Cảm nhận Trùng Khánh

Tôi lên Trùng Khánh lần này là lần thứ hai

Lần đầu, năm ngoái lên tìm Kiều thì vợ chồng cô ấy lại đi Đà Lạt.

Lần này hỏi ra mới biết Kiều đã chuyển thẳng Sài Gòn. Không gặp Kiều, nhưng lại có cái mới: những cột mốc vùng biên mới được dựng.

Từ thị xã Cao Bằng lên Trùng khánh phải qua cửa ải đầu tiên là đèo  Mã Phục hiểm trở rồi hạ cánh dần xuống thung lũng ngô, làng Phúc Sen có nghề rèn nổi tiếng. Rồi chạy ú tim trong những nếp núi lô xô mất hút sau màn sương sớm mới thấy cái tuyệt vời của vùng ngàn núi ngàn mây này… Sau đó vượt tiếp đèo Khau Liêu (có kém hơn vẻ hiểm trở nhưng độ cao  thì chỉ thua Mã Phục đôi chút) để vào dịa phận Trùng Khánh. Núi ở Cao Bằng nhiều như ngô rải trên sàn cót. Không hùng vĩ như Hoàng Liên bên Tây Bắc, không hiểm trở như cao nguyên đá Đồng Văn, núi ở đây rải ra như những vần thơ êm dịu. Cho nên đã có người ví Cao Bằng là Hạ Long cạn của miền sơn cước. Lời ví ấy chẳng ngoa, mà còn có phần dụt dè vì có những thứ Hạ Long không thể có. Đây đó  những hàng tre dập dìu sương sớm, duyên dáng như những cô gái Tày Quảng Uyên, thỉnh thoảng lại xếp hàng nối nhau  cả chặng dài trên đường đi. Khi bóng tre lồng đáy suối xanh mướt, lúc lại bảng lảng bên dòng Bằng Giang thả thơ lên mặt nước. Cứ tưởng tre là sản phẩm của đồng bằng, hoặc quá lắm là trung du. Vậy mà sai toét cả. Trên đất nước mình, có lẽ quê hương của tre là Cao Bằng. Đi chỗ nào cũng gặp tre. Còn vẻ đẹp thanh tú, thì tre Cao Bằng chắc chắn đứng đầu bảng chẳng đâu dám so.

Trùng Khánh một thời được coi là Hồng Công của mảnh đất sơn cước này vì vẻ đẹp và nơi ăn chơi của các đại gia vùng biên. Nơi đây đường biên tiếp giáp với hai huyện Trịnh Tây và Đại Tân bên Tàu dài 62 km. Trùng khánh trên dưới 5 vạn dân thì bên kia con số là 35, gấp đến bảy lần! Ngày chủ nhật phố chợ Trùng Khánh vẫn vui.  Bữa cơm trưa, ông  Nông Văn Ngoạt , phó bí thư thường trực huyện Trùng Khánh đãi đoàn công tác chúng tôi món đặc biệt: ngọc kê và bảo hôm nay chủ  nhật, chợ phiên nên mới có món này. Bà con trong bản vẫn có thói quen nuôi gà thiến. Ngày chợ họ đem từng lồng lớn gà  ra đây thuê thiến.

Một vùng biên vẫn bình thản trong cuộc sống như thế. Trùng Khánh có con thác Bản Giốc đẹp như cõi tiên vẫn còn đó. Cái thác bản Giốc dù bên kia có bẻ queo tên thành Thin Tắc (đá gẫy) thì với bà con ta nó vẫn là Bản Giốc, vì nó nằm trên sông Qui Sơn đã cả ngàn năm nay. Cái phần bên kia đòi giữ thì trong con mắt người Đàm Thủy, Trùng Khánh, Bản Giốc cũng vẫn chỉ có một,  vẫn là con thác ruột rà. Phần bị vay mượn ấy, rồi sẽ có một lúc nào đó lại trở về đầy đủ đúng với chỗ của nó.

Lòng người có thể bể dâu, nhưng giang sơn không dễ đổi; lẽ phải không thuộc kẻ to mồm, mặc dầu nhất thời chúng có thể thắng thế. Người Trùng Khánh hiểu điều đó nên khi có tiền để vào thị xã xây nhà to kinh doanh, họ vẫn bình thản giữ lại ngôi nhà cổ. Với họ, một mẩu đất cha ông để lại đều là thiêng liêng, đều là lộc ông bà dứt khoát không bao giờ bỏ!

 

Hoạ sĩ Đỗ Đức, 3/7/2009

 

Xem thêm:

Cảnh đời (một khi họa sĩ viết thì sẽ có tranh minh họa thế này đây…)

Luận về nước (chan chứa và sâu sắc!)

Món thất tinh (một bài viết rất duyên!)

Bún cua 

Chuyện của mình. 

Họa sĩ Mộng Bích: cây đại thụ lặng lẽ vẽ tranh Lụa

 

  2 comments for “Cảm nhận Trùng Khánh

Comments are closed.