Về quê Nam Cao

Doduc
Đang là cuối xuân, lúa xuân ngoi mạnh sau tiếng sấm và mấy cơn mưa rào dù mới chỉ là mưa sọt xẹt. Đồng ruộng Lý Nhân Hà Nam không thẳng cánh cò bay nhưng khá rộng dài. Tôi đi trong sóng lúa dập dìu mắt đáo theo những đàn én sà sát mặt lúa, bắt những con bọ ngớ nghếch. Xét trên phương diện nào đó thì tôi cũng là một cánh én , cánh én nhỏ nhoi chạy trên đường mùa xuân về nơi Chí Phèo Bá Kiến năm xưa và thăm khu tưởng niệm văn hào Nam Cao chứ không phải chuyến đi vô thường.
Tháng Ba! Thỉnh thoảng lại thấy ven đường hay ở một xóm xa dăm cây gạo đơm hoa đỏ ối . Vâng, hoa gạo từ lâu đã thành ngọn hải đăng của làng quê để người đi xa nhìn về làng cũ. Nỗi nhớ có khi không phải là là ngôi nhà thơ bé, cái ao đình mà là cây gạo đầu xóm, đầu bản hay đầu ngõ dính chặt với tuổi thơ… Cây gạo đã thành quà tặng của đất trời cho khắp các miền quê trong nước từ đồng bằng đến núi cao. Cây gạo trở thành tín hiệu trong văn hóa Việt!
Không hiểu sao nhớ đến Nam Cao là tôi lại liên tưởng ngay đến cây gạo. Cái ấn tượng ấy có từ khi đọc tác phẩm của ông. Truyện ngắn Nam Cao so với nhiều nhà văn khác thì số lượng chữ còn quá khiêm nhường, nhưng với tôi nó là cây gạo đầu ngõ, những bông hoa gạo tháng Ba đỏ khé báo hiệu một mùa hè nắng đổ. Cái không khí mùa hoa gạo nở trong oi nồng bức bối như cuộc đời lão Hạc con vàng, Chí phèo thị Nở cùng Bá Kiến. Rồi nhàn nhạt buồn buồn cuộc sống mòn của giáo Thứ. Mọi câu chuyện quẩn quanh làng Vũ Đại nhưng là câu chuyện của đất nước, và xa hơn là của loài người.
Có lẽ ít ai nhìn Nam Cao theo cách của tôi. Tôi nhận ra những truyện ngắn của ông cứ lập lòe hoa lựu, như đốm lửa đầu que diêm sẵn sàng bùng lên thành đám cháy lớn. Truyện ông giàu nội lực sau con chữ. Nhiều người đánh giá Nam Cao là nhà văn cách mạng. Tôi nhìn thấy ở ông một nhà văn hiện thưc nhưng cái nhìn thì xuyên thấu xã hội thông qua những con người quá quen thuộc ở làng quê mà ít người viết sánh bằng ông! Những con người quen đến nỗi mà người ta cảm thấy không cần tìm hiểu gì thêm nữa, như cái cây trước ngõ, hòn đá vên đường, sỏi cuội dưới chân và cây chuối trong vườn.Thế mà ẩn sau nó bao nhiêu điều huyền bí chỉ có ông nhìn ra.
Hay thật, về quê Nam Cao lại được gặp ngôi nhà Bá Kiến, nhân vật trong truyện ngắn của ông. Một người dân đã nhạy bén mua lại căn nhà cũ của cụ Bá mà tôi nghĩ rằng có nhẽ giá trị nhất là mấy cái rại cửa chắc làm bằng gỗ xoan đã rượp theo thời gian. Vườn ổi cằn cỗi trước nhà cụ Bá mới sắp vào mùa đơm hoa và ngoài ngõ người dân ăn theo cũng quảng cáo cá kho thương hiệu làng Vũ Đại. Bất chợt thấy cảm thương một cụ Bá hét ra lửa mà ở căn nhà mà bây giờ theo đánh giá của tôi, thuộc diện hộ nghèo. Nhà Bá Kiến lúc ấy thế thì không biết nhà của những nông dân thế nào? Có giống túp trú mưa nắng của anh vó bè hay lều canh cá của chủ đầm . Lại nghĩ đến một làng Vũ Đại hôm nay hình như vẫn còn đâu đó và có thể lớn hơn nhiều…Đâu đó tại nhiều nơi có những cụ Bá gia sản giàu có, đẳng cấp hơn gấp vạn lần và âm mưu thủ đoạn cũng vượt xa cụ Bá ngày xưa. Còn anh Chí thời @ thì không chỉ biết cào mặt ăn vạ mà ghê gớm hơn nhiều để đối phó với cụ Bá thời nay.
Anh bạn đi cùng tôi là giảng viên ở học viện hành chính tủm tỉm: hình như anh đang tìm dấu vết lò gạch, nhà hộ sinh của Chí Phèo phải không? Anh ơi, giờ là lò tuy-nen rồi, cũng dễ đùn ra cả loạt anh Chí chứ Chí giờ không đơn côi một Chí như thời cụ bá Kiến.
Sau câu đùa, anh nghiêm mặt tâm sự , Văn hóa và tư tưởng bao giờ nó cũng đi chậm hơn rất nhiều sau cái vỏ ngoài xã hội. Cái chất phong kiến kiểu cụ Bá giờ nó còn nối tiếp ở đỉnh cao hơn trước khi chết hẳn. Bây giờ cần phải có một nền văn hóa lớn hơn mới đè chết được nó chứ nó không tự chết đâu!. Chỉ khi nền dân chủ xã hội thực sự được xác lập nó sẽ được chôn vùi tử tế. Còn nói về dân chủ thì phải là nhận thức của cả xã hội, cả các tầng lớp từ trên cao xuống thấp …mà cái đó thì dài dài, không vội được đâu …
Qủa anh là người sâu sắc. Anh bảo trong cái đầu chải mượt, giày giôn bóng loáng dưới chân và bộ comple đúng mốt thời trang của nhiều quan chức vẫn lấp lánh bóng cái khăn xếp, áo lương và giày Chí long loẹt quẹt đấy. Họ vẫn thích thưa gửi cúi lạy và cũng sẵn sàng bắt kẻ khác quỳ mọp trước mình khi họ muốn ban cho ai đó điều gì. Họ ngắn lưỡi với bề trên, thậm chí câm bặt để tiến thân nhưng với kẻ dưới thì lưỡi họ dài để không ai còn dám mở mồm. Xã hội mình chậm phát triển là những cái vướng của thói quen nô lệ, không phải chỉ đám người bề trên mà còn lổn nhổn nằm đầy trong dân chúng nữa. Khá nặng nề đấy. Họ là lực lượng chủ thể xã hội nhưng chúa hay rên vặt, hay a dua chửi đổng không cần nghĩ, nhưng khi cần vào việc thì lại lảng ra…
Thắp một nén nhang cúi đầu trước anh linh nhà văn, chúng tôi ra về ngay buổi chiều. Lại chạy thi với sóng lúa và những cơn nồm nam đầy hơi nước. Nhận diện ra cuộc sống thì người ta cũng sẽ nhẹ nhõm vui sống mà nhận thức thường nhận ra sau những chuyến hành hương tưởng như chẳng có gì, chỉ là đi xả hơi đổi không khí… 14/4/2016