Quê và phố

Dongngan
Mới hôm nào nồm Nam phe phẩy, hơi nước đặc quánh không gian hắt vào cửa kính như phun như tát. Hơi nước ngấm vào vạn vật, cọ vào chỗ nào cũng ra ghét, mọi thứ sũng ra. Đó là những ngày đầu mùa Xuân! Thế mà hôm nay đã nghe tin cơn gió mùa Đông bắc đầu tiên của năm hai ngàn mười sáu này sắp tràn về vào ngày mai 27 tháng Tám. Mùa thu đến rồi. Trám đen đã đầy chợ. Đầu mùa nghe giá một trăm một kí, nhưng chắc giờ cũng chỉ bảy tám chục một cân thôi. Bảy tám chục cũng đắt lòi. Đắt hơn cả loại thịt ngon rồi Trám ơi.
Đã có một thời trám không phải là hàng hóa dù ai cũng biết ăn được. Cách đây nửa thế kỉ , người ta nhặt trám rụng về ăn dần hoặc ăn không hết thì cho nhau, chưa bao giờ trám thành tiền. Thế mà giờ đây đến ngọn rau khoai lang chăn lợn cũng thành tiền, có hàng nhậu còn gọi là đặc sản giàu chất sắt, bổ lắm!.
Xưa nay người ở quê luôn bị coi thường, chỉ có đồ ăn từ quê là được đề cao. Thời thuốc sâu bơm hơi thì nó lại càng được đề cao là xịn!. Hôm rồi ra chợ, chị buôn nhãn cứ gạ” mua đi, nhãn quê đó bác, tôi tủm mỉm bào thế có nhãn phố bán không , tôi mua cả yến, Cô bán hàng nguýt cái rõ dài bảo “ nỡm ạ, dở hơi vừa thôi” . Bây giờ hàng hóa gì người bán cũng cố chứng minh có nguồn gốc nhà quê. Thực ra ngàn đời này dân phố phường ăn hàng từ nông thôn mà sống chứ phố xá có gì. Phố xá chỉ lưu chuyển hàng ăn chênh lệch giá và cao hơnvà đôi khi thêm phần điêu trác lừa đảo làm hàng giả. Nhà quê vốn là cái gốc tòan diện của cuộc sống của con người đến cái ăn cái uống,xưa thế và giờ vẫn thế.
Có một hình ảnh rất gợi về quê và phố. Ông ngoại tôi là một giáo sư. Ngoài giờ đi giảng về là nằm kê cao gối đọc sách, không biết tí gì bếp núc hay giúp bà việc vặt! . Bà ngoại nhặt rau làm cơm, trông bếp bán hàng. Nấu xong bữa cơm, dọn mâm sắp đĩa xong thì gọi ông dậy đá ghế ngồi ăn. Hôm nào bà nấu ngon thì được ngon, hôm nào nhỡ tay cơm nhão xào mặn, canh nhạt…thì đành chịu trận nhằn tí một chứ biết làm sao. Tôi nhận ra bà ngoại chính là nông thôn, ông ngoại đích thị là thành phố. Tôi bảo thế, bà cười, cái anh rể này tinh quái thật nhưng mà đúng, ông thì không nói chỉ lặng lẽ cười gượng.
Mà đúng thế thật. Ngàn năm nay nông thôn nuôi thành thị, nhưng nông thôn luôn bị coi rẻ từ con người cho đến văn hóa , cái gì cũng bị coi là lạc hậu thấp kém mặc dù thành thị chui từ đó ra. Không biết mai hậu thế nào chứ Hà Nội mà không có những gánh hàng rong hoa, quả va rau củ thực phẩm thì dân phố xá há mõm chứ có phải ai cũng đủ tiền vào siêu thị hàng ngày. Mấy anh trật tựphố phường cướp ghế và dẹp hàng hung hãn như những tên trương tuần khi xưa nhưng nhà họ cũng mua hàng từ gánh hàng rong chứ không lấy gì đổ vào mồm…
Mấy ông quan cách mạng cũng vừa ngoi lên từ ao bèo góc ruộng, là quan tỉnh huyện hay vào đến Quốc hội đã có anh phán: dân thì biết gì, dân trí thấp đưa luật này luật kia sợ không phù hợp lại sinh chuyện, trong khi bàn cả đến chuyện vợ chồng kiểm soát quá chặt tiền của nhau có thể bị phạt một triệu đồng để ra nghị định, kể cũng buồn cười, cứ như không còn việc gì để làm. Vậy quan trí hỏi đã cao hơn được chút nào?
Quê và phố là câu chuyện kể ngàn năm không hết mà thực chất nó chỉ chênh nhau tí văn hóa sống. Mà cũng chẳng phải chênh, quê có văn hóa quê, phố có văn hóa phố do điều kiện sống hình thành. Còn cuộc sống thì nó gắn bó máu thịt với nhau. Đừng tưởng học Tây, com lê cà vạt đi ô tô tiền tỉ là hết quê mùa, đừng tưởng người dân trên ruộng là không biết gì, khi anh sa lông nhà hộp phải tìm ăn sản phẩm họ làm ra để sống… Hiểu thế, biết thế để biết tôn trọng nhau trong cuộc sống. Nhà quê hay phố thị đều cần nhau cả!26/8/2016