Cái bị

Doduc
1- Từ thuở lọt lòng tôi đã được mẹ đặt nằm trên chõng có lót manh chiếu cói.Tôi chắc đó chỉ là manh chiếu chứ không phải cái chiếu nguyên vẹn, vì từ khi lớn lên đến lúc thoát ly tôi chẳng thấy trong nhà có chiếc chiếu lành bao giờ. Lúc em tôi ra đời cũng thấy nó được quấn tã nằm trên manh chiếu rách. Mà thường chiếu toàn rách giữa, lại luôn thâm đen vì hết anh lớn em bé thay nhau đái dầm. cái gầm giường nền đất luôn ẩm mốc bốc mùi khai.
Gắn bó của cây cói đối với người dân nông thôn là vậy, cói là giống cây của người nghèo, bao gói đời nghèo. Nghèo đến mấy khi chết cũng phải có manh chiếu bọc thân. Người Mông hát “đói đến chết cũng không ăn thóc giống, nghèo đến mấy thì khi chết người Mông cũng phải có tấm áo lanh mặc. Không có tấm áo lanh, người Mông lạc mất tổ tiên”. Người miền xuôi có thể cũng như vậy, dù chúng ta không có câu hát ấy nhưng khi nói chết không có manh chiếu bọc thân thật đau đớn lắm, là bộc lộ cái cùng cực của cảnh nghèo.
Mới rồi về đồng cói Nga Sơn vào mùa thu hoạch tôi mới thấm cái đòi nghèo mà tôi từng lơ mơ cảm nhận về người đồng cói, những người làm ra manh chiếu cho ta nằm. Có nhiều lí do để nghề cói đang từng ngày sa sút. Nhưng đó lại là câu chuyện khác.
2- Từ cây cói, đồ dùng bằng cói ra đời không chỉ có cái chiếu nằm mát mùa hè và đắp ấm mùa đông. Đã có năm rét mướt không chăn phải đắp chiếu cói mới biết cây cói đúng là bè bạn thật sự của cảnh nghèo. Chiếu có cản sương gió tốt, đắp chiếu cói ấm lắm
Rồi đến cái gió đựng thóc gạo hoặc để đóng hàng khô như cá mắm khô, tôm tép moi khô và cả giầu vỏ, lại cả mắm tôm đặc)… Mỗi cái gió có thêm một chiếc vỉ buồm tròn cũng đan bằng cói để gài giữ miệng gió cho thức đựng không vãi ra ngoài. Bán hết hàng, gió được gấp lại gọn nhẹ, không cồng kềnh như cái thúng. Cái gió gắn chặt với đời sống nông thôn.
Sau gió là cái bị. Chưa có một nhà nghiên cứu nào nói về lịch sử cái túi xách của người Việt nhưng cái bị cói của đồng quê chắc chắn là ông cố nội của các loại túi xắc thời nay. Cái thời đói kém đã đọng lại trong dân gian câu ca dao vừa huyếnh hoáng vừa hài lại vừa chan nước mắt:” Thái Bình là đất ăn chơi/ tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành”. Đó là đồ tùy thân của kẻ ăn mày khốn khó nhất trên đời làm từ sợi cói.
3- Ngày nay ở nơi phố phường, cái túi cái xắc đeo vai xách tay của chị em dù có là hậu duệ của cụ cố bị đi chăng nữa thì ngoài vị trí vật dụng nó còn như đồ trang sức và hơn thế, còn là để thể hiện đẳng cấp chủ nhân. Người ta trông túi để đoán vị thế giàu nghèo sang hèn. Cho nên mới có các loại túi xắc như da cá sấu, da trăn, da rắn da lạc đà, da rái cá và đủ các loại da có trên đời. Nghe kể có cái túi xắc hàng hiệu phải đặt ba năm mãi tận châu Âu mới lấy được. Giá lên đến vài vạn dolar. Tôi nghe Hà Nội đã có người sắm cái túi ấy. Một cô gái lấy chồng Tây, có tí của, mới chỉ nghe tiếng thôi đã thèm khát đến mất ăn mất ngủ mong ít ra được một lần ngắm nó, sờ tay vào nó. Rồi cả nguyện vọng ấy cũng không được thỏa mãn vì vị thế của cô không thể tiếp cận được người có túi. Cô đành nhờ bằng được người đã trông thấy nó bỏ ra nửa ngày mô tả lại chiếc túi mới gần thỏa nỗi khát mong.
Tôi thì chỉ mong con cháu mình được một lần khát khao như cô gái nọ, nhưng không phải để cố nhìn thấy cái túi mà là để hiểu kĩ cái bị trong đời sống nông thôn một thời thì sẽ tốt biết bao.
Và thêm nữa mong các nhà quản lí đất nước cũng chưa quên hôm nay cái bị vẫn thập thò đâu đó, chưa dứt khỏi đời sống chúng ta đâu. 30/10/2010