Nghĩ vào ngày nghỉ (1)

Đongngan
Xét cho cùng trên đời này chỉ có hai loại người: tốt và xấu, hiền lành và gian ác, thông minh và dại dột. về thể lực thì có khỏe và yếu, lành lặn và què quặt. Xã hội cũng chỉ hai loại: văn minh và lạc hậu. Văn minh thì con người được tự do phát triển, xã hội lành manh. Lạc hậu thì con người bị thiệt thòi méo mó, tụt hậu.
Thế mà chúng ta làm cho nó phức tạp lên khi lạm dụng hai từ Cách mạng.

Một xã hội dang yên lành, ba thằng đội cải cách về, chỉ sau vài tuần hội họp là thôn xóm bất an, nhốn nháo nảy nòi ra cố nông, bần nông, trung nông, phú nông , địa chủ, cường hào…Rôi nhìn nhau hầm hè thành thù địch. Cố nông là lớp người nghèo nhất lên làm chủ và đấu tố thiên hạ.

Dường như đã có cuộc “ cách mạng văn hóa vô sản” ở nước ta sớm hơn Trung quốc. Đó là cuộc cải cách ruộng đất xới tung , đảo lộn cả một nền tảng đạo lí dưới cái khẩu hiệu háp dẫn” Người cày có ruộng” vào năm 1956. Mười năm sau, vào năm 1966 Trung quốc mới xảy ra Đại cách mạng văn hóa với lớp Hồng vệ binh vừa ráo máu đầu với khẩu hiệu” trừng trị bè lũ tư sản trỗi dậy trong Đảng” rất hay ho nhưng thực chất là trừng trị nhũng người trái quan điểm với Mao. Bành Đức Hoài, Trần Nghị, Lưu Thiếu Kì, Hạ Long và nhân vật sau cùng là Diêp Kiếm Anh. Theo chỉ đạo của Mao, lũ chúng không cần biết trên đưới, chỉ làm theo lệnh. Đám robot đáng sợ, sản phẩm Mao Trạch Đông đã từng làm bại hoại xã hội Trung Hoa một thời gian dài. Còn ở ta, tham mưu Tàu dựng lên đội cái cách, biến tầng lớp nghèo khổ bần cố nông một đem trở thành những ro bot hung ác đầy quyền lực. Có nơi đội cái cách còn giải tán cả chi bộ Đảng. Cán bộ Trung ương mà về quê khi bố đẻ đang bị qui địa chủ cũng có thể bị bắt và xử tại chỗ.

Những con robot do Đội cải cách nặn ra, chỉ mặt bố đẻ gọi là thằng, rồi vợ tố chồng hãm hiếp! Đội cải cách khuyến khích điêu toa, cho họ có thứ đặc quyền đặc lợi, làm những việc tày trời mà không biết đó là tội ác. Bây giờ còn nhớ lại thời ấy có câu nói bất hủ câu: thỏa mãn Bần cố nông chưa!. Tức là cứ rủa xả tố khổ cho đủ, cho đẫy vào, có điêu toa cũng chẳng sao. Lúc ấy tội liên quan với địa chủ là cũng không nhỏ. Một chính sách chia rẽ đén tuyệt đối xã hội, làm man rợ hóa văn hóa sống cộng đồng
Hai ví dụ trên đều xuất phát từ lợi dụng sự ngây thơ và ngu dốt để thực hiện những ý đồ xấu xa. Kẻ bề trên phải chịu trách nhiệm ấy chứ không phải những con robot trẻ hoặc già.

Địch là cái gì nhỉ. Địch là đối thủ, nhưng cũng rất mơ hồ, nhất là khi không chỉ rõ mặt, không bắt tận tay. Nó giống như con ma, ông ba bị chín quai mà người lớn bịa ra dùng làm công cụ dọa tré con. Bản chất hai từ kẻ địch chính là gây cho người ta tâm lí đề phòng nhau, nghi kị nhau, gây cho người ta sợ sệt khi nghe thấy người trái ý mình. Cách này cũng là thứ khủng bố gây tâm lí nghi hoặc, bất ổn cho mỗi cá nhân, khiến người ta co mình lại. Dù đây là phuông cách tuyên truyền rất cũ, nhưng vẫn còn tác dụng, nhất là khi giới cầm quyền đã định hướng quan phương cả một thời gian khá dài và bây giờ vẫn dùng nó như một phương tiện hữu hiệu.

Những từ như cải tạo, thành phần giai cấp (bần nông, cố nông địa chủ cường hào ác bá), địch và ta, lập trường kiên định, liên quan, tàn dư giai cấp phong kiến…từ từ xuất hiện trong kháng chiến và trong cải cách ruộng đất. Nó phân hóa, chia rẽ xã hội , nó còn phân hóa ngay trong một gia đình, thù nghịch ngay trong gia đình mình, chỉ vì người này thấy người kia có cách nghĩ khác.

Năm 1972, đọc tạp chí nghiên cứu giáo dục, thấy Phiđen Caxtoro đã rất đúng khi ông tổ chức lại hệ thống giáo dục. Ai cũng được thi vào đại học, miến là đủ năng lực. Còn phản động hay không đã có bên an ninh lo. Không có thứ chủ nghĩa lí lịch kinh khủng như ở ta, người tổ chức hành chính cũng soát lí lịch như công an! Và nhất là soi đến ba đời.

Rất nhiều điều cần phải rà soát lại, nghiên cứu và minh bạch sai đúng thì cuộc sống xã hội mới có thể trở lại cân bằng. Còn không, nhiều kẻ ác đến chết không thấy mình sai, nhiều người không sai mà bị quy chụp cho đến chết mà khong được minh oan. Nhìn lại cái sai vô cùng lớn trong cải cách ruộng đất hủy hoại cả một nền tảng văn hóa xã hội, hoặc vụ triệt hạ Nhân văn giai phẩm phi đạo lí bằng hai chữ phản động ỡm ờ đến bây giờ không có kết luận là sai đúng cho minh bạch thì vẫn là những món nợ đời của chính quyền chưa trả được cho đất nước.

Nếu có rút kinh nghiêm, nhìn thấu suốt cái sai đúng thì không có những cái bùng nhùng hôm nay , và những món ăn chính trị của Tàu không thể phủ mãi bóng đen lên nền chính trị Việt Nam. Cái để chúng ta yếu kém chính là không dám nhìn vào sự thật, để những sai lầm lết mãi trên con đường đi của đất nước.
Nếu có một Ban lí luận trung ương thì việc đầu tiên của ban ấy là phải nhận diện rõ hiện tương xã hội này trước khi nhả ra những triết lí trên trời. Phải đi từ mặt đất.

Nhớ xưa có lời dạy của tiền nhân:
Cái gương tày liếp không soi
Soi cong nước đái cho lòi mắt ra.
Là để cảnh cáo kẻ thiển cận. Thế giới người ta đi tận đâu đâu rồi, đem lại hạnh phúc cho dân tộc, còn ta cứ soi cái cong nước đái của anh bạn láng giềng ti tiện để cho hết sai này chồng lên sai kia. Lỗi đó là ở ta, đừng đổ cho ai.
28-29/8/2011

  3 comments for “Nghĩ vào ngày nghỉ (1)

Comments are closed.