Những gì còn nhớ (2)

Chiều biên giới em ơi…

(Viết tiễn nhà thơ Lò Ngân Sủn)
“ Đi ngay ngày rét nhất
Lòng tắt lửa biên cương”
( thơ Đoàn Nam Sinh)
Sau chiến tranh biên giới 1979 trên sóng nhạc phát thanh xuất hiện bài hát “ chiều biên giới” quyến rũ cả một thế hệ. Giai điệu bài hát mượt mà đầy cảm xúc ngọt ngào, ca từ thì thăm thẳm cõi lòng với tình yêu da diết: “ Chiều biên giới em ơi/ có nơi nào xanh hơn/ Như chồi non cỏ biếc/như rừng cây của lá/ như tình yêu đôi ta/Chiều biên giới em ơi !Có nơi nào cao hơn/Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như trời quê biên cương…”
Nghe bài hát thấy đâu như tiếng suối reo, tiếng xào xạc ngàn lau dập dìu trong gió. Còn kia thảo nguyên xanh bao la, lấp ló những anh lính biên phong cưỡi ngựa tuần tra, bước chân ngựa vương trong gió ngàn…
Mãi sau này mới biết ca từ bài hát rải trên nền nhạc của Trần Chung đó là thơ của Lò Ngân Sủn. Bài thơ Chiều biên giới, Lò Ngân Sủn sáng tác vào năm 1980 và được phổ nhạc ngay. Những năm đó khí thế chống quân bành trướng phương Bắc cao ngút trời. Biên giới là mặt trận nóng bỏng mà bài hát thì du dương…
Rồi vào đầu những năm chin mươi thế kỉ trước trong chuyến đi Lao Kai lần đầu tôi gặp anh ở Sa Pa thấy anh đẹp như cây măng mới mọc: da trắng, mặt bầu, tóc xoăn và đặc biệt đôi mắt màu hổ phách trong vắt. Và rồi tôi nhận ra ngay những vần thơ cũng trong trẻo ngây thơ như đôi mắt ấy.
Đấy là những năm anh viết đều tay và sôi nổi nhất, nhiều bài thơ hay nhất sau Chiều biên giới.
Anh viết nhiều và cũng nhiều thể loại nhưng trên hết, anh vẫn là thơ. Bài thơ Lều nương anh viết năm 1991 khiến bao nhiêu người ngạc nhiên: Hai ta yêu nhau giữa lều nương/Lều nương không phên vách/Ta cởi áo làm phên vách/Hai ta yêu nhau giữa lều nương/Lều nương không chăn chiếu/Ta cởi áo làm chăn chiếu/ Vui thời hoa nở/chơi thời hoa thắm/ Ngày hai lần cơm chan nước suối/ngày hai bữa cơm chan nước mạch/ Trao cho nhau mối tình sét đánh/ Dẫu có tan thành đất, nát thành bùn, vun thành cát/Vẫn còn khát yêu”
Mộc mạc mà đằm thắm, đơn sơ mà sâu nặng, Lò Ngân Sủn đọc ra được tình yêu dân tộc mình giản dị vậy thay.
Tôi chưa bao giờ thấy anh cao giọng trong thơ, lúc nào cũng thì thầm như suối nguồn rủ rỉ như gió rừng đêm, chỉ đủ luồn trong kẽ lá thì thào. Anh cứ cầm bút là nghĩ đến tình yêu lứa đôi, một tình yêu anh tìm kiếm suốt đời “ Em là vàng trong cát/ Anh quyết đào đãi bằng được/Em là bạc trong hang/Anh quyết đào lấy bằng xong/Em là củ mài trong đất/ Anh quyết đào lên/ em là sao trên trời/Anh quyết hái xuống/ như thế/ Anh cứ theo đuổi em như hình bóng/ vụ chiêm đã qua/ vụ mùa đã tới/ tình anh giáp hạt lắm em ơi!”
Tình anh giáp hạt! Lạ quá Sủn ơi, chỉ hai từ giáp hạt mới thấy tình anh với em bức bối nhường nào! người ta nói đói giáp hạt , còn anh nhận ra tình yêu giáp hạt. Thật kì diệu tình yêu ơi!
Có mối tình giáp hạt thế mới có chữ nếu đẹp làm sao: “ Nếu anh lấy được em/ Đường chưa có mở đường/Cầu chưa có bắc cầu/ Đi đâu anh đón đợi/ Đi không được anh dắt/ Ăn không được anh bón…”
Chàng trai trai người Giáy bản Qua, huyện Bát Xát, Lao Kai, đẹp như cây măng mới mọc năm nào hôm nay đã ra đi mãi mãi. Cách đây hai tiếng đồng hồ, vào lúc 9 giờ tối tôi nhận được điện thoại báo cho biết anh vừa mất hôm qua, 15/12/2013, không kịp chờ ăn cái tết Giáp Ngọ. Đi đâu mà vội thế Sủn ơi.

Đi đâu mà vội thế!
Hôm nay 16, Sa Pa , Bát Xát tuyết rơi, lều nương lạnh lắm. Ngày 18 này anh sẽ về quê. Lại tha thẩn giữa mùa sương giá, về với Lều nương, nơi tình anh ở đó, liệu tình yêu có sưởi ấm cho anh? Anh ra đi nhưng để lại mãi cho bạn bè những trang thơ trải dài biên giới, thấm đậm tình yêu lứa đôi. Bao nhiêu năm bom đạn nhưng hầu như thơ anh không thấy tiếng súng, thơ anh chỉ lấp lánh màu thổ cẩm với câu chuyện về một chàng trai suốt đời hát với tình yêu. Chợt nghĩ đến một hình ảnh đứa bé loay hoay bên bờ nương góc ruộng mải mê đúc dế, những con dế tình yêu phập phồng trong trái tim trẻ mãi không già.11h đêm,ngày 16/12/2103