Câu chuyện mùa thu

doduc
1 – Xem tranh giải thưởng Hội Mĩ thuật năm nay, tôi để ý đến nhóm tượng “ hiệu ứng cúi”. Nhóm 8 người, hai ngồi, 6 đứng mỗi người một hướng, không có nhân vật nào có liên hệ tình cảm với nhau, tất cả là một đám đông chen lấn mà rời rạc. Họ đang cắm cúi ngửa tay bấm đốt tính toán. Có người xòe cả hai tay. Người ta tính toán gì nhỉ? Bàn tay xòe ra, ngửa lên hơi khum lại tự nhiên, nhìn thấy cứ như mỗi người đang cố đong thêm vào đó chút tia hy vọng tốt lành cho cuộc đời mình.
Cụm tượng để lại bao nhiêu suy nghĩ , day dứt cho người xem. Càng nhìn càng thấy lắm vấn đề và sẽ không bao giờ dứt lời bàn và những phát hiện mới về nó.
Tôi ngờ rằng tinh thần nhóm tượng sống với con người sẽ còn dài lắm…nó sẽ song hành cùng nhân loại đến cuối chân trời!
Đó là cụm tượng tuyệt hay của giải năm nay!

2 – Bạn tôi, nhà thơ Trần Quốc Toàn ngắm bức ảnh chụp lại nhóm tượng, bỗng anh buông một câu: “Trần Dần đã tiên đóan từ trước “Tôi khóc những chân trời không có người bay…”. Cứ cúi thế này, cả nhân loại có nguy cơ đánh mất mất bàu trời.”
Một phát hiện thật thú vị, một hình tượng mà chỉ nhà thơ nói ra được. Cúi đầu mãi sẽ có nguy cơ mất bầu trời. Phát hiện bình dị mà sâu sắc quá.
Thực ra trên đời này có nhiều chuyện phải cúi đầu.
Cúi đầu thứ nhất là tội phạm phải cúi đầu vì họ đã tự đánh mất bầu trời tự do của chính mình. Sẽ mất bàu trời một thời gian dài, có khi là vĩnh viễn.
Cúi đầu thứ hai, là cúi đầu biết lỗi. Dù là cái cúi đầu không đáng ghét nhưng kẻ cúi đầu cũng vẫn mất đi một chút bầu trời dù chỉ chốc lát
Cúi đầu thứ ba là cúi đầu trước vong linh người đã khuất. Đây là cái cúi đầu trước mất mát của đồng loại là việc cần làm vì nó là tình người, là nghĩa cử..
Cúi đầu thứ Tư là cúi đầu của nhịn nhục, của lực, của hèn kém…những cái đầu này có ngẩng đàu lên cũng không thấy bầu trời
Cái cúi đầu thứ Năm…
Cái cú đầu thứ 6…
Và còn nhiều nữa các trạng thái cúi đầu mà vinh ít nhục nhiều.
Vậy cúi đầu chỉ có mất mà không được gì sao?

3 – Không phải bao giờ cúi đầu cũng là mất! Nếu biết cúi đầu có khi lại thấy một bầu trời khác mà ngẩng đầu thì không bao giờ thấy. Nguyễn Khuyến ngày xưa đã từng cúi đầu đẻ thấy “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”
Tuy vậy hình ảnh đó quá dễ thấy, văn nhân nào chả dễ nhận ra ngay
Nhưng…bạn đã từng thấy thu trong đầm sen tàn chưa?
Mùa sen tàn, những thuyền hái hoa hết việc bị bỏ nằm úp sấp bên góc bờ đầm. Nước hồ trong và lặng đến mức bóng từng cọng sen gập trên mặt nước mạch lạc như những nét mực nho phẩy trên giấy bản. Đầm sen không còn gì, còn đâu người lội xuống nước. Con cá trong đầm bơi lội cũng khẽ khàng tránh dính vào cuống lá có những gai sắc làm chúng tróc vẩy. Đầm sen lặng lẽ đựng trong nó cả bầu trời thu trong và lặng đến vô tận.
Nếu không cúi đầu nhìn xuống mặt đầm, bạn sẽ bỏ mất một mùa thu mà bầu trời đầy hương lá và hồn hoa sen còn phảng phất đâu đây.
Bức tranh thiên nhiên bao giờ cũng đẹp và sâu sắc hơn bức tranh con người tạo ra, dù con người có khôn ngoan đến mấy.

Hội chứng cúi đầu của con người là sự âm thầm bấn lọan xốc xáo cuộc sống. Còn biết cúi đầu trước thiên nhiên thì ta nhìn được thêm thế giới ảo thần tiên mà ta không thể thấy khi chỉ biết ngửa mặt nhìn trời cao.18/9/2015