Vùng chim én lượn

doduc
Ai cũng có một miền quê và có kỉ niệm về miền quê ấy.
Với tôi đó là cánh đồng Bản ngoại, nơi tôi chào đời.
Năm lớp bốn, lúc mười hai tuổi cô giáo ra đề văn, viết về mùa xuân. Lúc ấy tháng Ba, trời còn ngây ngấy rét nhưng những cơn gió nồm Nam đã tràn ngập. Từng đàn chim én lựa gió chao trên mặt ruộng. Sóng lúa dập dìu , lúa đang đẻ nhánh theo chân tiếng sấm đầu mùa. Màu xanh cốm của lúa chiêm rờn cùng cánh én gây cho tôi xúc cảm vô bờ. Tôi viết về cánh đồng, về những cánh én, viết như lên đồng về sắc xanh của lúa, hơi mát của gió, tiếng lao xao của lúa đẻ nhánh, để ý đến cả cái ức trắng phau của chú én lúc chao nghiêng ánh lên như giấy thiếc…
Bài văn được điểm cao. Nhưng tôi chết lặng khi cô giáo bất chợt hỏi một câu, hay là ai viết hộ em? Ai viết hộ được khi trong nhà lúc ấy tôi có trình độ văn hóa cao nhất. Anh giai tôi chỉ xong lớp 3 là bỏ học, Bố thì i- tờ còn mẹ không biết chữ! Đúng là một sự xúc phạm quá lớn làm tổn thương tôi. Tôi câm lặng vì chưa biết cãi, nhưng nhớ chuyện đó đến hôm nay. Cô giáo dạy văn không hiểu được cảm xúc thăng hoa người ta có thể làm được những việc diệu kì nên cô đã mắc lỗi mà không biết. Nhưng thôi, đã nửa thế kỉ rồi.

Cánh đồng Bản Ngoại nơi tôi lớn lên giống như mọi cánh đồng khác trên đất nước ta. Nhưng với tôi, nó thật đặc biệt. Đặc biệt tới tận hôm nay không chỉ vì kỉ niệm bài văn kia. Mặc dù bài văn đó đã là nguồn cảm hứng mơ hồ dẫn tôi đến con đường làm nghệ thuật sau này.
Dăm chục năm trước đây và bây giờ thì diện tích mặt đất vẫn như thế, nhưng những thay đổi, cánh đồng cho cảm giác lớn lên!.
Ngày trước, bờ ruộng có chỗ rộng hai hàng bừa và um tùm những cây mua hoa tím. Mùa tháng Mười, nhặt mua chín ăn, miệng và lưỡi tím ngát màu tình yêu, mặc dù chưa biết yêu.
Những con muỗm vụ gặt tháng Mười béo kềnh càng làm sao dứt khỏi tri nhớ!

* * *
Ven về phía Đông cánh đồng Bản ngoại có một khu đầm lầy thụt, gọi là đầm sen rộng hàng chục héc ta. Mùa mưa nước duyềnh lai láng. Đó là vương quốc của ếch nhái, của cua cáy tôm tép và các loài thủy tộc nước ngọt. Trên bờ thì cò vạc xăm xe lượn lờ. Chúng là những chủ nhân no nê mãn nguyện nhất. Trên mặt nước, cỏ tróc và lau lách, dưới mặt nước là rong tảo dập dềnh. Những con cá mại, cá cờ cá rô lật mình khoan thai, len lách trong đó như những diễn viên của trò chơi sắp đặt hiện đại. Một cuộc sống thanh bình lên vị ngọt ngào.
Ai cũng gọi đây là đầm sen nhưng chẳng thấy một nhánh sen nào. Có lẽ xa xưa nó là đầm sen, rồi không có người chăm sóc nên sen đã tàn lụi. Mùa đông khô hạn diện tích mặt nước thu hẹp. Một phần bề mặt rắn lại nhưng bên dưới là bùn óc chó. Chạy chơi trên đó thì được nhưng bên dưới chỉ hơn gang tay là lùng nhùng , mặt đất rung rinh. Con trâu nào tham ăn mà cố ngoi ra la liếm vài ngọn cỏ là bị kéo thụt xuống ngay. Đã có con bị đám bùn lầy kéo xuống rồi không ngoi lên được, chủ nhà đành cho lao ván làm cầu để xẻ thịt, vớt vát lại tí vốn.
Cư tưởng đầm sen mãi là vũng sình lầy cho cỏ lác tôm tép và đỉa. Sẽ chẳng ai nghĩ đến việc khai phá cái vùng đất không ra đầm cũng chẳng ra ruộng ấy làm gì.
Năm 1961, hợp tác xã nông nghiệp được thành lập. Ruộng đồng được quy hoạch lại, làm bờ vùng bờ thửa, cấy chăng dây thẳng hàng. Một trục mương chính sâu hàng mét chạy xiên qua khu đầm, dòng chảy hướng ra phía sông Công thoát nước cho cánh đồng. Thế là một kết quả khá bất ngờ đã xảy ra: Nước dưới sình lầy ngấm qua lòng đất thoát ra theo lòng mương chính. Từ năm ấy, mặt đầm sen thu hẹp dần lại. Từ mép bờ, đất rắn dần. Đất khô đến đâu thì được khai phá đến đấy. Thật diệu kì, sau ba vụ lúa đầm sen biến thành ruộng, lúa tốt bời bời. Khu đầm nối với cánh đồng thành một chỉnh thể. Chục héc ta đầm thành mấy chục héc ta thượng đẳng điền.

Gần bốn mươi năm sau, khu đồng chính bây giờ không còn bờ to như đường bừa, không còn những bụi mua hoa tím ngát tình yêu. Những bờ ruộng thênh thang giờ chỉ còn mỏng manh thành các vách ngăn thửa, hai người không thể tránh nhau trên mặt bờ. Sau nhiều năm vạc bờ lấy thêm đất cắm thêm cây mạ, diện tích đất trồng được xử dụng lên đến chín nhăm phần trăm.
Không như bốn năm mươi năm trước, con trâu không còn là đầu cơ nghiệp. Bây giờ người ta có nuôi trâu chỉ đẻ bán trâu thịt được giá hơn thịt bò. Con trâu bây giờ nhàn nhã hơn nhưng tuổi thọ cũng ngắn hơn. Làm đất đã có máy cày tay nên không cần bờ cỏ nuôi trâu. Màu tím hoa mua ngày xưa ngan ngát trên đồng thì bây giờ không còn ai nhớ.

Bốn năm mươi năm, vật đổi sao dời. Năm ngoái tôi về quê vào tháng ba. Diện tích đất canh tác rộng ra mà nom cánh đồng lại bé đi thảm hại. Đây đó nhà cửa mọc nham nhở hai bên con đường liên xã. Ruộng thì đa canh, chỗ này vườn bí chõ kia trồng dưa tròng cải và ngô lai từng vạt tít tắp. Tôi cố chờ những cánh én trong bài tập làm văn năm xưa để tìm lại cảm giác mát rượi mùa xuân khi gió nồm nam thổi về. Nhưng én cũng thôi bay từ nhiều năm nay vì nhưng căn nhà lợp lá gồi mái rạ không còn, mất chỗ trú chân làm tổ. Những ngôi nhà bây giờ không to hơn xưa nhưng đổ mái bằng, xi măng đóng hộp khô khốc, quen với người nhưng xa lạ với chim chóc. Người đông lên rồi, cánh đồng hẹp lại. Cánh đồng Bản Ngoại quê tôi không còn thơ mộng như nó đã từng. Anh bạn tôi mấy chục năm trước qua Bản Ngoại vẫn đeo trong đầu cảnh trí miền quê êm đềm, hôm nay theo chân tôi về, thất vọng không buồn mở nắp máy. Anh lẩm bẩm, cuộc sống có thể khá hơn chút đỉnh về vật chất nhưng không gian xóm làng đã bị xé toang mất rồi, đang cần có sự sắp xếp lại. Bỗng dưng tôi và anh thành người hoài cổ. Lại văng vẳng nghe đâu đó lời hát xa xưa: Nông dân là quân chủ lực đội quân hùng hậu, không có nông dân thì kháng chiến ta không thể thành công…
Vẫn cánh đồng xưa và làng xóm đông lên nhưng vị thế đội quân chủ lực đang yếu dần đi trong thời buổi chuyển mình…
Thăm thẳm trong tôi, vẫn mong tìm lại một vùng chim én lượn!
22/9/2011