bài đánh bạo gửi đến nhờ ông đọc và thành thực với ông: “ Cháu thích thì viết tay ngang thôi, không dám có tham vọng văn chương”. Nghe thế ông nheo mắt nhìn tôi mỉm cười: Thế anh Đức bảo thế nào là văn chương? Tôi lúng túng: thưa bác, bác hỏi về vẽ thì em còn thưa lại được đôi lời, chứ văn chương là chuyện của bác chứ ạ. Nhấp chén trà, mắt nhìn về xa xăm ông nhẹ nhàng bảo tôi: Đơn giản thế này thôi, văn là cái để người ta đọc, đọc rồi thì có cái để người ta ngẫm, ngẫm rồi thì có cái để người ta nhớ, đó là văn.

Một kỷ niệm với cụ Tô Hoài.
Một kỷ niệm với cụ Tô Hoài.

 

Ông giữ bản thảo chừng một tháng rồi mới gọi điện cho tôi. Đến gặp ông tôi phấp phỏng, nhưng ông vẫn nhẩn nha pha trà. Lát sau mời trà, ông bảo tôi: Anh viết đã có văn đấy,không phải ngôn ngữ báo chí đâu. Rồi ông lấy ra tờ viết tay đưa cho tôi. Thật mừng được ông khen thằng bé đang tập bò vào văn như tôi. Ông viết như lời trò chuyện:” Tập tản văn của anh tôi đã thấy rải rác trên báo Lao Động, nay được đọc một loạt bài tưởng như nho nhỏ nhưng có ý nghĩa sâu xa và liên quan mật thiết đến cuộc đời mà anh đã trải, đã biết từ ấu thơ đến ngày nay với những nhận xét quanh mình và tâm tư của mình qua mọi hoàn cảnh. Ngòi bút trách nhiệm của anh đã tạo nên bức họa sinh động về xã hội,đất nước và con người.” rồi kí tên Tô Hoài. Ông cầm và đọc lại cho tôi nghe,rồi bảo: Nhà văn bây giờ nhiều anh cứ viết đâu đâu ấy, khi cuộc sống xung quanh mình bao nhiêu điều đáng nói thì lại không để ý. Thấy tôi yên lặng, ông cầm tờ viết lên giải thích thêm: đây nhé, tôi nhấn mạnh hai chữ trách nhiệm. Viết là phải có trách nhiệm.

Sáng nay Phường Nghĩa Tân làm tiệc chúc mừng ông vào đại thọ 90 và 60 tuổi Đảng. Ông  bảo vừa đi dự liên hoan về, cũng thấy vui. Chỉ vì cái bệnh gút được cái rét lạnh phù trợ nó hành hạ mình nên mới đi lại  khó khăn…

Nhớ lại cách đây mấy năm, vào ngày giỗ đầu nhà thơ Nông Quốc Chấn tôi đến xin ông vài dòng viết tay để in vào cuốn sách tưởng niệm. Ông ôn lại rất nhiều trong kí ức thời trai trẻ với nhà thơ. Ông nheo mắt bảo: thơ Chấn có hai câu hay nhất, đó là : khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc/em biết mùa thu đã hết rồi… Phải ở đấy rồi mới hiểu hết cái hay và động ân của hai câu thơ ấy. Nhưng vui và hóm nhất là những câu chuyện tình trong kháng chiến. Có lúc hai ông còn ganh tị nhau vì được cô này cô kia thích. Ông bảo: nhưng Chấn đẹp trai nên lợi thế hơn…Lúc ấy tôi thấy ông thật trẻ trung  như một chàng Vệ quốc đoàn năm xưa.

Chín mươi tuổi, ông vẫn giữ lịch làm việc như nhiều năm nay : sáng tập nhẹ rồi đọc sách báo đến mười giờ. Ông chỉ tiếp khách sau giờ đó.Lúc khỏe, buổi chiều còn đi bộ. Ông vẫn viết đều. Ông bảo viết là để vệ sinh cái đầu, để rèn luyện trí nhớ. Với ông đọc và viết là công việc hàng ngày không thể bỏ. Ông nhẹ nhàng khuyên: tôi đọc thấy anh vẫn viết đều trên báo, anh viết khoẻ đấy, nên làm việc đều đặn như thế.

Hôm nay ông không thể đứng dậy đi lại được như mọi khi, nhưng vẫn có nụ cười tiễn tôi ra cửa. Lần nào cũng vậy, nụ cười mỉm chưa khi nào vắng trên môi mỗi lần tôi gặp ông cho đến lúc chia tay.

 

Đỗ Đức,30/1/2009.

(mùng 5 Tết Âm Lịch)

 

 

Xem thêm:

Cõi tình  Khau Vai

Tự sự: Cái duyên với giấy dó 

Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài 

Tinh thần Root Arts (Pháp, 2011)