Đời biết đâu mà lần (3)

Tách tách nhập nhập (hay chuyện cây tre trăm đốt)

Doduc

Sau ngày thống nhất, năm 1976, nhà xuất bản Văn hóa dân tộc được thành lập. Nhà xuất bản xây trên trên cái nền cũ của Nhà xuất bản Việt Bắc, trực thuộc khu tự trị khi ấy. Nhà xuất bản này làm sách và văn hóa phẩm phục vụ cho đồng bào các dân tộc 6 tỉnh Cao – Bắc –Lạng – Hà – Tuyên – Thái.

Khu tự trị giải thể thì tháng 6/1976 nhà xuất bản được lập xong. Đại bản doanh đóng ở Thái nguyên nhưng trực thuộc Bộ Văn Hóa.
Cuối năm 1977 nhà xuất bản được chuyển từ Thái Nguyên về đóng ở Khu văn công Cầu Giấy vừa được một năm tạm ổn định thì ngay cuối năm 1978, một quyết đinh chụp xuống từ Bộ Văn hoá: sáp nhập!
Quyết đinh nhập ba nhà xuất bản làm một: văn hóa (Văn hóa và âm nhạc), Phổ thông và Văn hóa các dân tộc thiểu số.

Đó là một quyết định hành chính như lưỡi tầm sét từ thiên đình phóng xuống, chẳ có ai dám ho he. Thời gian ấy, bà Châu làm cục trưởng cục xuất bản, quyền to đầy mình, ho cái là xong. Còn các cơ quan xuất bản dưới Bộ không khác gì cái khay bột nặn bánh, từ đống bột đó người ta có thể làm bánh trôi, bánh chay, bánh rán, bánh nếp , bánh mật…Nặn gì ra cái nấy.

Một nhà xuất bản với một hệ thống biên tập viên và những công tác viên là hàng ngũ Văn nghệ sĩ đâu có phải đống bột, nhưng nó đã bị nhà nước dùng như đống bột để tha hồ nhào nặn.
Một Nhà xuất bản Phổ thông giàu thành tích gần gũi với nông thôn bỗng nhiên biến mất. Cán bộ tán loạn
Một nhà xuất bản Văn hóa dân tộc mà đối tượng là các dân tộc thiểu số mới hơn hai tuổi , vừa bập bẹ nói được bị lùa vào chung một rọ chỉ sau một chữ kí.

Nhà xuất bản mới vẫn trực thuộc bộ, vẫn tên Nhà Xuất bản Văn Hóa, còn Phổ thông và Dân tộc mất luôn tên. Sau đấy là là chín năm dài bằng cuộc kháng chiến chống Pháp sống chung với nhau.

May thay sau khi sáp nhập, Nhà xuất bản Phổ thông tan biến thì hai ban biên tập Văn hóa Phẩm và sách nhà dân tộc vẫn được giữ nguyên và hoạt động như cũ với những ấn phẩm cho vùng dân tộc. Một số ý kiến tham mưu muốn nhập ban Văn hóa phẩm vào ban Mĩ thuật và ban sách cũng vậy. Giữa lúc xôn xao thì giám đốc Nguyễn Thái Bình vốn là người xuất thân từ cán bộ tổ chức xuống làm việc với hai ban dân tộc này. May là sau khi xem xét kĩ sản phẩm của hai ban trong mấy năm, ông bảo: hai ban đang làm việc ổn định, sản phẩm có chất lượng thì sao phải dỡ ra sáp nhập làm gì. Thế là hai ban được yên thân…

Cho đến một ngày đẹp trời
Công việc của nhà xuất bản Văn hóa có vẻ không ổn, có ý kiến dỡ ra , trả Văn hóa dân tộc về vị trí nhà xuất bản cũ, Phần âm nhạc được cho ra thành lập với cái tên nửa ta nửa tây: Dihavina ( Đĩa hát Việt Nam- hài quá!).
Đó là năm 1987.

Nhà xuất bản không được chia xèng nào từ nhà xuất bản mẹ: Văn hóa.
Tôi nhớ ngày được trở lại tự do, cán bô biên tập và các phòng ban đều dốc sức chiến đấu quên mình khi nhà xuất bản mẹ tệ bạc.

Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc đã đứng lên từ đám gio tàn sau cuộc cưỡng hôn 9 năm với cái tên “ Sáp nhập” mĩ miều, kiểu như là cải cách hành chính. Cuộc ly hôn trong cảnh xác xơ , nhưng đó là sự trở về của tự do với vùng đất của mình nên nó làm được nhiều việc có giá trị văn hóa sâu sắc cho dân tộc và đất nước. Bằng chứng là các bộ sách đồ sộ về văn hóa sắc tộc, cổ tích và ca dao dân ca tục ngữ các dân tộc đều gần như sưu tầm in đủ.

Nếu tính từ ngày Nhà xuất bản chào đời với cái tên Nhà xuất bản các dân tộc thiểu số Việt Nam thì nó vừa 38 tuổi, trừ đi 9 năm cưỡng duyên, ăn nằm với Nhà xuất bản Văn hóa thì nó cũng có 27 năm hoạt động đúng với cái tên Dân tộc.

Nếu tính từ ngày thành lập thì tôi theo nhà xuất bản từ 1976 đến đúng 2006 thì về hưu, làm việc cho dân tộc và miền núi 30 năm.

Nói về 15 năm lưu lạc của nàng Kiều, Nguyễn Du viết “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”. Tôi có số năm gấp đôi cuộc đời lưu lạc của cô Kiều và càng thấm sâu nỗi khổ của cơ chế quan liêu này tác hại như thế nào cho hoạt động xuất bản.

Một lần tổng kết cuối năm (khoảng năm 2004- tôi nhớ không chính xác) , có thứ trưởng Doãn ( Đỗ Qúy Doãn), vụ phó vụ tổ chức, vụ phó vụ dân tộc và cục trưởng xuất bản về dự, tôi phát biểu như sau:
“Từ cơ quan Bộ đến Nhà xuất bản xa nhau có chừng 500 mét chim bay nhưng gần như NXB chẳng bao giờ được quan tâm đúng nghĩa. Bộ vẫn giữ nguyên thói quen “nặn bột” với cơ quan trực thuộc. Không cần biết đến cơ sở cần gì và nghĩ gì. Bộ thả dù lãnh đạo xuống mà không cần ý kiến tham khảo của cán bộ công nhân viên chức nhà xuất bản…

Từng ấy năm làm việc với năm đời giám đốc thì chẳng có giám đốc nào xuất thân từ ngạch xuất bản. Trừ Thứ trưởng Nông Quốc Chấn, người đứng ra kêu gọi và tổ chức thành lập Nhà xuất bản cho các dân tộc, thì bốn giám đốc sau là bổ nhiệm theo kiểu thả dù về. May quá, lần bổ nhiệm cuối cùng vào năm 1999 được ông Lưu Xuân Lý quả là một cái may bất ngờ: người giám đốc duy nhất biết tổ chức công việc để thay đổi được những phần cơ bản nhất cho Nhà Xuất bản”.

Cũng năm ấy, Bộ trưởng Nghị cũng lăm le đưa một người dưới trướng về làm phó giám đốc trong khi cơ quan không có nhu cầu. Cậu này thích chức, giỏi chém gió, nhưng chưa từng làm công việc xuất bản trừ một năm cắp tráp theo bộ trưởng. Ông bộ trưởng thải ra, nhưng lại muốn gia ân tặng cho cậu một cái chức gì đó. Thế là ông dòm dòm, định đút vào Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Bị ép, Giám đốc Lý không cưỡng nổi, cứ khất lần. Gần hết thời hạn phải nhận người thì tôi phát biểu luôn trong tổng kết cuối năm của cơ quan. Buổi đó đủ mặt anh tài cấp bộ cấp vụ rằng Nhà xuất bản đâu có cần thêm một phó nữa mà Bộ phải tăng cường, và tôi cũng biết rõ anh này không có năng lực, đưa về là rối lên. Cả phòng họp im phắc…Thứ trưởng Doãn nhìn tôi, ghé tai người bên cạnh “ ông này là ai”. Ông vụ phó vụ tổ chức rút sổ ra hí hoáy ghi chép…mấy ông tròn xoe mắt vì một cán bộ nhà xuất bản nói vỗ thẳng vào câu chuyện chẳng cần giấu giếm e ngại gì cấp trên.

Tôi lại nói thêm rằng, có an cư mới lạc nghiệp. Vậy mà ba gần ba mươi năm tôi làm việc trong tình trạng bất an nay dọa nhập, mai đòi tách. Toàn là những kế hoach của mấy tham mưu cạo giấy trên Bộ. Hỏi tình trạng như thế thì còn ai hết lòng chăm sóc cho mảnh đất này. Vì thương nhà xuất bản lân đận mà tôi nói thật để các vị trên bộ biết chứ không nhằm cái đích nào khác. Chỉ muốn nói để chúng tôi yên làm ăn.
Vậy mà có tác dụng. Năm ấy cậu con cưng của bộ trưởng không ghé đít được vào Nhà xuất bản. Ông Nghị nghe báo cáo phản ánh ông cũng chùn tay.

Việc đơn giản có vậy mà sau đó ông vụ phó vụ Dân Tộc ghé tai tôi bảo” anh liều thật đấy, dám nói Bộ thế”. Tôi cười, kể cả ông trời làm việc không chuẩn tôi cũng nói. Có gì mà liều!

Nhưng mà kẻ bất tài đó trường kì mai phục, và mấy năm sau đã phệt đít xuống được một nhà xuất bản lớn hơn trong Bộ, và làm việc thì ỉa đùn đái vãi. Sau khi anh ta về một năm thì gần nửa cán bộ nhà xuất bản giờ không có việc dật dờ nủa sống nửa chết.

Trò chơi nặn bột ấy đến hôm nay vẫn còn giá trị nguyên xi. Dù các nhà xuất bản trực thuộc Bộ nay là doanh nghiệp, công ty trách nhiệm một thành viên gì thì vẫn là cục bột. Hôm nay lại được nghe tin mới toanh: đang tiến hành nhào lại đống bột của Bộ: sáp nhập lại ba nhà xuất bản: Văn hóa thông tin, Văn hoá dân tộc, Âm nhạc. Ba nhà nay sẽ vo làm một, chắc là “cơ cấu lại” trên tinh thần cải cách!

Âm nhạc vốn nằm trong Văn hóa từ trước, còn nhà Dân tộc có một đặc trưng riêng với gánh nặng cho miền núi nay được tiện tay vo vào cục bột tôi chắc chắn sẽ tiêu ma. Đáng tiếc thay, xây mãi mới được một đội ngũ chuyên thì nay một cái xoạch nó sắp thành quá khứ.

Hôm nay tạm dừng ở đây, mai sẽ viết tiếp về cái nhà sắp bị dỡ mái mà tôi có gần 30 năm cùng đồng đội xây dụng lên. Đau lắm chứ với cái cơ chế quan liêu quen làm việc bằng mệnh lệnh. Sao lại dễ thế khi đụng đến cả một đội ngũ chuyên sâu theo lối nặn bột bánh này như thế! Vậy là là lãnh đạo kiểu gì?

Câu chuyện cây tre trăm đốt đang được bộ trưởng Tuấn Anh hăng hái hô tách tách nhập nhập. Thật kinh hoàng! 18/4/2014

Vĩ thanh
Hôm nay là 27/4/2015
Tôi ghé qua nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xem câu chuyện tách nhập đến đâu. Dù rời nhà xuất bản 10 năm nhưng tôi vẫn thương nhớ nơi làm việc một thời.
Câu chuyện hôm nay có khác một tí.
Cái nhà xuất bản văn hóa tôi biết từ thời ông Hoài Chân ( anh Hoài Thanh), một nhà phê bình Văn học làm giám đốc, sau đó thì chuyển dần xuống cho cán bộ tổ chức, nhạc sĩ ,nhà thơ và sau cùng là một ông kế toán. Lót ổ lần cuối cùng là một vị không làm xuất bản mà là người cắp cặp cho bộ trưởng, thì sụp đổ. Khi bị Bộ Thông tin cảnh cáo, yêu cầu ngừng xuất bản thì nó nợ đìa ra mấy tỉ, còn quân quyền tan nát, một số nghỉ, ăn nửa lương. Một thương hiệu lớn tan chảy như nước đá gặp gió nồm, vì cách làm tổ chức ba vạ như thế.
Mấy vụ trước là mọi nhà bị anh cả đỏ Văn Hóa nuốt. Nhưng lần này thì Văn Hóa và Dihavina sập, bị sáp nhập vào nhà thằng em út văn hóa dân tộc. Thằng em vẫn giữa nguyên tên ” Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc”. Thảm cảnh xuất bản không ngờ lại có kết cục như vậy.
Chuyện các đàn anh gươm cùn giày rách lê lết vào cửa thằng em, xưa luôn bị bắt nạt này, có cái gì hài hước vô biên!
( Nghe nói bị yêu cầu ngừng xuất bản vì mắc quá nhiều lỗi giấy phép, nhưng cái chính là nợ đầm nợ đìa không hoạt động được. Nay cho sáp nhập đẻ tránh cái vạ giải tán và thằng em út còn có vốn dự trữ trả nợ đậy cho thằng anh què cụt. Thảm hại thay)
Thì ra trên đời cái gì cũng có thể. Cũng lại một lần nữa có thể nói: đời biết đâu mà lần!27/4/2015