Những ngôi sao thầm lặng

doduc

Mẹ tôi kể:
-Hồi mẹ còn bé, trước ngõ Rạnh trong làng có ông lão mù bán rượu, ông rót rượu đến là tài. Rượu đong cho khách ông ao vào cái cút nhỏ, vừa rót vừa nghe ngóng, rồi ghé miệng thôi phù đọc ra ngay lượng rượu và qui ra tiền.
Có lần người qua đường nghe kháo ông tài, bèn thách nếu rót rươu được qua lỗ đồng xu đặt ở miệng chai thì ông được đồng bạc hoa xòe, còn thua sẽ mất cút rượu. Ông nhận lời và cuối cùng thắng cuộc.
Em tôi kể:
– Anh ơi, lái Hồng chết rồi.
– Lái Hồng là ai, anh không biết.
– Lái Hồng buôn trâu thịt nổi tiếng cả huyện mấy chục năm nay ở đất Đại Từ mà anh không biết à.
Lái Hồng mù từ lúc còn bé do bị đậu mùa chạy hậu. Lớn lên ông theo nghề buôn trâu thịt. Trâu mua về rồi thuê người thịt bán.
Mỗi lần xem trâu, ông sờ mõm vuốt sừng rồi rê tay qua cổ, vuốt qua sống lưng xoa tay qua bụng trâu …Cuối cùng vỗ đét mông trâu, phán: “Con này tạ rưỡi thịt”, “con này một tạ”. Chủ trâu nào cũng phải chịu là ông ước lượng rất chuẩn.
Nhưng phải đến khi kiểm tra thợ sơn tường mới thấy ông biệt tài. Đôi tay như có mắt, ông chỉ sờ thôi mà biết chỗ nào sơn một lần, chỗ nào hai lần, chủ thầu không thể làm dối được. Rủi thay lần kiểm tra cuối, ông trượt tay khỏi lan can rơi xuống đất từ tầng bốn và tử nạn.
Bạn tôi kể;
-Anh ấy bị thương ở chiến trường hỏng đôi mắt. Xuất ngũ về quê không chịu ngồi yên, xoay xở mở xưởng mộc. Đi mua gỗ anh ghé mũi ngửi để nhận biết, thế mà chẳng nhầm bao giờ. Từ đinh lim sến táu trong tứ thiết mộc đến de dổi kháo sồi trong nhóm bốn, anh chỉ ngửi mà nhận ra ngay. Nhận thầu khâu mộc trong các công trình anh tự đem dây đi đo khuôn cửa về cho thợ làm theo. Vậy mà làm xong, cửa lắp khít khịt, chẳng khi nào phải sửa. Anh là ông chủ mù mà có tiền tỉ trong tay.
Chuyện của tôi:
Hồi còn ở Thái Nguyên tôi biết ông Hùng mũi đỏ đánh máy. Ấy là thời ngọai ngữ ít người biết, nhưng ông lại giỏi cả Anh – Pháp. Ông sống bằng đánh máy thuê. Lúc đánh máy, mắt nhìn văn bản, tay gõ phím, miệng vẫn nói chuyện với xung quanh vậy mà chẳng khi nào nhầm lẫn. Trong lúc lương đại học tháng chỉ có sáu mươi tư đồng thì vài ba tháng ông vẫn kiếm dăm dăm bảy trăm đồng tiền đánh máy thuê…
Một ông nữa chẳng ai biết tên kể cả tôi, nhưng cái biệt danh “Xích khóa” thì cả thị xã biết. Khi người ta uống cà phê phin thì ông dùng ống bơ hàn thiếc chế ra cái ấm đun, cho hơi nước phun qua cà phê chảy ra ly. Nó giống như qui trình cái bình đun pha cà phê của Ý bây giờ.
Ông chuyên trang trí thuê cho các hội nghị tổng kết và đặc biệt là kẻ băng rôn. Thời ấy cũng như bây giờ, băng rôn căng đầy đường. Cứ có hội họp hay tổng kết là việc đầu tiên người ta nghĩ đến băng rôn khẩu hiệu, nên việc rất nhiều. Nhận khẩu hiệu, ông đếm từng chữ cái rồi nhẩm tính sẽ kẻ một hay hai dòng. Sau đấy tấm băng rôn dài cả chục mét được ông gập gọn thành nhiều khổ đặt lên bàn. Ông ước lượng chừa đầu băng rồi bắt đầu kẻ, cứ hết khổ là gấp lại kẻ tiếp. Vậy mà kẻ xong giở ra, hai đầu băng rôn bớt lại luôn bằng nhau chằn chặn. Những năm bao cấp ấy khó khăn nhưng Xích khóa luôn dư dả tiền tiêu.
Những con người tôi gặp trên đường đời đó, có người khuyết tật, có người bình thường làm những việc thông thường nhưng đều vươn tới đỉnh cao nghệ thuật của công việc. Họ đã làm nên danh giá cho bản thân mình và nuôi nổi cả gia đình . Đôi khi nghĩ về họ tôi cũng chợt thấy hổ thẹn. Mình tinh mắt, đủ hai chân tay mà làm việc còn kém cỏi. Họ mới thật là những ngôi sao!.15/1/2011

  1 comment for “Những ngôi sao thầm lặng

Comments are closed.