Những gì còn nhớ (35)

Người hiểu Đen và Trắng

(Viết về họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp

1. Tiền nhân bảo: Có duyên thì có phận. Nhà Phật lại chỉ nói có một chữ duyên. Duyên cho người ta cơ hội. Không có chữ duyên, con người mất mát nhiều, có khi chẳng nhận được gì trong suốt cuộc đời. Duyên định phận người nên không thể coi thường chữ duyên.

Tôi hay nghĩ đến chữ duyên khi nhớ tới thầy Nguyễn Trọng Hợp, giảng viên mỹ thuật của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội). Duyên là được gặp thầy.

Năm 1976 tôi lơ ngơ từ xó rừng Việt Bắc về thụ giáo tại Yết Kiêu. Ở ngôi trường thân thiết này người tôi hay nhớ tới là thầy Nguyễn Trọng Hợp dù ông chỉ hướng dẫn cho tôi vài lần khi làm bài khắc gỗ. Trước đó hồi còn học ở trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc thì một thầy vốn là học trò của ông Hợp đã bảo tôi: Ở Yết Kiêu, ông Hợp rất giỏi đen trắng. Vâng, đen trắng là gần với thủy mặc. Có phải tôi mệnh thủy mà gặp tranh ông tự nhiên thấy gần gũi ngay.

Tôi đã giật mình khi xem bức vẽ mái đao chùa Bút Tháp bằng mực Tàu trên giấy dó của thầy. Lúc ấy tôi ngơ ngẩn vì những nhịp chuyển động không gian được thầy giải quyết đậm nhạt chỉ với mực Tàu mà có độ dày dặn và sức nặng của một tác phẩm hoàn chỉnh. Bức vẽ đó chưa hẳn là bức tranh đẹp trong số tranh thầy đã vẽ, nhưng thuyết phục tôi vì thầy vẽ trên dó, một thứ giấy thủ công làm từ cây dó để viết chữ Nho và họa sĩ cũng chỉ dùng nó để ký họa. Tôi để ý đến giấy dó từ đó. Rồi sau đó và cả bây giờ tôi đã dành cả tâm hồn cho dó. Thầy Hợp không biết điều này.

Đó là chữ duyên. Nếu không gặp thầy và không đựợc xem bức vẽ thì sẽ không có thời kỳ trải nghiệm trên dó đằng đẵng sau này.

2. “Ông Hợp là người rất giỏi đen trắng” – Vâng, đó là một nhận xét chính xác. Giỏi đen trắng tức là giỏi quan sát, là hiểu được âm dương. Tận cùng của màu là đen và trắng.

Xem tác phẩm của thầy Nguyễn Trọng Hợp tôi nhận ra ông đã gắn với đen trắng như một duyên phận. Những tranh đen trắng của ông luôn rưng rưng cảm xúc đầy màu sắc. Những tranh khắc gỗ kiệm màu của thầy tôi cũng nhìn ra sự nhuần nhuyễn về đậm nhạt của đen trắng. Những cảm xúc của thầy trước thiên nhiên luôn ùa trên những nét vẽ, nét khắc sau những quan sát tinh tế được kiểm soát qua trực cảm.

Có một bức phong cảnh mà họa sĩ Đức Hòa, con trai thầy đưa cho xem làm tôi giật mình khi nhìn thầy vẽ tre. Không một lá tỉa như nhiều người từng vẽ tre, chỉ 2, 3 nhát bút dường như ngẫu hứng và vài chuyển động của đậm nhạt mà đã nhận ra ngay bụi tre gai quen thuộc của đồng quê. Cảm xúc rất dày trên mấy mảng nét thoáng. Tôi nhận ra: không phải hình mà là thầy đã tóm được “cái thần” của tre. Tôi nói lên suy ngẫm ấy thì Đức Hòa cười: Bố em đã từng dạy sinh viên hình họa cây tre. Hẳn nào mà thần bút như vậy.

Một lần tôi nghe lỏm giáo sư Phạm Công Thành, giảng viên của trường nói với sinh viên chính khóa rằng vẽ cây thì các cậu phải nhớ quan sát chẽ cành. Vẽ đúng thì người ta nhận ra loại cây nào. Đó là tổng kết rất khoa học sau khi đã quan sát kỹ lưỡng. Nhưng từ cái quan sát bên ngoài ấy để nhận ra cái thần của loại cây thì thầy Hợp đã thể hiện tài tình. Vậy mà nhiều lần đàm đạo cùng thầy tôi chẳng thấy ông nói về thuật vẽ cây bao giờ.

Trong sáng tác, thầy Hợp gắn với khắc gỗ nhiều hơn cả. Nhưng khắc gỗ của thầy luôn thấy lấp lánh chuyển động sắc thái hội họa. Tranh khắc của thầy chỗ mờ chỗ tỏ, không giống như đồ họa thông thường là phải in cho lên hết. Là một người làm tranh khắc gỗ tôi nhận ra ngay thầy đã in tranh bằng tay với kỹ thuật in ướt. Tôi có thể mường tượng ra bức tranh đẫm nước khi bóc khỏi bản khắc như thế nào. Đó là thứ không có trong giáo án. Những tranh như thế nó nhân rộng cảm xúc ra với người xem. Nói cho cùng thì cảm xúc trên tranh với thầy luôn là yếu tố hàng đầu.

3. 10 năm sau ngày mất, thầy mới có triển lãm đầu tiên do con trai thầy, họa sĩ Đức Hòa và gia đình đứng ra tổ chức. Chắc rằng số tranh thầy vẽ đã mai một không ít do lao đao về đời sống của những năm 80 thế kỷ trước đã phải bán đi một phần.

Nhớ thầy, lại nhớ câu chuyện tôi nghe được. Ấy là trong triển lãm toàn quốc 1960, bức tranh sơn khắc Dân công phục vụ chiến dịch Cao – Lạng đã không trở lại tay tác giả. Hỏi ra thì Ban tổ chức trả lời hết sức vô tư: Tranh đã được lấy làm quà tặng cho Algeria, thế là xong! hu hu! 4/11/2010

  1 comment for “Những gì còn nhớ (35)

Comments are closed.