Những trang đời (12)

Con gái lớn được sáu tháng thì vào tháng 8/1973 tôi có chuyến đi đầu tiên lên Hà Giang .
Không còn nhớ sự gian nan về chuyến đi. Chỉ nhớ từng bước, từng bước đi nhớ mẹ con ở nhà. Nhớ cái mùi sữa thơm thơm ngậy toát ra từ làn da trắng bóc mỗi khi ghé vào hôn lên cổ lên má nó.
Con tôi ra đời vào mồng mười tết năm Qúi Sửu 1973, sinh vào giữa ngọ đúng ngày ta trả tù binh Mĩ lái máy bay bị bắn rơi tại sân bay Gia Lâm.
Đời một con người có mấy khúc thay đổi khiến người ta phải tập làm quen. Lần thứ nhất, từ chỗ ngủ một mình sang lúc có vợ. Cũng phải mất vài tháng mới quen ngủ đôi. Cuộc sống có vợ có chồng, cơm có mâm dàn mới quen . Đận thứ hai là khi có con. Sẽ sung sướng đến ngạc nhiên về vai trò mới. Đấy cũng là thời gian quen dần với việc lên cấp bố. Nhưng lần này thì nhanh hơn.
Khi có vợ, có cuộc sống lứa đôi hạnh phúc say sưa như bay bổng trên mây thì khi nuôi con lại bắt đầu một cảm xúc khác: đó là hạnh phúc trong bận rộn triền miên. Buộc người làm cha làm mẹ trở về mặt đất.
Chuyến đi Hà Giang năm ấy không biết khi về đi bằng phương tiện gì, tôi không nhớ nữa, nhưng đem về được một quẩy tấu trong đó có lê Phó Bảng da xanh giống trái bầu lọ, quả to bằng nắm tay khá giòn và ngọt và đặc biệt là là đem về được ba cân ruốc thịt bò. Có lẽ tôi là người đầu tiên chế biến món ruốc bò! Nhà tôi kiểm kê quà, cầm túi ruốc bò nâng lên hạ xuống món thực phẩm dự trữ, ngước mắt nhìn tôi, rơm rớm. Rồi em vội cúi nhanh xuống, không dám nhìn lâu nhìn bộ mặt gày thót lại trên đường dã ngoại của tôi…nước mắt đang lặng lẽ trào ra. Thương nhau cũng khóc.
Vắng nhà 23 ngày thắc thỏm trong nỗi nhớ. Đêm ấy đưa tay gối đầu cho em ngủ, vòng tay qua người em, xoa vào má con, hương sữa thơm thơm hoi hoi từ miệng con thoang thoảng đi vào giấc mơ dài bất tận…
Năm con bé biết tự đi chơi trong khu tập thể, không biết muỗi đốt hay bị mòng độc cắn mà để lại một vết bầm khá lớn ở bắp chân. Đi viện về em nhớn nhác, anh ơi bác sĩ cho đơn này, bảo phải di mua thuốc ngay cho con, đề phòng hoại thư…
Tính ngay phương án cấp tốc, nhà không còn tiền, vay ai bây giờ. Tiền lúc ấy hiếm và quí như đông trùng hạ thảo. Cuối cùng chọn nhà MH, anh ấy là bạn hay lên nhà ngồi uống trà hằng đêm với tôi để nghe đài BBC và trò chuyện về thời sự.
Khi ấy ở Đoàn chỉ mình tôi có cái đài E-xo của Bungari hai băng sóng chạy pin. Mua phân phối của cơ quan, đài được cấp giấy phép xử dụng của công an và kèm theo trong giấy phép một câu cam đoan viết sẵn : Không nghe đài địch! Địch ở dây hiểu ngay là đài tiếng nói Hoa Kì và đài BBC. Nhưng chính cái đài địch ấy lại báo những tin thời sự về chiến tranh nhanh nhất!
Chuyện vay tiền, nơi chắc chắn nhất cuối cùng lại là nơi thất vọng. M.H nghe thấy hỏi vay tiền thì lúng túng một lúc rồi trả lời không có. Tôi lặng thóc. Đồng tiền nhà ấy có, nhưng khi cần nhờ vả thì không được. Em bảo chắc anh ấy sợ cho vay rồi không đòi được. Vợ chồng tôi khi ấy nghèo nhất đoàn, tôi lương trung cấp 48 đồng, còn vợ thì có 59 đồng. Sống chỉ trông vào lương, không hề có thu nhập gì khác. Không ai có việc làm ngoài. Vâng, đồng tiền liền khúc ruột như các cụ thường nói, tôi hiểu điều đó. Cũng không giận, cớ gì mà giận khi không không nhờ vả được? Nhưng từ hôm ấy bắt đầu trở về thực tế để hiểu dần thế nào là hạnh phúc gia đình, ngấm dần cái đau của sự nghèo khó. Phải nghĩ cách kiếm tiền thôi…

Commen của các blogger
Giaogia (multiply)
Nhớ lại những ngày ấy mới thấy quý tự do làm ăn như bây giờ bác ĐN nhỉ.

andropause (multiply)
Con ốm hoặc hết sữa mà nhà lại hết tiền là một cảnh đời chả dễ gì quên được ! Bên này vĩ tuyến 17 bố mẹ em cũng có lần y như anh vậy ! Nhưng mà khác cái là vay được tiền ngay !!!!

Phạm Ngọc Tiến (facebook)
Em năm đó đi bộ đội rồi. Sau này cũng khốn khổ vì tiền. Dạo em cưới vợ (87) túi ko có một đồng. Em kiếm được nhiều nhưng tiêu cũng ác liệt. Nghĩ ra một kế, lấy cái catxet rồi rủ mấy ông bạn thân nhậu say. Mình than thở ko có tiền cưới. Thế là ầm cả lên. Người thì tao xe, tao hoa, tao cho giường, tao tặng 5 mâm cỗ….em ghi lại hết. Gần ngày cưới bảo các ông nghe đi, ko thực hiện là tôi cóc thèm lấy vợ nữa. Em lấy muộn sau cùng của cái lứa ấy. Thế là răm rắp đủ đám cưới, Sau có người bảo chúng tao phải họp bàn, thằng này nó nói là làm đấy tốt nhất là thực hiện cho xong. Khổ, sau mới biết có người phải lấy chính cái giường của mình đang nằm mang đánh lại vec ni. Giờ nghĩ lại sao mình lại sống qua được cái thời ấy. Nhưng mà vui. vui hơn bây giờ nhiều. Dù bây giờ có đủ thứ.

Hanhnhan (multiply)
ruốc bò bây giờ ăn sẽ cảm thấy là món lạ có khi cũng ngon,nhưng thịt bò đắt chứ,em nghĩ làm ruốc thì sang quá.

Bong Hoa (facebook)
Con gái anh hơn em 1 tuổi. Đọc bài này em nhớ thời bé ở Hà Nội quá. Bố em hồi đấy cũng hay nghe Đài BBC, còn chị em em nghe một Đài gì đó của Trung Quốc đọc truyện Tây Du ký với Tam Quốc. Từ ăn uống đến sinh hoạt cái gì cũng lén lút, sợ người ta để ý. Ai cũng như cảnh sát. Không hiểu sao đã khổ lại còn thêm cái sự sợ nữa.
Hoalantuong Lle (facebook)
Em vừa đọc xong , ko cầm lòng được trước cuộc sống thời lúc đó của anh chị ,em ko ngờ đấy anh ạ . thật cảm động trước tình nghĩa vợ chồng của anh chị một kỷ niệm thật khó quên anh nhỉ .…em xin cảm ơn anh nhìu nhìu , anh đã cho bọn em đượcc biết đến cái hiện thực của cuộc sống đi theo năm tháng của đời anh cũng như bao gia đình khác thời lúc đó thanks .
Tran Thi Tuyet Minh (faebook)
Cảm ơn anh về những trang sử của đời người…thật nhiều ý nghĩa, thế hệ chúng em bi giờ sướng quá, cần phải nghe và đọc những điều như thế này để có định hướng đúng đắn trong cuộc sống. Thank anh nhìu nhìu nhé
…Chỉ những người đã trải nghiệm cuộc sống mới có thể hiểu thấu đáo lẽ đời đến như vậy anh ạ… :))) Cái được gọi là “Bản lĩnh” phải qua từng nấc thang của cuộc đời mới vun đắp thành hình. Cảm ơn lần nữa những chia sẻ của anh!

Ngoc Lan Nguyen (facebook)
‎”Nhà tôi kiểm kê quà, cầm túi ruốc bò nâng lên hạ xuống món thực phẩm dự trữ, ngước mắt nhìn tôi, rơm rớm. Rồi em vội cúi nhanh xuống, không dám nhìn lâu nhìn bộ mặt gày thót lại trên đường dã ngoại của tôi…nước mắt đang lặng lẽ trào ra”. Cảm động quá, em cũng phục bác sát đất là đủ kiên nhẫn để làm được 3 kg ruốc. Thế rồi sau đó làm sao với chân của Thắm ạ hay cứ kệ rồi nó khỏi?

Aqua Pham (facebook)
Hồi đó mình còn ở đâu nên ko biết hết kó khăn này của bạn , xin được chia sẻ cùng bạn.
Nguyen Xaun Thom (facebook)
Cảm ơn anh ĐN. Đọc bài này, làm cho XT nhớ lại những ngaỳ có con trong thời buổi bao cấp khó khăn. Ngày ấy, bà con nghêu ngao câu hát xuyên tạc bài “Du kích ca”: Anh em trong đoàn quân viên chức, cùng xách túi xuống đường. Đi buôn. Đi buôn. Đi qua rừng qua núi, Băng qua đèo qua suối. Một túi mang về” Cái túi quà của anh ĐN quả là giá trị. Hihi
Diệu Chính Nguyễn Bạch (facebook)
‎” Phải nghĩ cách kiếm tiền thôi” là một mệnh đề rất khó với rất nhiều Người. Em tin là thế. Nhất là những Người như Anh.Vì vẫn muốn là Người mà đi kiếm tiền ở nước mình gần như là chuyện không tưởng. Nhưng kiếm được tiền rồi mà vẫn là Người được như Anh mới đáng phục !
Huong Eva (facebook)
Thời nay, khái niệm “cháy nhà ra mặt chuột” gắn với việc khi hoạn nạn không vay được ai càng ít đúng hơn bởi mọi người cần phải độc lập về mặt tài chính. Ai chẳng có những vấn đề riêng nên nếu bạn bè giúp được nhau thì tốt, không thì cũng không trách được gì vì đó không phải nghĩa vụ của họ.
…Nhưng phải nói, Tiền bạc không phải thứ duy nhất khi nói là cho nhau. Bạn bè vẫn cho mình Thời gian, Kỹ năng, Cách nhìn và có thể là Lời khuyên, những thứ cũng quý như tiền và nhiều khi, hơn tiền. Giống như cho nhau cần câu, gợi mở ra những cơ hội và hướng nhìn mới, thay vì con cá (Tiền).

…Túm lại là ý, mình không thể trông đợi được tất cả mọi thứ từ 1 người. Một bác ngồi bàn chuyện chính sự quốc tế to tát vãi chưởng thì sẽ …không giúp được bạn cân gạo khi khó khăn đâu (nhiệt huyết nó dồn vào chỗ khác mất rồi.) Và người cho mình vay tiền, nhiệt tình đến bê đồ đạc dọn nhà chẳng hạn thì có khi nhìn tranh của bác Đức lại ngẩn ra hỏi: “Bác vẽ con ngựa sao chỉ có 2 chân thế?”, hoặc nhiệt tình khen: “Cái ẢNH này bác vẽ Đẹp thế, giống thật thế không biết!”. Quyết định chơi cùng với ai là ở mình thôi hehe.

Dongngan Doduc (facebook)
‎@các bạn: có những cái khổ bắt nguoi ta cố găng và lớn lên, Sướng quá thì lúc khó khăn sẽ không biet cách nào vượt qua. Trong họa chứa phúc và trong phúc ẩn họa là như vậy. Đôi khi chúng ta cũng phải biết ơn những cảnh khốn cùng, vì nó giúp cho người ta cứng rắn lên.trước mọi hoàn cảnh cần bình tĩnh đẻ xử lí mọi việc. Cho nên viết thì thế nhưng không oán trách ai mà đẻ nhắc hãy biết trông vào chính mình, đừng chờ đợi trong vô vọng.

***