Người bạn gốc Ấn

Nhớ Nguyễn Dậu

Mang quốc tịch Việt Nam, một cái tên Việt Nam, họ Nguyễn, cũng một cái họ Việt Nam nhưng anh lại là người gốc Ấn cả trăm phần trăm. Không hiểu lưu lạc thế nào mà anh lại có mặt ở đất này. Tôi còn nhớ mãi những chiều buồn nơi sơ tán Khe Mo (*)năm xưa. Những chiều buồn ấy anh hay ôm cây ghi ta ra ven đồi, dựa lưng vào gốc mạy sau, thảng hoặc búng nhẹ dây đàn. Những hợp âm líu ríu được thả vào không gian tan dần vào thinh không, nhòa dần vào buổi chiều muộn đang tàn rơi. Tôi ngồi cạnh anh cùng lắng theo tiếng đàn phiêu lãng…Đến khi cả bầu trời chuyển thẫm một màu gio xám, chúng tôi mới trở về căn nhà ở cuối đồi.Những chiều thứ bảy nơi sơ tán ở một trường nghệ thuật với các thầy trò thường vẫn buồn vắng như thế. Nhưng với anh, thì còn buồn hơn bởi là người khác chủng tộc. Với làn da sạm đen, sống mũi cao, vóc dáng lòng khòng khiến anh rất khó hòa nhập. Nên tuổi trẻ đã qua từ lâu mà anh chưa một lần có được mối tình đầu.
Căn nhà sơ tán tự làm của thày trò nhà trường nắm rải rác ven đồi, sát chân rừng, chỉ rộng bảy tám mét vuông. Anh cũng có một căn như thế. Ở chẳng bao lâu đã có một một sinh vật tự nguyện đến làm bạn : một con cóc cụ. Cũng chẳng vui gì hơn, nó chỉ mở mồm kẹc kẹc đánh tiếng vào ngày sắp có mưa. Nhìn nó, anh thấy nó giống mình, cũng luôn luôn sống trong im lặng. Anh thở dài, một thoáng buồn, lại với cây đàn trên vách búng lên một vài hợp âm để xua đi cái tĩnh lặng…
Rồi sau đó thêm con chuột rừng lanh lợi. Buổi đầu nó thận trọng bò theo mép vách, dò dẫm, rung rung bộ ria đánh hơi tìm thức ăn rơi vãi. Nó bối rối khi phát hiện ra mẩu bánh bao, khoái chí chụm hai cân trước ôm lấy miếng bánh, cái miệng nhỏ xíu rối rít gặm ừng vụn bánh. Tất cả không thoát khỏi sự khỏi sự quan sát của anh. Định dậm chân đuổi nó, nhưng rồi anh lại thôi.
Thế rồi, ngày lại ngày, nó cứ lén lút mò vào lúc xâm xẩm tối, chui qua chân khe liếp. Nó lặng lẽ tìm nhặt thức ăn rơi vãi, lặng lẽ ăn và rồi lặng lẽ…chuồn ra rừng. Vào đường nào nó ra đường ấy. Những vết chân nhỏ lấm tấm như những hạt vừng ken dày đặclàm thành lõng nhỏ trên mặt đất. Không biết từ hôm nào đó anh đã tiếp nhận nó làm bạn. Những bữa cơm chiều anh đều nhặt thức ăn từ nhà ăn về dành cho nó. Khi thì mẩu cơm cháy, lúc tí bánh bột mì luộc. Trong khoảng tối bập bùng của ánh đèn hoa kì vặn nhỏ, anh ngồi bó gối quan sát nó đánh chén khẩu phần một cách mãn nguyện. Sau đó nó lại còn ngó ngiêng và lặng lẽ đưa chân trước lên chùi mép. Anh tự dưng bật cười, chỉ còn thiếu chiếc mùi xoa!
Có hôm anh thử không đem gì về, nó cứ ngẩn ngơ bò quanh và còn hểnh mắt nhìn lên anh trách móc. Hình như sau đó cảm thấy không còn hi vọng gì, nó buồn bã lặng lẽ theo lõng rút lui ra bìa rừng .
Suốt thời gian dài sơ tán,anh đã sống thân thiện như thế với hai sinh linh nhỏ bé cho đến ngày chấm dứt chiến tranh, cả trường quay về thành phố.Chiến tranh lùi xa và cuối cùng cũng có một phụ nữ đến với anh. Chị đến vì tiếng ghita day dứt vào của anh đã làm run rẩy trái tim chị. Họ đã kịp có với nhau một đứa con.Tôi chưa kịp hỏi chuyện thì anh đã chìm vào dòng tâm sự “ Chúng tôi chia tay nhau khi con được dăm sáu tuổi. Hòa bình rồi, miếng ăn còn tệ hơn thời chiến. Tiếng đàn dù hay mấy thì cũng không lấp đầy được cái dạ dày trống rỗng, nên cuối cùng cũng không thể giữ cho cái gia đình mình toàn vẹn. Bà ấy đem con về Hà Nội, và lâu nay cũng chẳng tin tức gì”.Anh khẽ nhếch môi, cười lặn : “ Cậu thấy đấy, tôi nghèo quá, chỉ dư thừa nỗi buồn, mà đó lại là thứ không ăn được”. Phải buông theo số phận thôi, anh bảo đến con chuột, con cóc còn chẳng ở với nó được mãi nữa là.
… Anh đưa tay lên vách với lấy cây ghita. Những ngón tay run rẩy lướt nhẹ trên phím đàn. Tôi yên lặng lắng nghe, tiếng đàn xanh tím lại cả một quá khứ chiến tranh xao xác trong không gian. Hướng mắt mờ đục của anh mơ màng, lặng lẽ dừng lại ở mảnh vườn trước nhà. Những cánh hoa bươm bướm, hoa hồng, hoa dơn, hoa cúc mọc đan xen nhau xao động trong gió. Những sắc màu rực rỡ như bảng màu đầy ấn tượng của các họa sĩ trường phái dã thú những năm đầu thế kỉ lại như bốc lửa cháy lên trong lòng anh, bập bùng theo tiếng đàn da diết
Tôi hiểu, anh vẫn nhớ nơi sơ tán năm xưa, một căn nhà nhỏ ven rừng, một con cóc, một con chuột. Những sinh vật nhỏ bé vậy mà nó chí tình hơn những gì anh đang có.

2002-2008

  1 comment for “Người bạn gốc Ấn

Comments are closed.