Bác cả tôi

doduc
Bảy anh chị em trong nhà, tôi thương bác cả nhất. Bác sinh năm Giap Tuất 1934, người nhỏ, hay ốm vặt. Tôi còn nhớ bác bị bệnh đau bụng kinh niên từ bé, hay nằm co con tôm ôm bụng trên võng. Những khi cơn đau đến bác nhăn mặt chịu đựng mà không rên rẩm. Những năm hòa bình mới lập lại trên miền Bắc, ngành y tế đã có gì. Cơ sở y tế Huyện không bằng trạm xá xã bây giờ nên bác cũng chả được khám chữa, đau thì chịu. Còn nghe ai có cách chữa gì là làm theo. Nghe nói hút trứng gà sống có thể chữa đau bụng, bác dung không biết bao nhiêu mà chứng đau bụng mơ hồ đó mà cũng chỉ đỡ chứ không khỏi hẳn.
Có lần rộ lên tin nước suối Kênh Gà ở Ninh Bình có thể chữa bách bệnh, bác cũng lặn lội theo người ta về đó tắm mấy ngày và mang về can nước khoáng để uống chữa. Thời ấy chả biết đi bằng gì, xa những hai trăm cây số, nhưng tôi nhớ lúc ấy đi bộ là chính chứ lấy đâu tầu xe!
Bác mất năm 56 tuổi bởi chứng xuất huyết dạ dày. Có lẽ bệnh đau bụng từ lúc rất trẻ kia có nguồn từ đau dạ dày chăng. Chuyện đó giờ cũng không ai biết mà khẳng định.
Bác sống cuộc đời quá ngắn ngủi.
Tôi thương bác vì trong quãng đời ngắn ấy, bác ốm yếu cả thể chất lẫn tinh thần. Qủa là số phận quá nghiệt ngã.

Năm 1956, cải cách ruộng đất ập về. Gia đình tôi vốn là dân tá điền lĩnh canh ruộng của chủ đồn điền, đáng ra thuộc thành phần cơ bản cố nông, vì tư liệu sản xuất không có gì. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, năm 1946 bố vào Đảng, tham gia kháng chiến làm trưởng ban giao thông xã. Suốt ngày cơm nhà tù và cách mạng, không đi dân công cả tháng thì lại đưa đón cán bộ qua vùng từ Vĩnh Yên sang ATK Định Hóa nên phần cày bừa làm đất nặng nhọc bỏ bê, phải thuê mướn bòi Huân người chuyên làm thuê trong xóm. Mỗi mẫu ruộng cày vỡ và bừa ngấu làm đất để cấy, cuối vụ trả cho ông 4 thúng thóc. Sòng phẳng phân miêng,không điều tiếng gì. Nhưng đến năm 1956 giảm tô cải cách vẫn bị qui là phú nông, cho đủ tỉ lệ thành phần bóc lột. Gia đình bị đấu tố làm nhục. Còn nhớ khi đó bòi Huân không tố khổ, vì ông bảo thuê mướn có thỏa thuận song phẳng, không phải là bị bóc lột. Nhưng kẻ không làm thuê được Đội gợi ý tố thay, bịa đặt nhiều chuyên lại được Đội cải cách ghi nhận và căn cứ đó kết tội để đôn lên phú nông.
Năm ấy bác cả tôi vào độ tuổi đôi mươi. Chứng kiến từ đầu cảnh bố mẹ bị đấu tố, bị đội văn nghệ xã diễn vở kịch đem tên bố mẹ ra giễu cợt ở chỗ đông người khiến bác bị tổn thương tâm lý nặng nề. Thể lực ốm yếu lại bị sốc về chuyện gia đình bị làm nhục, bác cả mắc chứng trầm cảm từ đấy.
Vốn đã ít nói thì nay càng ít nói hơn!

Năm ngoài 20 tuổi, tôi rời nhà đi học nghề.
Bác cả ở lại nhà với bố mẹ. Lúc này bác đã có vợ con. Hai em gái lớn đã đi lấy chồng, còn các em dưới nhỏ cả nên mọi việc chính rơi vào bác quán xuyến
Lúc ấy bác mắc cái bệnh mà cả nhà chỉ tôi biết: Ghét cán bộ.
Với bác, tất cả những ai dính líu đến chính quyền đều đáng ghét cả.
Tôi đi học, rồi ra làm việc cũng là cán bộ, cũng bị ghét lây.
Bác không nói ra miệng, nhưng tiếp xúc thì biết ngay. Thái độ bác luôn khinh khỉnh giễu cợt! Mỗi dịp về hè, mua quà cho con bác, tôi không thấy bác niềm nở bao giờ. Có lần mua cho cháu mấy đôi dép nhựa, không những không nhận, bác còn bảo “…Con nhà nông dân quen đi chân đất, có xỏ vào chân nó cũng vứt đi”. Thế thì còn biết nói làm sao.
Có lần ông Bí thư xã thuộc lớp cán bộ sau cải cách nhiều năm, là hàng xóm được mời đến nhà ăn giỗ, mà bác cũng tìm cách gây sự. Mẹ phải bảo: “Thằng Nga không được hỗn, bác ấy là khách của mẹ mời, không phải khách của mày”. Lúc ấy bác mới im, lặng lẽ bỏ ra ngoài.
Với bác, cuộc sống chỉ có vợ với đàn con thôi. Và tình thương bác dành cả cho cái gia đình nhỏ bé đó. Bác thương con cái đặc biệt. Ngày tết mổ lợn, vừa phanh con lợn ra bác đã bóc hai thăn nõn cho vào nồi luộc trước. Vớt ra thịt lúc còn bốc hơi ngùn ngụt, bác thái nhanh và vun vào đĩa lớn gọi cả đàn con mấy đứa đến bốc bải ăn vã thỏa thê. Lúc ấy mới nhìn thấy gương mặt bác thanh thoát, hanh phúc hiện lên trên nét mặt. Có nhẽ với bác chỉ có những lúc đó là bác thoát trầm cảm và sống thực sự với mình.
Không chỉ nhìn lớp cán bộ với cái nhìn thâm đen, với làng xóm xung quanh bác cũng rất ít giao tiếp. Từ sau câu chuyện cải cách ruộng đất bác luôn nhìn nhận hàng xóm trong khoảng cách dè chừng và luôn có ý đề phòng. Đấy, hàng xóm nghèo tốt nhất ở cạnh nhà chả nhảy dựng lên tố điêu trong những tháng đội cải cách về đó thôi. Rồi mai đây ai biết thế nào! Bác cả tôi nghi ngờ không hồi kết.
Cách sống thế không chỉ khổ cho bác mà ảnh hưởng đến cả đàn con. Khi bé, chúng đã ít bạn bè, khi lớn lên đến tuổi dựng vợ gả chồng nhiều người cũng ngại tiếp xúc. Hình như bác cũng không nhận ra điều đó hoặc nhận ra nhưng tất cả đã muộn, không thể khắc phục được.
Bác cứ sống co mình lại như thế cho đến lúc ốm bệnh dài ngày rồi ra đi.
Tôi nghe kể lại: lúc chiều xẩm tối, bác chuyển bệnh, lên cơn đau, thổ huyết. Mệt mỏi lắm, nhưng bác vẫn gọi con dìu ra sân ngồi trên ghế nhìn bầu trời lần cuối rồi ra hiệu cho con đưa vào nhà, dặn vợ mọi việc nhang đèn thờ cúng tổ tiên, rằng có ghi chép cả để cả trong hòm, cứ nhớ mà làm, rồi lặng lẽ ra đi. Thì ra bác vẫn nhớ đến trách nhiệm là ngành trưởng trong nhà.
Ai thì cũng có những cú sốc trong cuộc đời có thể ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhưng với bác cả tôi có lẽ là nặng nề nhất. Bác bị tổn thương tâm lý lúc 22 tuổi và không vực lại được cho đến lúc ra đi ở tuổi 56.
Tôi thương bác cả tôi với tình thương bao trùm năm tháng, bởi bác được sinh ra như để bị đày đọa, không được hưởng sự yên bình ngày nào. Hanoi- 21/1/2015