Hoạ sĩ phải là một hành tinh

Họa sĩ Hoàng Đình Tài kể với tôi về giáo khoa nghệ thuật của cố họa sĩ Nguyễn Sáng có bốn điều cấm kị, đó là không khéo tay-không làm xiếc- không văn chương và không lập dị. Phạm vào một trong bốn điều đó sẽ làm hỏng tác phẩm. Vậy mà có họa sĩ đã phạm không chỉ một hai mà cả bốn điều! Vậy còn là họa sĩ không hay chỉ là người làm nghề vẽ?
Ngẫm thế thấy trở thành họa sĩ thật khó.

Nhưng như thế là Nguyễn Sáng đã chỉ rất rõ những giới hạn, vị trí dễ dệ xe của mĩ thuật. Vì bốn điều đó sẽ làm mất đi sự trang trọng và trí tuệ của tác phẩm tạo hình, mà với ông nghệ thuật chân chính và hoàn mĩ là phải biết bỏ đi những cái phù phiếm không để những cái không nghệ thuật nhiễm vào.

Dĩ nhiên là sẽ có nhiều ý kiến phản bác lại rằng ông ấy cổ lỗ, cứng nhắc và là chỉ là ý kiến của cá nhân, tự tạo ra cho mình cái hành lạng chật hẹp làm gì. Chúng tôi có những quan niệm khác.
Qủa tình trong mỗi người làm nghệ thuật đều có một ông vua. Nhưng nói gì thì nói, ý kiến của nguyễn Sáng đúng là những tền đề quan trọng cho người bước vào làm nghệ thuật. Rất khó phản bác một tài năng đã trải nghiệm

Nhưng bây giờ thì nghệ thuật nói chung dễ dãi hơn thế nhiều.
Tìm tòi sẽ để ra cái mới nhưng cũng không ít sản phẩm của sự bế tắc dưới cái áo tìm tòi. Bây giờ người ta bỏ tiền ra cho những trò chơi, cổ xúy cho sự phá phách khi đã chán ngứ những giá trị thật các thế hệ đã tạo ra mà bây giờ chẳng thể làm hơn. Bên cạnh đó còn thứ nghệ thuật đặt hàng theo mục đích này nọ cũng tai hại không kém, làm cho người ta loay hoay làm sao cho sản phẩm làm vừa lòng nhà đầu tư. Cuối cùng là những món tạo ra chẳng thấy chút vị mặn mòi.

Nguyễn Sáng đã từng lập ngôn: “Họa sĩ không có thủ trưởng, thủ trưởng là chính anh ta, họa sĩ phải là hành tinh chứ không phải vệ tinh”. Chúng ta đã bao nhiêu năm làm vệ tinh? Họa sĩ Hoàng Đình Tài đế thêm: Hành tinh mới có năng lượng vũ trụ, còn vệ tinh thì chỉ quay theo một lực hút. Điều đó rất đúng với người sáng tác. Hành tinh để người ta ngưỡng theo, còn vệ tinh thì hoạt động theo sự điều khiển từ mặt đất.
Một họa sĩ nói với tôi, lão họa sĩ Nguyễn Tư nghiêm từng có những cái nhìn rất khách quan về một họa sĩ bạn khi ông nhận xét: Ông vẽ nhiều, nhưng tranh của ông ấy không có lí do để xúc động. Qủa là một đòi hỏi ngặt nghèo của một cây đại thụ trong làng nghệ thuật. Nhưng thật sự nghệ thuật không có chỗ cho sự dễ dãi.
Lại cũng Nguyến Sáng phân loại, có những họa sĩ danh tiếng ông thân ái xếp vào hàng du lịch. Hoặc có họa sĩ tài hoa nhưng lại đi chọn cho mình hướng khép, tự làm khó cho mình. Họa sĩ có nhiều trường họp hay chê nhau vô lối, nhưng với những tài danh như Nguyễn Sáng thì mỗi lời nói ra nặng tựa Thái sơn, chứa trong nó đầy trách nhiệm của người làm nghề, rất trọng thị với bạn bè, nên luôn tiếp cận được với những gì của bạn bè làm ra. Những điều các ông ấy nói đều đáng nghiền ngẫm cả..
Học vẽ vốn rất khó, nhưng làm nghề còn khó hơn. Giữ được đạo nghề còn khó hơn nữa. Trước mặt họa sĩ luôn là sự thử thách, bởi vì trong nghệ thuật không chứa đựng sự dễ dãi.
22/7/2010

 

Xem thêm:

Chuyện Yết Kiêu (3): Nhất quỷ nhì ma, thầy và trò Yết Kiêu 

Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài 

Cõi tình Khau Vai

Chuyện của mình.