Chào mào

ĐỖ ĐỨC

Không hiểu sao, nhìn chào mào lúc vui vẻ, tôi lại hay nhớ đến một anh chàng hướng đạo sinh. Nhưng quan sát lối sống thì lại thấy chào mào giống tên lính dõng. Hai tư cách trong một thân xác, kể cũng hiếm gặp.
Giống hướng đạo sinh là ở bộ cánh và tác phong: điệu đà calô đen trên cái đầu ngoắt ngoẻo, ngực bông trắng như có cái khăn dù đỏm dáng thời mồ ma ông Tây. Túm lông đỏ cam trễ dưới bụng sát cúm đuôi cảnh vẻ tựa chiếc khóa màu của thắt lưng dòng 9x thời nay. Tiếng loét choét của nó chẳng có gì là hay, nhưng là tiếng chim thì vẫn có tình, khác với bất kì tiếng động cơ học nào, kể cả tiếng đàn tiếng sáo. Đó là âm thanh từ một sinh linh mềm yếu đem về bên ta hồn sống của thiên nhiên. Nghe tiếng chim không phải để thưởng thức âm sắc du dương mà nghe nó để trái tim êm dịu đi khi có một người bạn của thiên nhiên ở gần kề. Nhất là khi bốn bên vắng lặng thì nghe tiếng hót nhắp của chào mào giống như đang cơn khát lại được uống một liều nước mát.
Còn nói chào mào giống lính dõng là ở tư cách sống. Đó là tư cách lấc xấc của một tên trộm gà vịt ( theo nhận xét của người nhà quê). Như kẻ phát vãng, chào mào lần mò vào tất cả các vườn cây thấy bất kì quả gì ương chín đều gẩy mỏ kiểm tra tất. Mẫn cán như tay thợ lò trẻ, cặp mỏ của nó tựa cái cuốc chim sắc lẹm, chẳng trượt nhát nào. Ừ, đói phải kiếm ăn thôi. Nhưng kiểu kiếm ăn của chào mào thì thật xấu nết vì nó chỉa mỏ vào bất kì quả nào bắt gặp, vừa ăn vừa đánh dấu để dành. Giống như đứa trẻ tham lam thích xí phần, nên chào mào thành kẻ phá hoại đáng ghét nhất đối với vườn quả của của dân quê. Có động, xéo đi một lúc, thấy im ắng là nó lại mò về, lởn vởn như ma. Nhất là khi trong vườn có buồng chuối chín hay vườn ổi cuối mùa hạ thì chào mào chẳng chịu buông tha. Nó sẽ rình mò từ tinh mơ mỗi sáng, đánh tiếng khoe sự có mặt bằng chất giọng teno trong trẻo. Hết quả trên cành cao thì nó lại mò ớt chỉ thiên dưới thấp ở ven dậu. Ăn ớt nóng, thải ra cháy đỏ rực cả đám lông giáp cúm đuôi mà vẫn không chừa. Năm xưa bà tôi kể chuyện về đám lính dõng đóng bốt ở làng: Tối tối du kích bắc loa trên ngọn đa cao chĩa vào đồn kêu gọi họ buông súng quay về với tổ quốc. Được vài lần, chúng trả lời lại bằng bài ca dao hài hước nặng mùi cù lần “Đấy tổ quốc, đây cũng tổ cò/ đói cơm rách áo phải mò đến đây/ bao giờ tây lại về tây/ đấy mà chẳng gọi thì đây cũng về”. Cảm nhận con chào mào giống tên lính dõng vì cả trong giọng hót cũng có chất bài bây mà không xa lạ, không ghét bỏ được.
Nhưng lũ trẻ chúng tôi đôi khi lại được hưởng lộc từ chào mào. Những chùm ổi trên cao chín mà không với lên được thì đã có chào mào rỉa rụng xuống. Có quả chỉ mới dính vài ba nhát mổ, vẫn ngon phết. Ăn ổi do chào mào làm rụng thường là những quả ngon nhất, chỉ có nó biết phát hiện ra. Chẳng biết đúng không, nhưng ngày bé được ăn ổi do chào mào hái cho là những kỉ niệm ngọt ngào nhất.
Cũng có khi gặp chào mào đi đôi, thông thường nó thích độc hành. Còn đi cả đàn thì không có bao giờ. Chào mào sống gần với làng xóm để dễ kiếm miếng ăn. Đi đơn lẻ thì càng dễ hành động. Còn tôi thì lại nhớ chào mào ở một khung cảnh khác. Đó là vào những ngày đông giá lạnh mưa phùn, chào mào co ro nép trên cành xoan cao khô khẳng, thỉnh thoảng lại phất đuôi lên giọng chí choét gọi bầy. Tiếng chim tan vào không gian loãng lạnh mà gần như không có tiếng đáp lại. Nó vẫn kiên nhẫn đậu hót ở đó chờ trong vô vọng. Thường, đó là chỗ đậu quen thuộc hàng ngày, giống như anh công chức nghèo quen quán cóc. Khi mỗi sáng mai về, chàng công chức lặng lẽ ngồi nhâm nhi chén trà bốc hơi để được phút giây thả hồn tạm quên lãng những gì bức xúc, để mà sống, để mà ước mong. Chào mào chắc cũng thế hay còn điều gì khác nữa?
28/5/2008