Những gì còn nhớ (27)

Hứa Tử Hoài
16 tháng 10 2013 lúc 17:05

doduc

nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài

Tôi gặp Hứa Tử Hoài năm 1971 tại bảo tàng Việt Bắc. Đó là Bảo tàng Cách mạng, trực thuộc Khu tự trị. Lúc ấy anh mới 29 tuổi.
Hiền lành, ít nói, gương mặt anh thật phúc hậu, lúc nào cũng như đang vương vất một nụ cười. Chúng tôi quen nhau rất nhanh. Đó cũng là đặc điểm chung của giới làm mỹ thuật.Tôi làm việc ở tờ báo Việt Nam độc lập của Đảng bộ khu tự trị, còn anh công tác tại bảo tàng Việt Bắc.Hai nơi cách nhau chưa đầy cây số nên thỉnh thoảng vẫn gặp nhau. Ở bảo tàng tôi chỉ biết láng máng anh làm công việc nội thất trưng bày.
Lúc ấy còn trẻ nhưng Hoài đã sớm có tiếng là một nhà điêu khắc có triển vọng. Có lần anh kể cho tôi nghe về tượng đài chiến thắng Hà Bắc mà anh từng được tham gia khi còn đang học với những kỉ niệm lần đầu ra sới. Đó cũng là dịp hiếm hoi được nghe Hoài nói về mình.
Còn nhớ năm1975, bức tượng tròn bộ đội về làng Hoài đúc bằng thạch cao được nhóm công tác của Cục cục mỹ thuật do nhà điêu khắc Thanh Tịnh lên duyệt cho triển lãm toàn quốc khen đẹp, bảo chuẩn bị đóng gói để chuyển về Hà Nội.Đoàn ra về rồi mà anh vẫn băn khoăn. Anh bảo tôi: còn nhiều chỗ chưa ổn, sẽ phải đục lại bằng gỗ. Mấy ngày sau đã thấy anh xoay trần ra dưới bóng rợp đại thụ dưới chân Bảo tàng. Một bức tượng gỗ đang hình thành. Khi đó bức tương thạch cao vẫn để bên cạnh. Tôi bảo Hoài đục xong thì sẽ xin tượng thạch cao đem về nhà bày chơi. Hoài ừ hữ không nói. Ba hôm sau tôi ra thấy bức tượng gỗ đã gần hoàn thành, nhưng tượng thạch cao thì biến mất. Khi tôi hỏi về nó, Hoài hất hàm về phía hào tránh bom nói gọn lỏn: “Đập đi rồi, vứt dưới ấy.” Tôi ra ngó xuống thấy tượng đã vỡ thành hai ba mảnh nằm gọn ở đáy hào. Hoài nói như để thanh minh: “… Mấy hôm để bên cạnh tức mắt quá không thể đục được.” Tôi thật bất ngờ. Nhưng qua chuyện đó tôi lờ mờ nhận ra chân dung một con người khá nghiêm khắc với công việc của mình.Sự thầm đoán của tôi dần dần được khẳng định. Đó là lần anh tạc bức tượng Kim Đồng. Ở bên cạnh lán làm việc có bức tượng gỗ khám nghĩa vụ quân sự, diễn tả chàng thanh niên mới lớn đang ưỡn ngực đo xi-nhê. Nhân vật anh tạc hơi bị gầy guộc, tôi đùa: Còm nhòm thế này thì khám tuyển cái nỗi gì. Hình như tôi đã đụng vào đúng điều anh đang suy nghĩ. Bỗng thấy anh vật bức tượng ra cưa đôi cưa ba luôn. Cái cánh tay trên bức tượng Kim Đồng khoát ra phía sau báo hiệu có động đang nằm trong Bảo tàng mĩ thuật chính là phần thân của tượng chú bé đi khám nghĩa vụ quân sự mà anh phá bỏ.
Sáng tác luôn là những thôi thúc trong mỗi con người làm nghệ thuật. Nhưng vào thời bao cấp, khi nghệ sĩ làm việc ở các cơ quan nhà nước việc đó cũng chẳng mấy khi được khuyến khích. Công việc cơ quan giao mới là trọng, mà chủ yếu cũng chỉ là kẻ vẽ khẩu hiệu, làm ap phich, trang trí phòng họp. Nhiều người, kể cả lãnh đạo đều coi sáng tác của họ là chuyện riêng tư. Có lần ngày chủ nhật thấy anh hăm hở đục tượng, một lãnh đạo đi qua thấy đã nói buông: “Cơ quan không yêu cầu sáng tác, anh làm việc nhiều rồi ốm ra lại tốn tiền thuốc của nhà nước, thừa thì giờ sao không đi quét dọn xung quanh cho sạch sẽ”. Lần đó cũng là lần duy nhất không kiềm chế được, anh quặc lại “Đấy là việc dành cho những ai vô nghề nghiệp”.

Con tép- tượng Hứa Tử Hoài- cao 27 cm
Năm 1977 tôi chuyển công tác về Hà Nội.Trong một lần lên Thái Nguyên tôi ghé thăm anh vào buổi tối. Lần ấy Hoài mang ra khoe bức tượng bên bếp lửa đang làm dở. Người ông đang ôm cháu, mặt hướng vào xa xăm. Tôi buột miệng: đất nước mình liên miên chiến tranh, cháu lớn lên bên ông bà vì cha mẹ chúng đều phải ra trận. Bi hùng lắm! Gương mặt Hoài bỗng tươi lên: cậu thấy thế thật à. Tôi gật đầu. Bỗng chốc Hoài lại trầm xuống, nhưng làm thế nào để thể hiện được cái bếp lửa nhỉ. Tôi ngẫm nghĩ rồi gợi ý: hãy để con mèo dưới chân xem sao. Hoài nghe xong gật gù: có lẽ được, thế mà nghĩ không ra. Đấy là năm1985. Sau này bức tượng đó tham gia triển lãm toàn quốc đoạt giải A.

Song shli- tượng tròn của Hứa Tử Hoài ( trong Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam
Bức song sli sáng tác năm 1983, tượng làm xong anh cũng chẳng nghĩ tới việc đem đi triển lãm. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo,người học cùng lớp với Hoài, kể năm ấy anh ở trong ban tổ chức triển lãm toàn quốc, lên chọn tượng đó đưa về. Triển lãm trao 2 giải A thì một của Hoài, một của Tạ Quang Bạo.Đi nhận giải, Hoài nói nhỏ với Bạo: nếu ông không mang tượng tôi về thì năm nay ông đứng đầu giải, tôi rất cảm ơn ông.
Lầm lũi một mình trong sáng tác, đất Thái Nguyên không có ai làm điêu khắc để cùng trao đổi, nên anh thành nghệ sĩ độc hành cho đến khi trái tim ngừng đập. Vài ba câu chuyện nghề tôi kể trên cũng chỉ là để gợi nhớ một số kỷ niệm trên con đường dài anh đã đi qua.
*
Hứa Tử Hoài dân tộc Nùng, sinh ngày 8/4/1942tại xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Năm 16 tuổi anh thoát ly gia đình về làm thợ lò tại mỏ than Làng Cẩm, tỉnh Thái Nguyên. Đầu năm 1960 thi vào học khóa trung cấp 3 năm tại trường Mỹ thuật công nghiệp. Tốt nghiệp, anh được về công tác tại Bảo tàng Việt Bắc. Rồi năm 1966 anh trở lại trường học tiếp bậc Đại học. Đó là khóa điêu khắc đầu tiên của trường Đại học mỹ thuật công nghiệp. Anh tốt nghiệp vào năm 1971 và quay trở lại Bảo tàng Việt Bắc. Anh sống khiêm tốn, lặng lẽ, chẳng bao giờ chịu nói về mình, không bao giờ tham gia vào các vụ tranh luận ùm sùm. Có lần tôi định hỏi chuyện anh để viết bài, Hoài chỉ mỉm cười nói lảng sang chuyện khác.
Đời công tác của Hứa Tử Hoài gắn liền một mạch với Bảo tàng Việt Bắc (sau này là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc). Anh là người đóng góp lớn nhất, hơn bất kỳ ai, không phải chỉ là thời gian công tác mà là bằng những sáng tác cho các nội dung bảo tàng. Bức phù điêu gỗ ở tiền sảnh trên 42 mét vuông có hình ảnh Hồ Chủ tịch và các dân tộc thiểu số anh làm trong nhiều năm với tất cả tình cảm và sức lực cũng giống như con người anh,lặng lẽ hàng ngày mỉm cười với khách tham quan Bảo tàng. Nhưng anh vẫn chưa thỏa mãn, vẫn tâm niệm làm được một cái gì đó lớn hơn cho dân tộc. Hơn hai chục năm nay, anh kể với tôi về dự định làm một cụm tượng đúc đồng về cộng đồng 54 dân tộc. Và anh đã âm thầm thực hiện từng bước những phác thảo, cẩn trọng thể hiện từng phần nhỏ trong từng năm từng tháng và cơ bản anh đã làm xong..
Hứa Tử Hoài là như vậy, anh sống thầm lắng và làm việc như một lão nông. Nhớ về anh, tôi nhớ về tính cách của một nông phu miền núi: Hiểu việc mình làm và âm thầm với công việc của mình. Những dự định anh ấp ủ chỉ mình anh biết hoặc chỉ một hai bạn nghề thân thiết nếu có hỏi. Anh không có ý định giấu diếm. Không nói chẳng qua là anh không thích nói đến những công việc còn nằm trong ý nghĩ. Những tác phẩm của anh cũng vậy, cũng giản dị bình lặng như phẩm chất con người miền núi ở trong anh. Một trong số những tác phẩm tuyệt đẹp của anh là song sli, hai cô gái Nùng vùng quê anh hiện lên chân thật từ gương mặt đến dáng dấp say sưa trong câu hát sli và vẻ e thẹn của tuổi mới lớn. Những lượn sóng nhẹ nhàng trên nếp áo cũng như đang thầm thì lời nói yêu thương. Người ta dễ nhận ra chính là chân dung anh lặn vào trong đó. Anh dồn đúc tình cảm mình vào tác phẩm với cường lực của của người thợ đục đá, nhưng với cái tình của người mẹ hiền dịu. Nhưng anh luôn có vẻ ngoài bình thản, Lúc làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi luôn phảng phất nét cười, không bao giờ thấy anh vội.
Vậy mà sự ra đi của anh lại vội vàng. Lần vội vàng duy nhất trong đời, nhưng vẫn kịp dặn dò gửi gắm cho Nguyễn Mạnh Quân, người bạn nghề cùng học lâu năm lo khâu cuối cùng trông coi nốt khâu đúc đồng cụm tượng cộng đồng 54 dân tộc sẽ dựng trên đồi Bảo tàng. Và trước đó một thời gian, anh cũng đã hoàn thành bức phù điêu đá rộng 120 mét vuông về nếp sống văn hóa các dân tộc cho Bảo tàng Lạng Sơn, quê hương anh. Chị Hiếu, vợ anh kể lại trước lúc ra đi anh đã nắm tay con trai mỉm cười vĩnh biệt. Chắc anh đã biết mệnh mình và những gì được số mệnh giao phó mà anh đã hoàn tất và anh bằng lòng với điều đó.
Anh ra đi lặng lẽ như một lão nông đã cày xong thửa ruộng. Đám tang do gia đình và bà con tổ dân phố nơi anh cư trú đứng ra lo liệu. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc, nơi anh tận tụy cống hiến suốt cuộc đời, và hiện vẫn đang hợp tác với Bảo tàng làm công trình, cũng chỉ đến thăm viếng như một hàng xóm vì anh đã nghỉ hưu, không còn là người Nhà nước, lại chưa phải là một đảng viên! Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cũng như vậy. Tôi thấy thật xa lạ với cách đối xử của địa phương với một nghệ sĩ tài danh được Giải thưởng Nhà nước về Văn học và nghệ thuật. Sao lại có thể nhạt nhẽo đến như vậy? Tại sao cơ quan chủ quản của anh và cả Hội văn nghệ, nơi anh là hội viên lại có thể ngó lơ không bên nào đứng ra tổ chức tang lễ cho anh xứng đáng với gì anh đã đóng góp. Chẳng biết bộ chủ quản có hay việc này. Đúng là anh sống chẳng làm phiền đến ai, anh mất cũng không ai bị làm phiền. Một nghệ sĩ lớn nằm xuống được đưa cất như một người bình thường, phải chăng cũng là ý nguyện của anh.Nhưng có một điều chắc làm anh mãn nguyện đó là những người thân và bạn chí cốt dù ở phương xa cũng đã kịp tìm về chia tay anh lần cuối cùng.
Vĩnh biệt Hứa Tử Hoài, vĩnh biệt một tài năng lớn và một nhân cách đẹp. Đồng nghiệp không bao giờ quên anh! 20/4/2008