Chuyện Yết Kiêu (1): Tháp ngà và chuồng gà

Trường  Cao đẳng mĩ thuật Việt Nam trước đây được coi như tháp ngà nghệ thuật. Chỉ những con nhà gia thế nơi thành thị mới dám mơ ước.

Trường ở địa chỉ số 42 phố Yết Kiêu, nên thường được gọi tắt là trường Yết Kiêu. Cứ nghe cụm từ “học Yết Kiêu” là người ta biết ngay là học vẽ. Dù danh tướng nhà Trần này chẳng biết gì về hội họa!

Những khóa đầu tiên ra trường, khá  nhiều họa sĩ thành danh. Những nguyễn Gia Trí, Tô  Ngọc Vân, nguyễn Tường Lân, Trần  Văn Cẩn, Lương Xuân Nghị, Nguyễn Thị Kim…và sau này là nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi xuân Phái quả là đã làm nên một diện mạo Nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Thực sự thì đào tạo được một họa sĩ cũng vô cùng tốn kém, chả kém đào tạo phi công là bao, chục người học vẽ may ra được một họa sĩ. Đó đã là thi tuyển phải gắt gao. Bởi lẽ vẽ giỏi chưa chắc đã sáng tác được.

Trước đây  trường có hai hệ: sơ trung 7 năm và đại học 5 năm. Học xong sơ trung  lại thi tiếp đại học. Vị chi thành được một họa sĩ  thì phải bỏ ra mười hai năm đằng đẵng.

Vài chục năm lại đây, trường Cao đẳng mĩ thuật được nâng cấp tên gọi là Đại học Mĩ thuật Hà Nội, học 5 năm. Các trò thi thẳng đại học, còn  cái “sơ trung” bảy năm  thuộc trách nhiệm các “ lò luyện thi”, và trước đó là học tư hoặc theo học ở hệ thống trung cấp Văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh.

Thực tế cách đào tạo mới do nhu cầu xã hội giản lược bớt lấy số lượng, chứ tính chuyên nghiệp thì thua xa cách tổ chức cũ.

Đào tạo công phu thì chưa biết nhưng thời gian để thành một người có nghề vẽ quả là dài hơn tất cả các trường khác thuộc hệ đại học.

Ra trường rồi, để trở thành một họa sĩ thực thụ còn mất một thời gian nữa. Họa sĩ là người sáng tác, có tác phẩm giá trị về nghệ thuật và tư tưởng. Mà cái này không phải ai học Yết Kiêu ra là đều làm được. Nhưng ở ta thường coi những ai cầm bằng Đại học Mĩ thuật đều là họa sĩ tất.

Vì cái này mà xảy ra ngộ nhận và kèm theo đó là áp lực: Phải làm ra tác phẩm. Khốn nỗi  việc này còn khó hơn đàn bà sinh ra con. Không ít người học vẽ ra vô sinh. Nhưng vẫn đeo mác họa sĩ. Đó vừa là vinh quang  và vừa là nỗi khổ của sinh viên Yết Kiêu.

Một anh bạn tôi được đào tạo ở Liên xô về nói rằng ở Nga  học vẽ xong thường người ta theo rất nhiều nghề dính đến vẽ như dạy học, phục chế, sao chép, Quản lý nghệ thuật. làm những công việc dính đến nghệ thuật. Thì thực tế ở ta cũng vậy: học xong thường cố tìm vào làm công chức ở  một số cơ quan như báo chí, xuất bản, sở văn hóa, trung tâm triển lãm, cũng thượng vàng hạ cám tự vẽ nhãn, biểu trưng, bao bì, hàng mĩ nghệ thủ công. Người có điều kiện thì mở lớp dạy. Quả  tình cũng phải vậy mới có miếng ăn. Cho nên vẽ với họ chỉ là tay trái dù vẫn được gọi là họa sĩ, và trong lòng vẫn mang mang sáng tác tác phẩm! Khổ thế, làm gì có ngành học họa sĩ nào!

Thời kinh tế thị trường có một số sống bằng bán tranh cho khách nước ngoài. Họ sản xuất theo lối ăn khách, đến mãn tiệc cũng có chút đỉnh vốn liếng dưỡng già và ngồi chém gió thời vinh quang. Xét cho cũng thì cũng được, vì sức vóc đến đâu thì làm đến đấy, họ không thuộc diện ăn hại đái khai là được.

Còn họa sĩ sáng tác theo đúng nghĩa không nhiều. Đó là những người có kĩ năng cao, chú trọng  đầu tư cho tác phẩm của mình trên tình yêu nghề nghiệp và hiểu biết của mình với quê hương và đất nước. Họ là những người cô đơn nhất, sáng tác. Họ chỉ biết làm việc trong niềm tin của mình. Còn sáng tác theo “định hướng” thì theo thời, ai muốn “thờ bụt ăn oản” thì cứ việc. Mà việc thờ phụng này cũng chỉ xuân thu nhị kì. Nên họa sĩ “định hướng” cũng đói dài dài.

Những biến đổi về  giáo dục đại học tại những trường nghề như Yết Kiêu bây giờ cũng nhiều đổi thay và cũng nhiều cách đánh giá: nếu theo tiêu chí số lượng ra lò thì đúng là Nhất. Còn theo tiêu chí khác mang tính cơ bản nhà nghề thì chưa chắc. Nên có người đã bảo rằng từ “ tháp ngà” thành “chuồng gà” hóa ra chả mất bao lăm!

21/7/2014

 

Xem thêm:

Chuyện Yết Kiêu (2): Đi Thi

Chuyện Yết Kiêu (3): Nhất quỷ nhì ma, thầy và trò Yết Kiêu

Chuyện Yết Kiêu (4): Nghiệp vẽ

Tự sự: Cái duyên với giấy dó 

Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài 

Tinh thần Root Arts (Pháp, 2011)