Những gì còn nhớ (34)

Nhà thơ Nông Quốc Chấn
Trong hàng quan chức văn hóa tôi gần gũi ông Nông Quốc Chấn nhiều năm, mà rất ít nghĩ đến ông là quan. Tôi coi ông như người anh, là nhà thơ, dù thơ chưa phải suất sắc.
Tôi biết ông rất sớm, từ những năm bom đạn Mỹ, lúc ông còn làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Bắc.
Bài thơ “Dọn về làng” của ông đưa vào chương trình giáo khoa đến hôm nay tôi còn nhớ đôi câu: “Hôm nay Cao – Bắc – Lạng cười vang/ người gánh rời rừng trở lại làng/ ríu rít gọi nhau ngoài ruộng rậm. Con cày mẹ cuốc ruộng ta quang…”
Khi Khu tự trị Việt Bác giải thể năm 1976, ông đôn đáo tìm cách thành lập Nhà xuất bản Dân tộc trực thuộc Bộ Văn hóa, trên cái gốc Nhà xuất bản Việt Bắc, và ông đã thành công. Nhà xuất bản do ông kiêm chức giám đốc. Lúc ấy ông đang là Thứ trưởng Bộ Văn hoá.
Tôi từ báo Việt Nam độc lập của Đảng bộ  Khu tự trị Việt Bắc, báo cũng giải thể, tôi đầu quân sang xuất bản, làm lính dưới trướng ông.
Ông nắm hướng hoạt đông xuất bản là chính, còn điều hành là hai phó: Nông Quang Hoạt và Họa sĩ Vi kiến Minh.
Nhà xuất bản được thành lập vào năm 1976 chỉ tồn tại được 2 năm. Lúc ấy sau ngày thống nhất ( mà gọi là chiến thắng đó) dân tình đói meo nhưng tinh thần mơ mộng làm ăn lớn thì bay ngang bầu trời. Ông Chấn được biệt phái sang Lào nửa năm thì ở nhà, đùng một phát bà Châu Cục trưởng Cục Xuất Bản đề xuất hợp cho nhất bốn nhà: Nhà xuất bản Văn hóa- Nhà xuất bản Phổ Thông – Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc- Nhà xuất bản Âm nhạc thành Nhà Xuất bản Văn Hóa. Bốn Nhà xuất bản đều thuộc bộ Văn hóa chủ quản, và Cục xuất bản bề trên cũng thuộc Bộ, nên việc thành lập căn nhà mới nhanh cái rụp! gọi là sáp nhập nhưng coi như xóa sổ ba nhà, vì còn đâu tên!
Nói thêm: lúc đó tư tưởng làm ăn lớn đang được sổng chuồng, tỉnh còn sáp nhập nữa là mấy cái cơ quan vài chục mạng người. Nào Cao Bằng Lạng Son thành Cao Lạng ( lạng cao, he he), Thái nguyên – Bắc Cạn thành Bắc Thái, Hà Giang Tuyên Quang thành Hà Tuyên…Ghê gớm nhất là Nghĩa Lộ Yên Bái và Lao Kai mất hẳn tên, thành Hoàng Liên Sơn…hu hu.
Ông Chấn ở Lào về trông thấy căn nhà Dân tộc sụp đổ thì đau điếng. Nhưng ý chí của ông chưa mất. Ông vẫn chờ thời.
Cỗ xe chắp vá chạy ọc ạch được 10 năm thì rã đám. Lại tan đàn xẻ nghé. Âm nhạc lại quay về với cái tên mới khá pê đê: Dihavina ( đĩa hát Việt Nam!). Nhà xuất bản dân tộc sau 10 năm chưa bị ủ thiu, vẫn còn nguyên hai ban với công việc độc lập đều đều cho miền núi nên ra khỏi nhà chung vẫn là việc bình thường. Chỉ duy nhất Nhà xuất bản Phổ thông là mất giống hoàn toàn, vì khi giải thể quân quan tán loạn mỗi anh mỗi ngả.
Đúng là 10 năm vãi nước mắt với cái tư tưởng làm ăn lớn của cái đầu nhỏ!

Lần khai sinh thứ hai này không ít công lốp-bi của ông Chấn, nhưng ông không kiêm chức giám đốc nữa. Lúc này đội ngũ đã thạo việc, và Bộ Văn hóa bổ nhiệm giám đốc mới hẳn hoi.
Tuy vậy ông Chấn vẫn không rời mắt. Chắc ông lo bất kì lúc nào đó nó có thể bị đánh sập! Ông vẫn qua lại nhà xuất bản nhắc nhở anh em làm việc và chắc chắn là ông luôn là tiếng nói bảo vệ Nhà Xuất bản trên Bộ.
Có lần về họp với nhà xuất bản ông bảo với Giám đốc mới là ông Nông Hoàng Thụ : “Chức tước thì có thể cho được, nhưng muốn có kiến thức thì phải học, cái đó không ai cho anh được đâu. Hãy học ở anh em trong nhà xuất bản ấy ”. Chả là giám đốc mới chưa từng làm xuất bản ngày nào, hu hu!
Khoảng đầu những năm 2000 ông đi miền Trung về, hôm ngồi cùng ông tôi hỏi chuyện Tây nguyên, thấy giọng ông trầm xuống: Tôi lo Tây Nguyên sẽ có vấn đề anh ạ. Bây giờ người có tiền vung ra mua rẻ đất của bà con. Bà con dân tộc bán đất xong lại bị đẩy sâu vào trong núi. Rồi đến lúc nào đó sẽ sinh chuyện… Thì y như rằng năm 2003 xảy ra bạo loạn với câu chuyện nước Đề- ga.
Nhắc lại câu chuyện này để nói lại cái ý tôi coi ông là nhà thơ hơn là quan cách mạng vì trong ông còn nguyên tình người, còn đầy lòng trắc ẩn. Ông chưa bị nhưng chỉ thị nghị quyết nghị định làm cho khô héo tâm hồn.
Lại nhớ có một năm chín mấy đó đi dự lễ kỉ niệm chẵn ngày thành lập Hội văn nghệ Lạng sơn, buổi tối ông gọi tôi sang phòng hỏi thăm về sự lủng củng của nhà xuất bản (thực ra chỗ nào chả lủng củng), rồi ông thở dài: “Các anh cố gắng chèo chống giữ lấy Nhà Xuất bản. Ba lần tôi giới thiểu Giám đốc, cả ba lần đều thất bại, tôi cũng buồn lắm!” Thì ra cái gì ông cũng biết cả.
Lúc ấy tôi làm Trưởng ban biên tập, là người Kinh, mà ông nói chuyện đó, thì tôi biết ông coi tôi như người em thân tín.

Năm 1991, ông vận động thành lập “Hội Văn hóa Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam”. Đó là thời cơ, được Phó thủ tướng Nguyễn Khánh phụ trách về Văn hóa ủng hộ nhiệt tình, nên việc đã thành. Nhưng bạn đầu họạt đông cũng gieo neo lắm, không trụ sở, không tiền nong trợ giúp. Ông lại lăn lưng vào làm Chủ tịch và cơi nới cái lều tạm ấy cho đến khi nó được nằm vào trong bảy Hội nghệ thuật và có trụ sở riêng. Công của ông không nhỏ.
Ông Chấn tuổi Qúy Hợi, 1923 tên thật là Nông Văn Quỳnh, quê ở Cốc Đán, Ngân Sơn, Bắc Cạn, dưới chân núi Phja Bjooc.
Trai- Đinh- Nhâm Qúy thì tài. Ông tài thật đó chứ. Từ một thày mo mà thành nhà thơ rồi lên đến Thứ trưởng văn hóa mà luôn đau đáu săn sóc cho văn hóa sắc tộc. Hai tác phẩm lớn ông để lại cho dân tộc là Nhà xuất bản Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Hội văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông là người cha tinh thần của đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc dù ông chỉ dấp dính giữa nhà quản lí với nhà thơ.

Năm 2003 sau một năm ông mất, nhân giỗ đầu , nhà xuất bản có họp ban biên tập bàn về việc làm cuốn sách Cần Phia Bjoooc ( người núi Hoa) giao cho tôi biên soạn, để ra mắt  nhân giỗ đầu ông, tôi nói ngay: Đối với ông Chấn thì nhà xuất bản và hội dân tộc thiểu số , tôi chỉ nói một câu thôi: SỐNG TẾT / CHẾT GIỖ. Vì ông là cha đẻ ra hai thằng con này.
Ông đươc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về Văn học nghệ thuật.

Nhớ ông tôi lại nhớ đến hai câu thơ ông viết :
Khi nghe gió thổi qua phia Bjooc
Em biết mùa thu đã hết rồi…
Chỉ có ai ở vùng đất ấy mới hiểu thấu vẻ đẹp lúc chuyển mùa, vẻ đẹp hiếm gặp trong thơ ông.
Hà Nội-18/10/2013