Chuyện ở đầu ô

Câu chuyên này xảy ra cách đây đã ba mươi năm mà tôi như tưởng mới hôm qua. ..

Khu tập thể ấy ở ô Cầu Giấy. Nó là những dãy nhà làm nối nhau như nhà dài Tây Nguyên. Vật liệu thôn quê: cột mai, mái lá gồi, trần cót ép và tường toócxi. Nhà được ngăn thành rất nhiều gian.. Những căn hộ như thế chỉ mười tám mét không buồng, dùng để phân phối cho các cán bộ. Nhưng nó cũng rất nhanh xuống cấp. Dầu vậy có chuyển công tác thì giao lại thìa khóa, đến nơi mới lại nhận một gian nhà như thế.
Những năm bao cấp, chuyện nhà ở không khó như ngày nay vì cơ quan nào cũng có khu tập thể. Nhưng chất lượng nhà chỉ như thế. Cũng là tốt chán. Cũng chẳng mấy ai phàn nàn về chuyện nhà cửa, vì mọi người đều giống nhau. Chỉ đôi khi ngày mưa thì dột lung tung có vài tiếng kêu, hết mưa lại thôi!
Sau ngày thống nhất, cánh cán bộ Miền Nam rút đi, khu nhà ấy được để lại cho những cơ quan mới tiếp quản để phân phối luôn cho những cán bộ luân chuyển đến mà chưa có nhà ở.
Có một gia đình nho nhỏ xuất hiện trong khu nhà ấy. Chị người Huế , anh người khu Bốn, chẳng rõ tỉnh nào. Chị ăn nói nhẹ nhàng, khiêm nhường, anh ăn nói vu khoát như người mắc bệnh họp nhiều, lúc nào cũng oang oang, ông ổng. Đã thế lại hay đưa vào ngôn ngữ giao tiếp những câu tục tằn thoải mái mà người thành thị hay kiêng tránh. Lâu ngày quen mồm và cứ thế diễn hoài…và anh cũng không biết là mình nói gì nữa.
Cuối năm 1975, anh chàng cử nhân văn khoa cao lòng khòng như con gọng vó có tên cu Hai ấy trên đường vào Nam tiếp quản đã đưa được cô vợ xinh đẹp như hoa hậu từ Huế ra. Ai hỏi lai lịch, anh nhếch mép khinh khi “ nhặt được ấy mà”, và không bao giờ hé nửa câu với ai về nguồn gốc cô vợ, trừ cái tên Vân để gọi hàng ngày không thể cất giữ. Nhưng qua tiếp xúc, người ta có thể nhận ra cô xuất thân từ một gia đình nền nếp có giáo dục. Chị cắt may rất khéo, nhất là những bộ môđen từ phía Nam kéo hút sự chú ý của đám đàn bà con gái rất nhiều. Cái thời quần lụa, áo simili cổ bẻ ai cũng như ai chán ngắt, nên những kiểu cách của Vân cái nào cũng thấy hay. Cũng vì thế mà nhà trong khu tập thể, không biển hiệu mà việc cứ ùn lên. Qua cái cửa sổ nan tre, dưới ánh sáng tù mù của điện 110 von lại luôn không đủ áp, chị lúi húi tất bật luôn tay. Đã thế lại còn bấu hai bên, hai đứa con sinh đôi. Anh chồng không biết công lên việc xuống gì mà biền biệt suốt ngày, chỉ trở về nhà khi đường phố lên đèn.Túi dết khoác chéo vai, mũ lá bật vành, bộ đại cán bạc phếch ít thay , và luôn lọc cọc trên chiếc xe đạp cà tàng, anh tỏ ra một công chức mẫn cán vào loại một.
Hàng xóm ở xa nhìn họ khát thèm hạnh phúc. Nhưng hàng xóm sát nách thì lập lờ “ chưa chắc, thằng ấy cục súc như chó, đấm tát vợ luôn đấy”. Chẳng biết thế nào, bởi xung quanh không bao giờ nghe thấy tiêng vợ chồng họ cãi cọ. Chuyện anh chồng ra ngoài chuyện như tháo cống xả nước, về nhà lại ngậm tăm; lại không thấy bao giờ họ sóng đôi đã gợi cho những kẻ tò mò đánh hơi thấy nội tình nhà ấy có điều gì bất ổn. Một hôm tôi sang píc kê lại cái gối quần, chị liếc nhìn ái ngại “nát quá, píc kê lại cũng chẳng dùng được bao lâu”. Nhưng rồi lại không nói gì thêm, gạt chiếc áo đang may dở sang bên cạnh , làm luôn. Tôi quan sát căn nhà chật chội đầy ứ hàng nhưng được xếp đặt ngăn nắp mà thầm cảm phục chị khéo thu xếp. Nhưng tôi chợt nhận ra trong ánh sáng đèn tù mù đuôi mắt trái chị có vết tím bầm. Chợt nghĩ có lẽ thằng cu Hai chồng chị nó ra võ. Như biết tôi đang nghĩ gì, chị nói vội “ bữa qua em sẩy chân té ngã…”. Tôi ừ à lái nhanh sang chuyện khác. Lúc này mới hay rằng chị không phải người ít nói, không sống khép kín. Chị kể về Huế,nơi chị được sinh ra, cả tuổi trẻ học hành với nhiều ước mơ bay bổng. Lúc đầu chậm rãi, sau thì miên man, kỉ niệm chồng lên những kỉ niệm, chắt chiu sâu nặng. Bây giờ thì tôi hiểu và biết cõi lòng chị muốn gì, biết anh chị tuy chung mâm bát nhưng mỗi người có bầu trời và ước mơ riêng. Họ đồng sàng dị mộng,vì mỗi lần trở về kí ức quê hương là con gọng vó cu Hai lại chặn họng, coi đó là cái quá khứ cần dứt khoát rũ bỏ, phải vĩnh viễn quên đi. Cu Hai không bao giờ chịu nghe tâm sự của vợ mình và càng không quan tâm đến những khát khao nho nhỏ của chị. Chị nói trong nỗi buồn day dứt “ Em đâu được làm người vợ đúng nghĩa, chẳng qua như đứa làm công đẻ mướn, nuôi con cho ông ấy, quá ở tù”. Thật cay đắng quá1
Có lần gặp ngoài ngõ tôi thấy cu Hai đang bức xúc cao giọng “Mẹ nó chứ mình trao cho nó cả trái núi, cho nó cả cuộc đời, thế mà chỉ thấy một vệt nắng nó đã đổ mắt nhìn theo, lại còn tưởng là bầu trời tự do của nó”. Hóa ra cu Hai ghen. Cũng dễ hiểu thôi, chị vóc ngọc da ngà. Sinh hai đứa con chỉ làm cho chị đầy đặn thêm vẻ đẹp. Nhưng hơn cả là đôi mắt dịu hiền và lối ăn nói dịu dàng của người con gái đất Thần Kinh đã làm bâng khuâng không ít khách hàng vãng qua. Chị cũng có thêm chút niềm vui vì sự hâm mộ ấy. Đã có tiếng xì xào, rõ bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu. Người ta chê anh chồng thô lậu dốt nát lại luôn mang trong đầu cái suy nghĩ mình là người giải phóng, đã có công cứu vớt cuộc đời chị, làm mái nhà che chắn cho chị “ không thì mày đã chết rấp ở đâu rồi”. Có lần tôi đã nghe con gọng vó nói thế. Những năm sống cùng anh chồng cử nhân, cán bộ văn hóa, là Vân đang sống trong ngục chứ đâu phải là đang được sống.
Tưởng cuộc sống đầy đọa nhau ấy sẽ kéo sập cả hai đến tuổi xế chiều. Nhưng tôi đã lầm. Nếu người đàn ông coi sự nghiệp là mục đích phấn đấu thì người phụ nữ, mái ấm hạnh phúc mới là lòng mong mỏi vươn tới. Khi chưa đạt được điều đó họ đâu dễ bỏ cuộc. Được mấy năm sau, khi hai đứa con bước vào được mẫu giáo thì một buổi sáng nọ, nghe thấy dáo dác bên nhà cu Hai, tôi lò dò sang thì hóa ra chị đã bỏ đi khỏi nhà từ hôm trước, không đem theo thứ gì, không để lại một dòng nhắn gửi. Bao nhiêu năm sau vẫn bặt vô âm tín

* * *

Cuộc sống thường trực tiếp dạy cho ta nhiều điều, nhưng có người nhận ra nhanh, có người lại chậm. Với cu Hai là quá chậm. Khi bước vào tuổi bẩy mươi anh ta mới nhận ra những sai trái đến ngu xuẩn của mình và trách mình chẳng ra gì. Hóa ra anh đem việc đất nước làm  cái áo khoác của mình, đem về trưng diện trong nhà. Anh chưa hề biết đến mái ấm hạnh phúc gia đình ngoài cái ngộ nhận bản thân để rồi tự đẩy mình vào bi kịch. Cuộc đời cu Hai không có ngày bình yên.
Cho đến giờ, trong những người già cả ở khu tập thể vẫn nhớ chuyện ấy và có hai luồng ý kiến khác nhau. Người thì cho chị là người đàn bà không có lương tâm bởi cái tội bỏ con bỏ cái : “ Có người mẹ quạ mổ nào lại như thế!”. Người khác lại cho chị là sắt đá, gan tày đình, đáng mặt đàn bà, biết dạy cho những thằng đàn ông ngu một bài học đích đáng. Riêng tôi từ lâu đã nghĩ rằng cuộc tự giải thoát của chị là tất yếu. Chấp nhận đau đớn rời xa hai đứa con để giành lấy cuộc đời còn rất dài của mình, chị đã làm một việc vượt qua lẽ thường mà gần như không một người đàn bà nào dám làm. Chẳng biết nên khen hay nên chê, nhưng tôi vẫn thầm cầu phúc cho người đàn bà ấy, dù chị có còn hay không trên cõi đời này.2005-2008

  2 comments for “Chuyện ở đầu ô

Comments are closed.