Tô Linh Đô (2)

doduc
Lại nói cái đận mới về Nhà xuất bản được trưởng phòng hướng dẫn công việc biên tập, anh ta đăm chiêu một tuần hai tuần rồi bỗng phát hiện ra nghề biên tập cũng giống nghề thợ hoạn học ở trường Nông nghiệp.Thế là anh vào cuộc không chút bối rối.
Giao bản thảo cho anh đọc thì anh đọc lướt như người đọc truyện. Nhàn hạ thật. Sau đó là công đoạn cắt xẻo y như thợ thiến. Làm việc đó anh cũng không cần cân nhắc nhiều. Cứ đoạn nào không hiểu là anh thò bút thiến tuốt. Trưởng phòng tá hỏa khi thấy có bản thảo anh cắt đến một phần ba, cả những phần quan trọng. Khi trưởng phòng cật vấn, anh hồn nhiên: chỗ nào không hiểu là tôi cắt. Biên tập mà không hiểu thì người đọc sao hiểu được? anh lí sự thế.
Kể ra cái lí của anh là rất cứng.
Thế là ngồi lại. Lại một phen trưởng phòng phải mời anh lên trao đổi nghiệp vụ, tìm cách giải thích để xử lí cái góc tối tăm trong kiến thức của anh. Lần này kỹ càng hơn nhưng xem ra cũng chẳng thấm tháp được là bao. Anh giống như cái vỏ bao xi măng không ngậm nước, có phun có ngâm cũng chỉ âm ẩm tí chút.
Tiếp đó còn chuyện khâu vá, hàn khẩu những đoạn cắt sao cho liền mạch thông suốt không làm mất ý của tác giả mà văn lại sáng ra. Trưởng phòng lấy hình tượng thế để anh dễ hiểu. Nhưng anh lại kêu trời: Thế biên tập lại giống thợ may à, lại cũng giống thợ hàn nữa. Anh ngẫm phải có đến ba nghề may ra mới hầu chuyện được tác giả mà nay anh mới có một. Gay quá. Rồi anh lại phát hiện thêm: biên tập còn có phần giống việc nặn bánh trôi bánh rán.
Khổ nhất cho anh là công đoạn làm việc với tác giả. Một bên anh có quyền nhưng lại chưa đủ năng lực để thực thi quyền nên không thuyết phục nổi họ. Còn tác giả thì luôn khó chịu với việc bản thảo bị anh cư xử như con vật, cứ đè ra thiến bừa. Có lúc trao đổi cả tháng hai bên không hiểu nhau, chẳng đưa lại kết quả gì. Có cộng tác viên làm găng, đòi rút bản thảo. Trưởng phòng vò đầu chẳng biết làm sao. Còn anh lại đe lên gặp giám đốc xin quay lại nghề cũ cho nhẹ gánh mặc dù có hơi nguy hiểm.
Nhưng thời bao cấp, việc thuyên chuyển cán bộ nghiệp vụ từ Bộ nọ sang Bộ kia là hơi khó. Khi đã sang ngạch xuất bản thì anh là dân của Bộ văn hóa rồi, Bộ nông nghiệp ai còn coi anh có nghề thú y nữa. Giám đốc đành thuyết phục trưởng phòng cố công giúp đào tạo, coi như bắt đầu từ A!
Giám đốc bảo: chuyện này cũng không mới lạ. Làm lãnh đạo là khó nhất mà thuyên chuyển từ lãnh đạo văn hóa sang y tế, giao thông, công nghiệp sang lâm nghiệp, nông nghiệp rồi lại trở về văn hóa như đèn cù mà người ta vẫn làm thường xuyên, có sao đâu. Thế rồi giám đốc quyết định tiếp tục đào tạo.
Cực chẳng đã, trưởng phòng đành phân cho anh làm sách nông nghiệp, ưu tiên phần sách thú y để anh có việc. Cũng vì cái nghề thợ hoạn của anh mà mỗi năm tăng được một hai đầu.
Từ đấy anh mới ổn định làm biên tập. Anh vẫn hồn nhiên ví việc của mình giống như nghề hoạn khiến đồng ngũ khó chịu. Khó chịu cũng kệ! Anh vẫn cười khơ khơ. Trưởng phòng lắc đầu: không phải giấy xi măng nữa, anh ta chính là loại túi polime trơ với thời gian.
Giám đốc chẳng bao giờ biết điều đó. Và tiếng cười khơ khơ của anh thợ thiến cứ ròn mãi cho tới ngày về hưu!21/3/2009