Người phố Chó

ĐỖ ĐỨC
Cái phố ấy ở tỉnh T. Nơi ấy không phải núi cũng không phải đồng bằng.
Nó nguyên đâu có là phố. Khi xưa chỉ có con đường hẻm đi vào cái xóm nhỏ ở gần giữa thị xã. Sau bảy nhăm, hết bom đạn mấy anh đầu cợn quen ăn thịt chó ra cắm mấy cái quán lợp sơ sài lá gồi, bắt chước mọi nơi mở quán bán thịt chó, hàng cũng chẳng chạy lắm nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Đến lúc mở cửa , dân tình thấy làm ăn cũng được, không ai bảo ai, lặng lẽ sán ra quanh đám bán thịt chó, nối dây thành phố. Chính quyền cũng chẳng để ý đến những công dân hạng chuôi vồ ấy nên hình thành con phố rồi mà phố chẳng có tên. Còn dân thì quen nhìn mặt đặt tên gọi luôn phố Chó cho tiện. Có lẽ trên cả nước này, chẳng có con phố nào độc đáo đến thế. Thành phố rộng, bao nhiêu con phố mang tên danh nhân vậy mà hỏi người trong thành phố, nhiều khi họ đều ú ớ chẳng biết nó ở đâu. Nhưng đến tỉnh N này, hỏi phố Chó ai cũng biết liền, kể cả người không biết ăn thịt chó và những người chưa từng đặt chân đến phố Chó. Bây giờ hình như đã có tên phố mới đuổi cái tên Chó đi rồi, có biển đề hẳn hòi nhưng chẳng ai nhớ vẫn quen gọi phố Chó. Cái giá trị ban đầu xưa cũ nhếch nhác người ta vẫn nhớ, vẫn nhớ như tên cái Tĩn thằng Cún , cu Bòi, cô Vẹo…
Lâu lâu về quê tôi đều ghé phố Chó. Tôi ghé vào đấy không phải để mua thịt chó mà là để thăm một bạn đồng liêu. Anh là nhà điêu khắc danh tiếng, được Giải thưởng Nhà Nước ngay từ đợt Một. Anh xây nhà cao đến bốn năm tầng , bóng phủ lên các quán chó liêu xiêu cùng nằm trong dãy. Tưởng thế là nghịch cảnh, nhưng người phố Chó ai cũng yêu quí anh: “Bác ấy là người có tài, hiếm lắm. Bác ấy sống nhũn nhặn như cánh thịt chó chúng em, bạn với nhau cả mà”.
Là người có tài, nhưng đủ lục thập hoa giáp anh vẫn về hưu như lệ thường. Cơ quan cũ vẫn vời anh hợp đồng làm những công việc như khi anh đang làm việc. Anh vẫn được trọng dụng.
Được non chục năm, giữa khi công việc bộn bề thì anh lâm trọng bệnh.
Hôm anh qua đời, hay tin đám bạn bè anh ở xa cả trăm cây số đều về viếng.
Ban tang lễ có dăm cái tên lèo tèo như ông Kèo bà Cột. Tôi thấy lạ, hỏi một ông lão trong ban lễ tang, lại thấy ông nói tiếng Nghệ, mãi mới luận ra, thì là thế này:
– Cơ quan cũ anh công tác, không làm chủ tang lễ vì anh đã hưu. Việc ấy trả cho Phường.
– Về phường, nếu là Đảng viên thì Bí thư chi bộ Phường sẽ đứng làm chủ tang lễ. Nhưng bạn tôi chỉ quen lúi húi với nghề chưa kịp vào Đảng, nên trách nhiệm này không thuộc về chi bộ.
Cuối cùng người phố Chó được đứng ra đảm nhiệm cái vinh dự là cùng gia đình tang chủ làm ma cho anh.
Hôm đưa tiễn anh, một anh hàng thịt chó đi bên tôi gạt nước mắt “ Chúng em thương bác ấy lắm, bác là người có tài mà lại hiền lành tốt tính…”.
8/12/2008