Tạ Thâm: Chết cho tình yêu

Có những con người  ta gặp một lần  mà rồi mãi không quên, dù chẳng có mối thâm giao nào…

Tạ Thâm với tôi là một người như thế. Lần đầu tiên diện kiến ông ở Thái nguyên khi ông từ Tây Bắc đem  cây tính tẩu cải tiến sang giới thiệu với đoàn văn công Việt Bắc. Đây cũng  cũng là lần đầu tôi biết đến tên ông.

…Và rồi không có lần gặp thứ hai trước khi nghe tin ông qua đời…

Lần gặp ấy  nhớ gương mặt ông gầy gụa hốc hác, chỉ mỗi cây đàn trên tay là có sự sống và vẻ đẹp thanh tân.

Không biết các nhạc công đánh giá cây đàn ra sao, nhưng khi nghe ông nói về việc cải tiến và nhìn cây đàn mới thấy hành trình gian nan, mà chỉ có thể hiểu được ông khi tình yêu đến nẫu chín trong người thì người ta mới làm nổi việc đó.

Vì tình yêu cây đàn ông bỏ hết tiền của  vào việc mua vật liệu cải tiến nhạc cụ ấy, và cây tính tẩu  như là điểm khởi đầu, mà chưa biết đến kết quả  sẽ đi đến đâu.Tình yêu nào cũng phiêu lưu và mạo hiểm, Với ông tình yêu đến vào tuổi xế chiều lại càng mạo hiểm hơn.

Lần  giới thiệu ấy của ông không thành công. Tôi cảm thấy người ta thờ ơ với cây tính tẩu  dù tính năng có vẻ hơn cây đàn truyền thống.

Người Việt Bắc từ lâu quen với cây đàn then, hộp cộng hưởng bằng vỏ bầu, cần đàn thanh thoát nhẹ nhàng khác hẳn hộp đàn bằng gỗ và cần đàn thô và dài hơn. Tóm lại cây đàn dù cùng tính năng và hình thức, âm hưởng dù có hơn,  nhưng cái quen dùng vẫn  để người ta yên tâm hơn, nên chuyến đầu tiên ông từ Tây Bắc qua Việt Bắc là một cuộc du thám không thật sự thành công…Không cây đàn nào được bán.

Thời gian trôi và buổi gặp ông  cũng trôi luôn khỏi đầu tôi dù nó rất ấn tượng. dù sao lúc đó tôi chỉ là khách ở  Đoàn văn công, ngẫu nhiên biết ông mà không có quan hệ gì về công việc dính đến nghệ thuật hay âm nhạc của đoàn.

Mấy năm sau bất ngờ tôi gặp lại ông trên chương trình Văn học nghệ thuật VTV3 giới thiệu ông, nhà cải tiến nhạc cụ có một không hai. Để cải tiến nhạc cụ ông đã bán sạch cả gia sản để tạo vốn. Những năm ấy đất nước làm gì có tí kinh phí nào đầu tư cho nghiên cứu cải tiến khí cụ. Ai mê mải thì làm, Tạ Thâm là người bị bùa mê cái tiến khí nhạc ngấm vào gan ruột  nên lăn xả theo việc đó như nghiệp chướng. Tôi còn nhớ hình ảnh ông liêu xiêu lội suối, đôi chân gầy guộc đi  không vững trong ánh chiều tà đang tắt dần sau dãy núi xa. Dưới chân ông, dòng suối nấc lên chút ánh vàng nhợt nhạt … Hình như đó là chuyến đi cuối cùng về một bản xa khảo sát nhạc cụ truyền thống của ông …

Sau đó nghe tin ông mất.

Ông mất trong đói nghèo và bệnh tật.

Trên mạng hôm nay tôi tìm được mấy dòng thông tin ngắn ngủi  nặng về quảng cáo hàng:

“Xưởng nhạc cụ Tạ Thâm được thành lập năm 1957 bởi nhà nghiên cứu, cải tiến nhạc cụ Tạ Thâm. Với khả năng chế tác nhạc cụ tài ba, Tạ Thâm đã được giới nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ dân tộc gọi là “vua đàn”, “vua cải tiến nhạc cụ”.

Năm 1987, trong cuộc thi “Những công trình cải tiến đàn dân tộc” do Viện nghiên cứu Âm nhạc tổ chức, ông đã tham gia5 công trình thì cả 5 công trình đó đều đạt giải cao (3 giải A: đàn bông sen,Dàn mõ tổng hợp, Chiêng dây; 2 giải B: Tính tẩu, Chùm nhạc) trong tổng số 10giải thưởng của Bộ Văn hóa Thông tin.”

Với sự nỗ lực không ngừng trong việc nghiên cứu phương pháp chế tác nhạc cụ suốt hơn nửa thế kỷ, nhiều loại đàn của xưởng nhạc cụ Tạ Thâm đã được các nghệ sỹ biểu diễn Việt Nam và nước ngoài coi là mẫu mực về chất lượng âm thanh và tính thẩm mỹ của nhạc cụ cổ truyền Việt Nam.”

 

Tất cả chỉ có vậy, không một dòng lai lịch tiểu sử, năm sinh năm mất  nơi đào tạo về một con người cả đời dành cho cải tiến nhạc cụ, mà  theo tôi là quá vĩ đại.Trong dàn nhạc dàn mõ tổng hợp do ông cải tiến không những tuyệt vời về âm sắc mà còn rất rất đẹp  về tạo dáng.

Ông đã chết cho tình yêu. Một con người để lại cho đời trái thơm qủa ngọt sau khi vắt kiệt sức lực và tài sản của mình cống hiến cho đời. Hình như bây giờ con trai ông kế nghiệp nhưng sản xuất là chính.

Cho đến giờ phút này tôi không biết ông có được truy tặng danh hiệu gì từ Nhà nước không.Ông chết trước khi các danh hiệu ra đời!

 

27/11/2013

 

Xem thêm:

Họa sĩ Mộng Bích: cây đại thụ lặng lẽ vẽ tranh Lụa

Hoạ sĩ Nguyễn Sáng: Đừng vẽ theo chính sách

Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài 

Nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài: Nghệ sĩ độc hành

 

Luận về nước (chan chứa và sâu sắc!)

Món thất tinh (một bài viết rất duyên!)

Bún cua 

Chuyện của mình.