Khi trẻ con vẽ

doduc
Tôi có một anh bạn là nhiếp ảnh. Một hôm anh cầm xấp tranh vẽ của con cho tôi xem, bảo: bạn bè xem thằng này có dấu hiệu thiên tài. Anh nói nước đôi và thăm dò phản ứng của tôi xem tôi nghĩ gì.
Tôi bảo : bé mà vẽ đã gò phải giống, nghĩa là cố chép sự vật trước mặt…Nếu anh bắt con làm theo cách đó, sau này có giỏi thì cũng chỉ thành người thợ tầm tầm.
Tôi giải thích : trẻ con vẽ là nó đang thể hiện cái thế giới nó đang tưởng tượng trong đầu. Cho nên để ý kĩ sẽ thấy vẽ xong chúng rất tự tin trao bản vẽ cho người khác: cháu vẽ bác đấy, cháu vẽ hoa, cháu vẽ mèo đấy…mà trông thì chỉ là những nét loằng ngoằng có khi chỉ hao hao vật thể mà nó rất tự tin.
Muốn xem tương lai trẻ có thể học vẽ hay không không phải xem nó vẽ giống hay không, chuẩn hay không, mà hãy xem nhát bút nó đi có hoạt không, có tự tin không, Đấy mới là cái căn bản cần có để học vẽ của đứa trẻ.
Đấy là chưa nói đến chuyện khi lớn lên dăm tuổi nó còn thích vẽ hay không. Chỉ yêu vẽ như kẻ si tình thì may ra mới thành nghề. Còn nghe đánh kẻng cầm bút, nghe kẻng dừng bút thì chỉ có thể là anh thợ quèn. Cái duyên với nghề không phải ai cũng có dù trong đám trẻ có đứa vẽ giỏi vẫn không theo nghề, có người tưởng xoàng xĩnh mà đến lúc nào đó thì vọt lên khi nhận thức được bung ra từ sự say mê đó .
Vẽ là cách trình bày ý nghĩ sau khi anh quan sát và tư duy, còn vẽ chuẩn là khi được đào tạo có kĩ thuật. Khi nét bút liền mạch, to nhỏ không đều nhau nó giống như người ta trình bày câu chuyện , lên bổng xuóng trầm , lúc nhanh lúc chậm , nét bút chứa cảm xúc và tư duy liền mạch trong đó giống như câu chuyện người kể nắm rất chắc. Cho nên quan sát trẻ con vẽ ngộ nghĩnh chính là tư duy của chúng đang trời kì nở rộ và trí tưởng tượng thăng hoa. Tuổi này mà bắt vẽ gò gẫm là phản khoa học nhất, là sớm đưa đứa trẻ học cách quan sát bắt chước mà dần triệt tiêu đi trí tưởng tượng. Sau này nó ảnh hưởng vào nhiều mặt của cuộc sống. Tốt nhất là đẻ chúng tự do là luôn khuyến khích chúng!
Con anh bạn tôi mà bạn bè anh bảo là thiên tài đó, sau không theo nghề vẽ , và nghề nghiệp rồi cũng chẳng đâu vào đâu. Những dự đoán đều không cho kết quả
Việc trẻ con hầu như đứa nào vẽ cũng hay thật ra không có gì lạ, vì chúng đang vào tuổi hoàn thiện, đang thích khám phá. Bức vẽ là sự khám phá, vẽ tranh là trình bày trí tượng tượng trong đầu chứ không phải nghệ sĩ làm tác phẩm, không thể đánh giá đó là tác phẩm.
Họa sĩ có thể bắt chước nguệch ngoạc như trẻ con để làm tác phẩm, còn trẻ con nguệch ngoạc thì chỉ là trí tượng tượng của vui chơi thôi, đừng nhầm gọi đó là tác phẩm.
Trẻ con vẽ, đó là tuổi hoa, tuổi mà chúng yêu cổ tích, thích khám phá tìm hiểu khi chưa phải lo lắng những gì về đời sống tình cảm và vật chất giống như người lớn phải lo toan. Chỉ khi bắt đầu qua tuổi hoa niên đó vào trường lớp với những kiến thức sách vở thì trí tưởng tượng mất dần thay vào đó là tư duy khoa học , cần cái nhìn chính xác…tất nhiên không phải mất trọn trí tưởng tượng , mà nó nhường chỗ dần cho tư duy khoa học…
Làm giáo dục cần hiểu điều đó nếu không sẽ hỏng hết thế hệ này đến thế hệ khác vì tính thực dụng nóng vội của các bậc cha mẹ.8/12/2016

  1 comment for “Khi trẻ con vẽ

Comments are closed.