Chuyện ở Vần Chải

( Bài độc quyền cho báo, xin mọi người đừng chia sẻ, chỉ đọc tại đây. Cảm ơn)
Doduc
1 – Vần Chải là bản Mây, bản trong mây.
Vượt hết con đèo dài đến gần nghìn mét từ Yên Minh với ba cua tay áo, mỗi cua đều dốc ngược lên như bắc thang trèo tường, thì một thung lũng xanh hiện ra. Đó là Sủng Thài, xã của ngõ của huyện Đồng Văn.
Đi tiếp vài cây số đường theo hướng dây diều là tiến dần về Vần Chải…
Vần Chải là một xã giống như trên hai trăm xã của Đồng Văn, khách thăm thường xuyên là mây núi và sương mù. Vậy đó…
Lên Vần Chải là lên trời.

2 – Nếu bạn nào hiểu tiếng kĩ khèn Mông một chút, nhất là nhịp điệu , bạn sẽ nhận ra ngay một điều là: tiếng khèn đó chính là cái gập ghềnh của con đường trên một vùng đất nhấp nhô đèo cao núi dựng, chẳng theo một quy luật nào. Đang hiền hòa dịu dàng, bỗng đột ngột cất lên cao vút rồi bất chợt ngừng bặt như gió vấp bức tường, như vó ngựa chợt dừng trước vực thẳm. Nghỉ ngơi chút, tiếng khèn lại xanh ngát cất lên nhấp nhô sóng lượn nhấp nhô rồi xộ lên như gió ngàn xào xạc rồi từ từ mất hút vào núi, tan biến trong sương mù…
Đường lên Vần Chải giống hệt tiếng khèn đó. Đường vào xã và xuyên về các bản giống hệt giai điệu tiếng khèn Mông.

3 – Nhóm từ thiện “ Chung tay vì trẻ em vùng cao” ở Hà Nội đã chọn vùng đất cao chót vót để đặt trái tim tình thương của mình. Đó là một lớp học hai gian cho hai chục em mẫu giáo và hai chục em lớp một. Lớp học nằm ngay đầu bản nhỏ có dăm bảy hộ dân mang tên tên Xảo Há. Cô Trung Kiên, phó chủ tịch Huyện Đồng Văn giải thích với tôi, xảo há còn nghĩa là thung lũng trên cao. Đúng thật, một thung lũng khiêm tốn giấu mình sau rừng đại ngàn và lẩn vào mây trắng. Hôm 25/7 lên Xảo Há, trời thương dù không cho nắng nhưng cũng cất mây mù đi để chúng tôi có thể nhìn rõ con đường, rõ những mái nhà trong bản.
Đây là đường dân sinh mới mở, chỉ đủ cho chiếc xe máy đi. Đường lổn nhổn đá và mấp mô cao thấp cùng hang hốc được tạo ra sau những cơn mưa núi. Nhìn con đường tôi nhớ ngay đến địa bàn cho những cuộc thi mô tô địa hình. Người đi xe hai tay căng cứng giữ ghi đông. Hai chân luôn phải rà xuống mặt đường lúc bên phải, khi bên trái để giữ thăng bằng. Đi một đã khó, nữa là còn kèm một đằng sau! Bảy chiếc honda cũ mèm khọt khẹt đón đoàn từ thiện, bảy lái xe tay khuỳnh sừng trâu, bảy người ngồi sau tay ghì xuống yên xe trong tư thế đề phòng bất ngờ có thể đổ xe bất kì lúc nào…Đường nghiêng vênh, ghếch lên phía trước như bắc thang lên giời và dài như dây diều đang rải…
Đúng như ngạn ngữ người Tày có nói: “Có đi thì đến”. Sau nửa giờ sấp ngửa trên đường lên trời, chúng tôi cũng đến được ngôi trường vừa lắp ghép xong…
Giữa khu rừng già hoang vu bỗng hiện ra một ốc đảo ấm áp, một bản nhỏ yên tĩnh có những con đường nối giữa các nhà đầy rêu phong và một lớp học mới sáng choang với vật liệu hiện đại và kĩ thuật xây dựng tiên tiến. Một miếng ghép không ăn nhập gì với bản Mèo, nhưng nó lại là con dấu triện văn minh bất ngờ được đóng lên giữa rừng xanh hứa hẹn bao điều tốt đẹp cho lứa trẻ tương lai của nơi này. Nơi khai tâm con chữ cho các cháu dưới mái trường làm bằng tình thương của chính đồng bào mình.

3 – Nhóm từ thiện “ Chung tay vì trẻ em vùng cao” có nhõn 3 người. Tôi nghĩ ngay đến cái kiềng ba chân vững chãi. Ba người nó có cái thế vững chắc của cái kiềng ba chân!.
Đó là một nhà báo nhóm trưởng, cô tay hòm chìa khóa sổ sách tiền nong, người bên ngành ngân hàng đầy kinh nghiệm , và người thứ ba là một chàng trai cứng cỏi nhanh nhẹn lo kĩ thuật làm lớp học.
Lần thứ hai này số người tham gia dự án làm từ thiện cũng khá nhiều. gần bốn chục. Người góp ít cũng năm trăm nghìn, rồi ba triệu, năm triệu đến mười triêu.
Nhưng, có một đóng góp rất đặc biệt của tập thể cán bộ giáo viên trường tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy Hà Nội, Hiệu trưởng là cô giáo Lê thị Thanh Thủy. Chỉ với hai ngày vận động, khối tập thể nghĩa tình đó đã thu về trên 48 triệu .
Ngôi lớp hai gian, mỗi gian 30 mét vuông khung thép, là loại nhà lắp ghép, mái vách cửa sổ đều vật liệu hiện đại, chân cột bắt vít xuống nền bê tông, xong xuôi, suôn sẻ có giá thành trên 130 triệu.
Đến đây mới hiểu sâu sắc câu nói dân gian thế nào là “ của một đồng/ công một nén”. Vốn là dân đi núi lâu năm, tôi hiểu ngay vật liệu chuyển vào đây không hề rẻ với đường xá thế này. Chắc chắn tiền công đã chiếm đến một phần ba công trình. Ngôi nhà, mái trường nào ở vùng cao thì cũng là của một đồng, công một nén thế cả!
Nhưng, …sự giản lược tối đa về số người của nhóm từ thiện đã phát huy hiệu quả cao . Đó chinh là sự phân công khoa học, công việc rạch ròi, hợp tác chặt chẽ với địa phương theo dõi, giám sát, đưa tốc độ công việc lên hiệu quả cao nhất.
Khởi đầu ngày 23/3 vận động tiền cho quỹ, 25/7 khánh thành 2 lớp học, giao nhà cho địa phương. Tất cả có bốn tháng trời, bộ ba này đã làm nên kì tích về xây dựng! Có lẽ chẳng có công trình nào làm nhanh được như thế!

4 – Trước mặt lớp học mới xây cách chừng 100 mét, có một ngôi nhà khá đẹp. Hỏi ra mới biết đó là nhà của Vàng Sìa Sì, cháu đầu lĩnh phỉ Vàng Vạn Ly năm xưa, một thủ lĩnh quan trọng của nhóm nổi lên chống chính quyền khoảng năm 1956- 1957. Sau cuộc nổi loạn thất bại, Vàng Vạn Ly cùng mấy người con trai trốn vào hang núi, mấy tháng trời không chịu ra. Xã đội trưởng Sùng Dúng Lù nhận với chính quyền việc khó, tay không vào hang gọi Vàng Vạn Ly ra đầu thú với điều kiện về bản làm ăn lương thiện, nhà nước không bắt tội. Vàng Vạn Ly buông súng trở về. Và từ đấy Sùng Dúng Lù là người bạn gần gũi nhất của ông. Có một số cố chấp nhìn việc đó với con mắt không thân thiện, nói ông Lù không có lập trường. Nhưng Sùng Dúng Lù ngó lơ bảo, tôi coi ông ấy là bạn từ khi buông súng về với chính quyền. Cuộc hòa giải tiếp theo mới thật là ngoạn mục: Hai nhà Sùng Dúng Lù – Vàng Vạn Ly trở thành thông gia, xóa đi hoàn toàn sự cách biệt có tính giai cấp giữa một xã đội trưởng của nhà nước cộng sản và một đầu lĩnh phỉ. Có lẽ đó là cuộc hòa giải có giá trị nhân văn cao nhất trong lịch sử nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, có tính mẫu mực và đúng đắn nhất. Họ đã đi trước cả dân tộc hàng thế kỉ trong cách hóa giải những mâu thuẫn chính trị đặt ra như thứ rào chắn phân chia con người với nhau bằng những định kiến giai cấp mơ hồ khó rũ bỏ.
Tôi thì đánh giá cuộc hòa giải đó là đỉnh cao nhân văn, mang tầm nhân loại.
Hôm nay người cháu Vàng Vạn Ly là Vàng Sìa Xì làm trưởng bản ở Xảo Há. Cháu của Sùng Dúng Lù là Sùng Mí Phứ, con của người con thứ hai Sùng Dúng Lù làm bí thư chi bộ thôn. Họ cùng chung tay với mọi người vun đắp ngôi trường với nhóm từ thiện. Trên đường Sùng Mí Phứ lái xe máy chở tôi từ Xảo Há về Uỷ ban nhân dân xã Vần Chải tôi hỏi chuyện mới biết con trai cả của Sùng Dúng Lù lấy con gái Vàng Vạn Ly. Hai ông bà nay tuổi đã cao, vẫn còn ở Vần Chải. Cậu Phứ bảo: chuyện ông cháu giờ bác muốn biết thì lúc nào xuống nhà chơi hỏi bác cháu ấy. Bác cháu còn nhớ cả.

5 – chuyến lên Vần Chải lần đầu tiên lần này đi với thời gian quá ngắn nhưng cho tôi ấn tượng rất vui vì thêm những thông tin về Sùng Dúng Lù và Vàng Vạn Ly cùng con cháu họ. Cũng là cái duyên kỳ ngộ. Năm 1966 anh Hoàng Quốc Cứu người Đồng Văn về Thái Nguyên học với tôi cùng dưới mái trường Văn hóa nghệ thuât Việt Bắc, cho tôi xem bức tranh vẽ trúc Vần Chải. Cái tên đất ấy găm vào đầu tôi như một ám ảnh, vì nó là quê hương Sùng Dúng Lù, người xã đội trưởng gan góc, người được phong Anh hùng vì lập chiến công, tay không gọi đầu lĩnh phỉ ra đầu thú. Rồi khi làm việc ở nhà xuất bản dân tộc đã làm truyện tranh về ông. Theo đề nghị của tôi, giám đốc nhà xuất bản đã cho gom 3 triệu tiền lãi từ bán sách vào sổ tiết kiệm đem lên tặng ông vào tết1996. Lần đó tôi mắc bận không lên được thì năm 1999 ông qua đời vì tuổi già sức yếu. Nên chưa một lần gặp ông để đặt cái bắt tay, gửi một lời chào .
Rồi năm 2013 bất ngờ tôi được hỗ trợ của báo Thể thao Văn hóa đem tranh lên bày ở chợ Đồng văn, bán tranh làm từ thiện tặng cho 2 hộ nghèo ở đây, mỗi hộ một căn nhà giá bốn chục triệu. Rồi sau đó tình cờ tôi lại làm môi giới cho Nhóm từ thiện“ Chung tay vì trẻ em vùng cao” với Huyện. Trời đất run rủi thế nào mà cuối cùng hai dự án từ thiện đều được giới thiệu về Vần Chải và tôi có may mắn được đặt chân về mảnh đất có con người mà tôi hằng kính trọng là Sùng Dúng Lù. Ông thật linh thiêng hay là cái duyên nghiệp giữa tôi và ông có tự bao giờ , mà hôm nay có sự gặp gỡ này.
Xin cảm ơn trời đất!

Chào Vần Chải trở về xuôi, ngồi trên ô tô mà có cảm giác như đang hạ cánh từ máy bay. Đúng là Vần Chải ở độ cao nghìn mét, độ cao của trời xanh! Cái tên Bản Mây xuất phát từ địa thế của chiều cao ấy không thể gọi khác.
Tôi ngoái lại một lần nữa… trong đầu hiện lên những gương mặt mà tôi chưa thuộc hết tên, những cán bộ xã, những thày cô giáo trẻ trung hồn nhiên, những người mẹ đưa con đến dự buổi khánh thành lớp học chưa nói được tiếng kinh, hai tay vẫn bận rộn tước lanh se sợi. Thời này hầu như không còn ai có tấm váy lanh, nhưng họ vẫn se lanh. Phải chăng họ đang se những sợi lanh may áo váy cất đi để dành cho ngày về với tổ tiên. Với người Mông, áo váy lanh đã thành tín hiệu văn hóa. Chết đi mà không có váy áo lanh mặc, người Mông sẽ lạc mất tổ tiên. Đó là sắc thái văn hóa đã trầm tích vào tâm thức. Gặp một người Mông hôm nay phần nhiều người ta mặc áo quần “ phổ thông” nhưng ngôn ngữ thì vẫn là tiếng Mông, ứng xử và quan niệm sống vẫn là họ… Vẫn là Vần Chải trong mây. 28/7/2015

Post navigation