Bâng quơ

ĐỖ ĐỨC

Thày dạy địa lý, nhưng lại hay để ý đến chữ viết. Thày bảo đời một con người có rất nhiều việc dùng đến chữ nghĩa, nên các trò phải chịu khó luyện viết chữ cho tử tế. Có lúc thày đưa ra suy nghĩ rất ngộ: Hãy nối tất cả các nét chữ viết trong đời của một người, sẽ có được một đường thẳng dài bao nhiêu ki lô mét. Cái đó sẽ nói lên rất nhiều điều về con người ấy. Chúng tôi hỏi thày đó là điều gì, thì thày bảo hãy tự tìm lấy câu trả lời. Có lần thày bảo tiếng nói cũng vậy, nếu nối âm thanh giọng nói cùng thời gian cả đời của một người lại thì nghề thày giáo sẽ cho chỉ số vô địch. Những chuyện thày nói bâng quơ chẳng gắn gì với việc học, nhưng nó lại làm cho buổi học đỡ nhạt nhẽo. Giờ địa lý bao giờ cũng hấp dẫn với chúng tôi. Còn thày thì bảo là nói vui, cho các trò đỡ buồn ngủ. Ừ, chuyện đó có vẻ bâng quơ thật, nhưng chúng tôi lại rất nhớ. Nó như muốn nhắc một điều gì rất cần trong cuộc sống mà chúng tôi chưa nghĩ ra được.
Rồi cũng nghĩ ra. Những điều thày nói hóa ra chẳng có gì là vu vơ, cho dù nó không có ở sách giáo khoa. Cũng không phải để chống buồn ngủ như thày từng bảo thế. Đó là lời nhắc sơ khai cho mỗi trò phải biết quan sát cuộc sống xung quanh, từ môi trường đến con người. Cần phải biết nghĩ về những việc mình làm, và phải biết nghĩ về những gì mình thấy. Các hành vi của con người có lúc xuất phát từ ý thức, nhưng cũng có khi là vô thức, không nhất thiết lúc nào cũng buộc phải có ý nghĩa. Nhưng việc nghĩ về nó lại là việc nên làm, vì từ đó sẽ nhìn ra rất nhiều điều, cả cái tốt, cái xấu. Để từ đó, con người sẽ tự điều chỉnh cuộc sống của mình.
Ai ngờ cái bao quát lại nằm trong cái tưởng như bâng quơ.
Ai ngờ điều lớn lao ấy chúng tôi được truyền dạy từ thày giáo dạy địa lý.

16/10/2007