Những gì còn nhớ (23)

Người chép sử làng đã ra đi

 

Đó là ông Nguyễn Khắc Quýnh, tự Vũ Quảng người xã Ninh Hiệp,huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Khoảng một tuần trước ngày rời bỏ thế giới này, ông còn hào hứng gọi điện thoại cho tôi khoe rằng ngoài lớp Hán nôm ở Điếm Kiều, Ninh Hiêp, nay ở Phù Chẩn, Dương Hà và Phù Đổng đã có thêm các lớp mới do các học trò từ điếm Kiều đứng ra mở. Ông còn nhờ tôi viết lời bạt cho cuốn Chuyện cũ làng Nành, tập nối, dài chừng 300 trang ông vừa hoàn thiện để kịp in vào cuối năm nay. Ông hẹn sẽ gặp nhau vào cuối tuần, vậy mà không kịp nữa.
Tôi biết ông từ 1990, năm tôi đem tranh về làng triển lãm. Lúc ấy ông vừa thôi vai trò bí thư Đảng ủy xã để tiếp nhận nhiệm vụ mới: Phó ban quản lý di tích. Mười năm sau, ngày 1-1-2000, ông đã trao cho xã được trên 1.000 trang bản thảo ghi chép những giá trị Văn hóa làng do ông hợp tác sưu tầm cùng các cụ Thạch Văn Thụ, cụ Cung trong Ban quản lý di tích.
Tuổi trẻ là lính. Ông tham gia du kích từ 1944, lúc mới 17 tuổi, và bôn ba trên nhiều chiến trường, kể cả Tây Nguyên xa xôi ông cũng từng đặt chân đến. Văn hóa thì ông bảo là “”phọt phẹt học trong quân ngũ được một tí”, quân hàm đến chức Đại úy, và đã từng là Chính trị viên đoàn văn công Quân khu 3, là bạn đồng ngũ với nhạc sĩ Đôn Truyền, và là bạn thân của nhạc sĩ Trương ngọc Ninh và cố nhạc sĩ Vũ Trọng Hối.
Ông giao du rộng. Nghĩ về ông, tôi lại nhớ đến câu thơ của người xưa: “bần cư trung thị vô nhân vấn/ phú tại sơn lâm hữu khách tầm”, có nghĩa là người nghèo dù ở giữa nơi đô hội cũng không có người hỏi han/kẻ giàu có dù ở giữa rừng sâu núi thẳm vẫn có người tìm đến. Ông Quýnh không có tiền của, đãi bạn chỉ có chén trà điếu thuốc nhưng nhà ông không bao giờ vắng khách bởi ông là người xởi lởi, lại quá giàu có vốn văn hóa về cái làng Ninh Hiệp (Nành) cả về dân gian lẫn bác học. Không tiếp khách thì ông lại loay hoay ghi ghi, chép chép, soạn thảo với núi công việc ông tự đề ra cho mình. Không kể những sinh viên lần mò tìm đến ông hỏi chuyện, mà những nhà nghiên cứu văn hóa như GS Tô Duy Hợp, cố Th.S Cổ Thị Minh Tâm, GSTS Đặng Văn Lung, TS Đinh Khắc Tuân đều được ông cung cấp khá nhiều tư liệu nghiên cứu khi về làng hỏi chuyện ông.
Ông tham lam với nhiều thứ việc từ sưu tầm dịch thuật, lại xông cả vào Hội khuyến học, là một trong ba vị đàn anh ở làng đứng xin chính quyền xã cho mở lớp Hán Nôm chỉ nhằm mục đich dạy chữ để mọi người có kiến thức sưu tầm vốn cổ, đơn giản vậy thôi. Nhưng không ngờ, từ lớp học đầu với 20 học viên 1996, đến nay khóa thứ 6, lớp học đông lên đến gần50. Học trò đủ loại, từ nhà nghiên cứu văn hóa ở nơi khác trong vùng tìm đến thụ giảng đến con em trong làng, rồi cả các nhà sư cũng xin đầu lớp. Đã có khoảng 200 sinh đồ tốt nghiệp tại ngôi trường Hán Nôm điếm Kiều, và đến nay lớp vẫn tiếp tục mở! Tôi không thể quên khi được dự những buổi bình văn tại điếm Kiều,những vị túc nho là thày giảng cùng với ông Quýnh đã đọc thơ rồi mổ xẻ cái hay trong từng câu chữ, lối chiết tự Trung Hoa cổ xưa để tìm ra hồn vía của bài thơ.Rồi còn lôi cả những bài dịch của các tiền bối như Trần Trọng Kim để bàn chỗ hay chỗ dở, chỗ nhầm lẫn với những lý lẽ xác đáng. Những buổi bình văn ấy đã gây nuôi trong lòng các học viên nỗi mê đắm thi pháp cổ, kích thích lòng ham học của mỗi người. Đó là thứ giáo học pháp thực tiễn mà không có trường sinh ngữ nào theo kịp. Chẳng thế mà sau 2 năm học ở điếm Kiều, có môn sinh đã đọc dịch được các văn bản để lại trong di tịch cổ.
Tôi vẫn gọi đùa ông là người chép sử làng. Ông cười “biết đến đâu thì làm đến đấy chứ sử siếc gì”. Ông hay nói về chữ TÂM,luận về cách viết của ta khác người Tàu thế nào. Chứ Tâm ông viết rất đẹp, chân thành mà khít khao như một trái tim đôn hậu.Đời ông yêu chữ Tâm, mà ông cũng theo được chữ.Tôi có nói với ông Sơn , bí thư Đảng ủy xã Ninh Hiệp rằng nếu có một người đảng viên chân chính, thì ông là người số1. Đằng đẵng bao nhiêu năm dạy học mà không nhận một đồng bồi dưỡng; sưu tầm hàng ngàn trang tư liệu chỉ xin xã giấy một mặt, hoặc lịch blốc cũ để ghi chép. Ông bảo đuợc làm việc là vui rồi. Vậy đấy, cơm nhà vác tù và hàng tổng, người đó chính là ông.Được cái con cháu ông sống rất có gia pháp, không bao giờ mè nheo tính toán, để yên cho ông miệt mài với trang giấy, cây bút và tiếp bạn bè bất kỳ lúc nào.
Cuốn Chuyện cũ làng Nành in năm 2004 dày 350 trang được bà Trương Thị Cúc, người làng, là Việt kiều ở Pháp trợ giúp trên chục triệu tiền in. Vậy mà khi sách về, ông giao toàn bộ cho xã làm quà tặng, phần bán được ông đề nghị đưa nộp vào quĩ khuyến học .Cuốn sách được Hội Văn nghệ dân gian trao giải.Trên ba triệu tiền thưởng ông cũng lại định nộp lên quỹ. Tôi phải giải thích rằng, sách đã không có nhuận bút, đây là tiền thưởng cho công sưu tầm của riêng ông do Hội tặng, phải giữ lấy. Cũng chẳng biết rồi ông có nghe không.
Giữa làng quê, bên cạnh nghiên bút là giá tư liệu đồ sộ ngổn ngang các trang viết, các bút tích của bè bạn ông cất giữ nâng niu và đầy các dự định công việc còn đang dang dở,… giờ đây đã vắng bàn tay ông chăm sóc. Ông xa rời con cháu và bè bạn vào lúc 0h39 phút ngày 30tháng 6 năm 2007 ở tuổi 81, sau một cơn đau tim bột phát. Đây cũng là năm nhị hợp của tuổi ông…Sự ra đi của ông để lại trong lòng mọi người sự tiếc thương khôn cùng
***
… Ông ra đi , nhưng đã để lại cho làng xã, cho bạn bè cái TÂM trong sáng như vẻ đẹp ngời ngời của sao Khuê mà ông đã gửi gắm vào cuốn Chữ TÂM, xuất bản năm2005 do ông sưu tầm và biên soạn tại NXB Văn học. Đó là chưa kể đến Chuyện cũ làng Nành phần nối, cuốn thư tịch về đình chùa đền miếu và sách giáo khoa dạy Hán Nôm ông biên soạn chưa kịp công bố.
Dù mới chỉ có 2 cuốn sách, nhưng những gì ông làm được cho làng xã còn lớn hơn nhiều. Việc còn lại, em trai ông, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm và chính quyền xã Ninh Hiệp chắc sẽ phải làm nốt để thỏa tâm nguyện ông ở nơi chín suối. Tôi tin là như vậy%
Ngày Sóc – tháng Mùi 2007