Hà Nội ngõ nhỏ phố nhỏ

Trong một bài hát về Hà Nội, có một nhạc sĩ day dứt mãi với kỷ niệm “…Hà Nội phố nhỏ, ngõ nhỏ…nhà tôi ở đó…” Tôi nghĩ có lẽ nhạc sĩ từ xưa đã là một cậu lỏi Hà Thành suốt ngày len lách vào các ngõ ngách Hà Nội mới có lòng trăn trở như thế…

Nếu nhìn Hà Nội với 36 phố phường xưa thì Hà Nội là như vậy. Bây giờ Hà Nội mở sang Tây, sang Đông, sang Bắc sang Nam, nhưng khái niệm về Hà Nội của tôi, thì tôi vẫn bắt gặp cảm xúc như nhạc sĩ nọ. Đó là Hà Nội kẻ chợ, nho nhỏ, ấm áp như một làng quê. Mai này Hà Nội có thể có rất nhiều chung cư, siêu thị, các loại nhà tháp minh chứng cho thời hiện đại, cuộc sống hiện tại, thì ngẫm về Hà Nội , tôi vẫn cho rằng chẳng qua chúng chỉ như cái khung được chạm trổ kỹ lưỡng để tôn vinh cho bức tranh Hà Nội 36 phố phường.
Bây giờ ta tha thẩn từ chợ hàng Bè, một chợ lọt giữa phố cổ sầm uất, hội đủ đồ ăn thức uống ngon lành bậc nhất trong các chợ Hà Nội, để làm cuộc dạo chơi loanh quanh mới hiểu nỗi lòng nhạc sĩ nọ. Chợ Hàng Bè nằm bên phố Cầu gỗ, qua trên hai trăm mét luồn lách cụng đầu vào ngõ Trung Yên, nơi có ngôi miếu nhỏ, mà ngay cửa đã được một người biến thành quầy tạp phẩm . Bóng si xanh tạo ra một khoảng tối cuối ngõ còn con ngõ thì hẹp vanh vanh. Rõ ràng đứng ở đây người ta dễ nhớ tới một làng của phố thị hơn là một điểm ở trung tâm thành phố. Nếu không có những tiếng động cơ xe máy bậm bạch cào xé không gian thì ngõ thật yên bình biết bao…Dạo qua 36 phố ta sẽ bắt gặp nhiều cảnh như phố Trung yên. Phố Ngõ Gạch có gốc đa cổ thụ trấn trước một ngôi đền cổn. Phố ngõ Cổng Đục dài vài trăm mét nhỏ hẹp chỉ đủ cho 2 xe máy tránh nhau. Những tên ngõ như Phất Lộc, Hàng Hương, Tạm Thương, những phố như Hàng Lược, Bát Đàn, Thuốc Bắc, Hàng Cá, Hàng Đào, hàng Ngang, Hàng Đường… gợi cho người ta biết bao điều về đặc điểm riêng tư của nó. Những ngôi nhà cổ xưa rêu phong, rêu cỏ mọc bám lưng tường. Những mảnh mái chắp vá, những chắn sắt chuồng cọp hoen rỉ đua ra ngoài ô văng cửa sổ của những căn hộ vốn đã hẹp, thiếu sáng lại tối om hơn sau những che chắn của áo quần hong phơi đung đưa hong gió, bởi . Ở những phố nhỏ, ngõ nhỏ bình yên ấy phần nhiều là cảnh nghèo, viên chức thợ thuyền. Số làm ăn phất thì đã kiếm đất ngoại ô lập trang trại nhỏ, hoặc chí ít cũng mua dăm chục mét đất cất căn nhà vài ba tầng để giải toả cái chật chội, tìm đến sự yên tĩnh để hít thở ít hương đồng gió nội.

Phố nhỏ ngõ nhỏ chen chúc, nhưng lại là nơi khả dĩ kiếm sống để tồn tại cũng vô tình lại là nơi giữ lại được phần nào sắc thái Thăng Long, cả phần di sản vật chất lẫn tinh thần. Lương Văn Can là một phố nhỏ. Những căn nhà sin sít như hàm răng sữa trẻ con vào dịp sắp thay. Ta mà đi qua vào ban ngày sẽ thấy phần lớn tường nhà bị lấp kín sau lớp hàng tạp hóa tầng tầng, như áo quần, đồ văn phòng, đồ chơi trẻ con, quán ăn, quán cà phê, con đường nhỏ hẹp thì người và xe luồn lách tránh nhau như trạch. Tiếng ồn chỉ lắng xuống sau gần nửa đêm. Không đâu như ở đây, diện tích vỉa hè và tường nhà trước phố dù nhếch nhác nhưng bao giờ cũng có giá bởi là nơi mở hàng kinh doanh hoặc có thể cho thuê để kiếm ra tiền. Có góc vỉa hè từ 5 giờ đến 8 giờ sáng là của người bán bún miến, sau 8 giờ đến chiều lại thành nơi bán áo quần, đồ chơi trẻ con, tối: cà phê, chè chén. Phố xá không có giờ ngơi nghỉ. Phố xá như bà mẹ nhà quê tần tảo nhặt nhạnh suốt ngày hết việc nọ đến việc kia, luôn chân luôn tay. Đó là chưa kể những hàng rong ăn ghẹ thoắt đến thoắt đi như khách bộ hành, lúc là đôi quang gánh, khi là chiếc xe đạp với cái mẹt hàng sau yên có từ mớ rau, con cá, nắm hoa, đến xôi, chè, sắn hấp, hoa quả… Đủ tất cả những gì mà nhu cầu sống cần đến( kể cả nhu cầu cho cõi tâm linh như nén nhang vàng mã, quả cau lá trầu). Phố nhỏ, ngõ nhỏ bình dị ấy ngày càng chen chúc trong nền kinh tế thị trường. Tất cả tướn ra hè phố, kể cả phố nhà binh Lý Nam đế cũng rất nhanh quay mặt ra đường để biến thành phố linh kiện máy tính…Nên 36 phố phường chưa bao giờ là đất của hành chính. Có bao nhiêu cuộc bàn, bao nhiêu cuộc họp của chính quyền nhằm quét cái mạng nhện kinh doanh đủ kiểu ấy để phố xá gọn gàng theo ý muốn nhưng đều bất lực. Cuộc sống sôi động như những đợt sóng biển khơi vỗ liên hồi theo thủy triều…Nếu có thay đổi là chính nó tự đổi thay chứ không phải những quyết định hành chính mà xong. Sinh thời, có lần ngồi trên tầng 4 của căn nhà các nghệ sĩ, số 65 Nguyễn Thái Học, họa sĩ Nguyễn Sáng nói với tôi khi ông nhìn xuống phố “Nếu quét bỏ hàng rong, dẹp quán cóc vỉa hè thì không còn là Hà Nội nữa. Sẽ là thành phố chết”. Bây giờ nhớ lại câu nói cách đây trên 30 năm của ông, càng thấy thấm thía tình cảm sâu xa của người họa sĩ già Nam bộ. Rõ ràng, Hà nội 36 phố phường là Hà Nội phố thị chứ đâu phải là thành phố của khái niệm hiện đại. Phố thị là phố buôn bán nhỏ lẻ, bỏ phần “thị” đi thì chỉ còn là phố hoang !.

Bởi là phố thị nên người ta trông nhau mà kinh doanh, theo nhau mà mở mặt hàng nên từ một cà phê thành danh người ta nối theo hàng chục quán cà phê. Đôi khi tên phố xưa còn, nhưng nay đã thay toàn loại mặt hàng mới chả ăn nhập gì với phố xưa vì nó mà nên tên. Hàng họ mở ra là do nhu cầu của cuộc sống đòi hỏi và khả năng đối ứng của chủ nhân mặt phố. Vậy nên phố Hàng Trống có thời là đại diện cho cả một dòng tranh mang tên phố, sau đó đã nhường ngôi vị cho nghề cắt may, thêu tay, thêu máy. Đến bây giờ, ngoài hàng may còn xen kẽ đủ loại từ hàng lưu niệm, galery bán tranh và các mặt hàng khác nữa. Người làm tranh hàng Trống xưa hoặc theo nghề mới hoặc chuyển đi nơi khác…Càng gần trung tâm 36 phố phường thì cuộc sống càng luôn chuyển mình thiên biến vạn hóa. Dù phố nhỏ, ngõ nhỏ vẫn như xưa ồn ã ngoài phố nhưng bước vào sau cánh cửa thì nếp sống vẫn giữ nguyên lối sống người Tràng An: nền nếp, nhẹ nhàng, kín đáo. Và người Hà Nội vẫn có những nơi trú ngụ của riêng mình. Hoạ sĩ Đỗ Lệnh Tuấn, hiện ở Ngõ Quỳnh, con một gia đình nhiều đời cắm chân tại đất kinh thành, rành rẽ kể cho tôi nghe những món ăn ở ngõ nhỏ, phố nhỏ, có giá rẻ bình dân như bánh cuốn, bún chả, bánh khoai, phở sào, phở nước, mì vằn thắn, sủi cảo, các điểm dịch chuyển của cà phê Nến, cà phê Nhân, cà phê Hói, cà phê Lâm… Anh đọc rõ từng tên, chỉ ra từng chỗ, cả cái lý lịch dịch chuyển vị trí kinh doanh từ góc phố nọ sang chân phố kia với tên từng ông chủ khai sáng ra những món ăn danh tiếng ấy mà nay con cháu đang nối nghiệp. Tôi đi theo anh len lỏi qua các phố ngõ, lách qua dòng người chen chúc càng thấm sâu cái dư vị phố làng trong cách sống và kiếm sống. Đó là những trang dư địa chí sống trong một đoạn ngắn của đất kinh kỳ đầy thiên biến vạn hóa như loại tiểu thuyết chương hồi …

Đi trên phố Hà Nội, những con phố lao xao hàng me, hàng sấu, cơm nguội hoặc những hàng cây Nhội lá dày như tóc thiếu nữ mới lớn để tìm lại cảm giác xưa cũng không còn dễ . Bởi nó cũng như cuộc sống nổi chìm. Những hàng cây đầy gẫn gũi ấy cũng không còn nguyên vẹn. Nó đã được gài xen kẽ từ bao giờ những cây bàng, cây bằng lăng, cây lim tây, cây bông xanh…Cây ven đường cũng bồng bềnh trôi nổi tự do như lối buôn bán vặt vãnh kiểu phố thị: không cần giàu, chỉ cần đủ. Thiếu thì âm thầm chịu đựng, dư thừa cũng chẳng khoe mẽ với ai. Khác hẳn với các trọc phú mới phất thời nay vào đâu cũng tìm cách thể hiện sao cho phải xiêu đình đổ quán. Người Hà Nội cũ vẫn có nguyên lối sống, cách vận hành cuộc sống của mình và lối sống ấy cũng chinh phục khá nhiều người nhập cư có thiện ý tìm đến nguyên quán của đời sống tinh thần thủ đô.

Tôi yêu Hà Nội. Phố nhỏ ngõ nhỏ dù ngày nay có trở nên ồn ã hơn xưa vì người khôn của khó. Dù nó chẳng lặng lẽ về không gian nhưng trong tâm thức con người phố nhỏ, ngõ nhỏ vẫn giữ được cái yên bình . Đó là tầng văn hóa đã thành trầm tích mà ai tinh ý đi dạo qua các phố vẫn có thể bắt gặp. Sau cái chen lấn chật chội kia, một Hà Nội ngõ nhỏ , phố nhỏ với những con người kinh kỳ hiện lên trong ứng xử, giao tiếp. Cho dù hình thức bề ngoài có hiện đại thời thượng đi chăng nữa thì ta vẫn nhận ra vẻ đẹp của nếp sống Thăng Long.

Sinh nhật
20.11.2005

 

Xem thêm:

TRANH MỚI VẼ: Tranh Sen

Chuyện núi chuyện rừng

Luận về nước (chan chứa và sâu sắc!)

Món thất tinh (một bài viết rất duyên!)

Bún cua 

Họa sĩ Mộng Bích: cây đại thụ lặng lẽ vẽ tranh Lụa