Những gì còn nhớ (8)

Anh họ tôi

Doduc

Tôi có một ông anh họ. Anh ấy kém tôi dăm tuổi. Từ bé bị tật ngắn lưỡi, nói ngọng. Anh ấy học qua cấp một, đúp mấy năm mà vẫn không thi nổi lên cấp 2. Thế là anh ấy ở nhà theo con trâu ngày ngày ra đồng.
Tôi thì hết lớp 10 , thi tốt nghiệp xong cũng về đi cày 3 năm, thấy chán, sau đấy thoát li gia đình, lẽo đẽo đi học trung cấp, ra làm việc nhà nước.
Ông anh tôi rồi cũng trưởng thành, lấy vợ sinh con và hình thành cái gia đình nho nhỏ như mọi lứa thanh niên ở thôn quê.
Một hôm về quê ăn ngày giỗ, thế nào tôi lại ngồi cùng mâm với anh. Thấy anh vẫn ngọng líu ngọng lô như xưa, nhưng bây giờ thì hay nói chứ không ù lì như lúc bé. Trong quan hệ họ hàng là ngành trên nên anh nhìn tôi theo thói quen làng quê, bề trên thường thích ê a dạy bảo. Anh luôn nghĩ mình là anh thì phải có trách nhiệm dìu dắt thằng em.
Anh bảo tôi: chú đi làm công ăn nương thế thì nghèo kiết xác. Phải biết buôn chú a. Tôi giật mình, ông anh học lớp 4 phổ thông lại bỏ học từ nảo nào,bây giờ lên giọng quyền huynh. Tôi lẳng lặng ngồi nghe anh nói. Hóa ra mấy năm qua,trào lưu làm trang trại, cây vải Thanh Hà nghe đang có giá. Anh vét voi bán một phần sản nghiệp rồi vay thêm tiền để đi buôn cây vải chiết. Anh thuê ô tô đi rải cây khắp mấy xã xung quanh. Ai không có tiền anh cho chịu. Rủi thay, không hợp thổ nhưỡng, nhiều nhà mua vải về trồng bị chết. Đôi cây sống sót thì cho quả èo ọt. Cuối cùng cả vùng chẳng còn cây vải nào, và anh thì chẳng thu lại được vốn. Mọi người trong mâm thấy anh giảng giải cho tôi về kinh doanh thì nháy nhau cười tủm. Có người độc mồm thì thầm: Ông ấy thuộc loại buôn cứt . bán cho chó. Anh hình như biết, nhưng vẫn thao thao: thua keo này bày keo khác, sợ gì chú!.Vợ anh ngồi cách một mâm hết nhìn tôi rồi nhìn anh nhăn mặt như nuốt phải thuốc đắng. Anh vẫn cứ hô hô ha ha át giọng, lại còn triết lí người còn của còn, lỗ một chuyến mà nhụt chí thì còn gì gọi là thằng đàn ông.
Tôi không hiểu sao ông anh chậm học mà nay lại hót như sáo. Hóa ra anh chỉ lặp lại lời của mấy đứa rủ rê anh đi buôn, luôn thích ngồi đếm cua trong lỗ, và anh thuộc nằm lòng.
Trời ạ, anh ấy không biết mình ngốc, cứ nói với tôi theo kiểu trên rót xuống. Còn tôi phải có trách nhiệm nghe . Anh không cần biết thằng em là người thế nào.Tôi cười xòa vì biết không thể tranh luận gì cùng anh. Nên khi rời mâm cỗ anh lại lần nữa tận tình: cứ thế nha chú, nghe tôi đời chú sẽ khá.
Mấy năm sau về quê thì biết anh đã bán hết cả thổ cư thổ canh trả nợ và còn chút tiền giắt cạp quần kéo vợ con vào Đắc Lắc theo cô em vợ kiếm một khoảnh rừng trong đó làm trang trại cà phê.
Nhưng rồi sau mới biết anh làm gì có vườn tược trang trại gì đâu, vợ vẫn nghề chuốt giang làm nan nón, anh thì đi làm thuê cho các chủ vườn. Con cái chẳng đứa nào được học qua lớp bốn. Anh bảo học đủ đọc là được, ở đời ăn nhau ở cái chí và vận số. Có chữ mà thiếu hai thứ đó thì cũng vứt. Gớm, nghe như thánh tướng..
Khi còn ở ngoài này, có người đã bảo anh ấy tuy ngọng nhưng cũng hoạt ngôn, có thể ó vị trí trong lãnh đạo xã nay mai. Người nhà quê mà biết ăn nói như thế là hiếm lắm.
Tôi thầm nghĩ, may mà anh ấy ra đi. Nếu anh ở lại mà được làm Chủ tịch xã thì bỏ mẹ dân..18/7/2010