Thày tôi

doduc
Thời phổ thông, năm học cấp 2-3 thày chủ nhiệm lớp tôi người Nghệ: thày Trần Thanh Hải.nhà ở thị trấn cầu Giát. Nếu thày còn thì giờ cũng suýt soát 90. Thày làm chủ nhiệm lớp, dạy môn văn.
Những năm sáu mươi thế kỉ trước, huyện Đại Từ, Thái Nguyên thì cũng không khác Mù Cang Chải là bao. Tuy không đèo cao dốc dựng, nhưng nghèo đói và lạc hậu thì có thể còn hơn Mù Cang Chải bây giờ.
Lúc ấy phổ thông miễn phí. Có một số nhà nghèo quá còn được cấp một phần học bổng. Cả huyện có một trường cấp 2-3 với dăm chục học sinh cho mấy lớp. Cũng vì thế mà thày trò gần nhau như ruột thịt.
Chúng tôi nhớ thầy vì cuối buổi thứ Bảy nào hàng tuần thày sau tiết cuối, thày cho nán lại 2 giờ đọc truyện cho trò nghe. Ngày đấy đài đóm chưa có, nói chi truyền hình. Nên buổi đọc truyện của thày cho chúng tôi mở ra một ô cửa sổ nhìn ra thé giới. Thứ 7 nào cũng về muộn, về nhà đi trong bóng đêm, mà không đứa nào kêu chán, ngồi nghe thày đến lúc đứng lên còn tiếc nuối
Thày cũng rất tâm lý.
Thày toàn chọn truyện phản gián. Nào “Bí mật trường bắn”về nữ điệp viên Ancopxcaia giỏi siêu hạng. Rồi tiểu thuyết “ Hầm bí mật bên bờ dông En bơ” và nhiều cuốn khác nữa.Những câu chuyện trinh thám bao giờ nó cũng gợi lên trong đầu lớp trẻ chúng tôi tò mò và khát vọng hướng theo những điệp viên tài ba, có sức mạnh như một quân đoàn. Nghe và rồi những ước mơ, hoài bão hình thành dần khiến đứa nào cũng gắng học để được tài ba như những nhân vật trong tiểu thuyết. Giờ đọc sách của thày chỉ là ngoại khóa nhưng nó là cái đòn kê cho tương lai. Định hướng ư? Đôi khi cuốn sách bức tranh xem vu vơ , đọc vu vơ mà nó bẻ ghi cho cuộc đời một con người nhưng mấy ai để ý.
Thứ bảy nào khi đám trò bước ra khỏi lớp trời cũng xẩm tối. Thày thường chỉ bỏ dở trang sách khi bóng tối trùm xuống không thể đọc tiếp..
Nếu so với cô trò vùng cao thì thời ấy thày chúng tôi khổ hơn nhiều. Thày ở nhà tập thể vách trát mái lợp rạ. Vùng Đại từ lấy đâu ra lá gồi. Mãi Định Hóa mới có nhưng lúc ấy không có phương tiện chuyên chở. Xe trâu đi lọc cọc chậm như rùa, chưa phải là phương tiện đắc dụng.
Thiếu đói nhưng tấm lòng người thày luôn hướng về các trò. Các thày bỏ hết tâm huyết vào việc day học.
Những năm ấy, cấp 3 chỉ có 9 môn: văn/ sử / địa/ toán / lý / hóa/ hình học/ lượng giác và cuối cùng là ngoại ngữ. Thể dục giờ chính nhưng coi như ngoại khóa. Toán tôi nhớ là đại số chỉ đến đạo hàm, hàm số đò thị bất đẳng thức.
So với bây giờ, lúc ấy lượng thông tin với thế giới chỉ 1% mà lại một chiều.
Vậy mà lứa trò ấy như tôi có kém lắm đâu khi bước vào đời. Mặc dù việc học hành còn thiếu nhiều phương tiện
Bây giờ nhìn con cháu học theo lối con buôn nhồi bánh đúc vào vịt, thấy sợ. Học trò không có giờ nghỉ. Tôi bảo đảm những thày như thày Trần Thanh Hải nói ở trên là không còn nữa mãi không có nữa. Khi giáo dục đã thương mại hóa thì tình thày trò thành chuyện bán mua kiến thức. Ngày ấy mới hơn nửa thế kỉ mà giờ trở nên xa lắc bởi thời nay kim tiền lên ngôi và đồng tiền sai phái mọi thứ. Nó làm hỏng đi bao điều tốt đẹp.
Nhớ thày hay nhớ một thời ngành giáo dục tuy thiếu thốn nhưng nó đúng là giáo dục. Để lứa chúng tôi đem sự nhân ái đi khắp mọi miền.10/8/2015
( bài in trên THỂ THAO VĂN HÓA hôm nay, 15/8/2015)