Lên xứ hoa đào

Doduc
Cách đây hai năm, 2014, tôi quay lại Đồng Văn. Lần này là lần thứ mười mấy rồi không nhớ nữa.
* * *
Lần đầu tôi lên Đồng Văn cách đây trên 40 năm, nhưng chỉ lần này mới đúng vào mùa hoa đào, ngày 21 tháng giêng sau tết âm lịch. Chuyến này đi cùng báo Thể thao Văn hoá để nghiệm thu hai căn nhà tình nghĩa làm cho Giàng Mí Lúa và Thào Mí Gìa (hai hộ nghèo nhất mà huyện giới thiệu) . Đây là dự án từ thiện của Thể thao văn hoa, tờ báo của Thông tấn xã Việt Nam cùng tôi tổ chức triển lãm bán tranh xây nên .
Chuyến này đi đúng dịp tết, lần đầu tiên tôi thấy Đồng Văn Hà Giang nhiều đào nhiều đến thế. Ngày thường thì màu xanh lá đào lẫn trong sắc xanh muôn ngàn cây không phân biệt được, chỉ đến mùa hoa nở, sắc hồng dậy lên thì mới nhận ra đào. Nắng xuân trong vắt, cánh đào phai hây hẩy như má con gái tuổi dậy thì, đau đáu một tình cảm nồng nàn làm xôn xao trái tim mình…Những điểm hồng hừng lên hai ven đường, ven núi, ven nhà. Khắp nơi là những điểm hồng đẹp nao lòng. Cả một rừng đào khoe sắc như chào đón chúng tôi.
Dừng lại bên một gốc đào cổ thụ tôi nhận ra ngay giống đào ăn quả, hoa trên cành dày dịt như ong bám tổ. Khi nở bung thì hoa gần như che hết cành. Bông nào cũng mập, cánh nào cũng tươi. Màu đào lấp lánh trong nắng xuân trong veo, phía sau nó là nền núi lam chỗ xa mờ, chỗ thẫm lại. Đồng Văn như xứ sở của thần tiên.
Tôi nói với Phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã Lý Trung Kiên rằng, nếu được là người lãnh đạo Đồng Văn thì tôi sẽ cho trồng đào suốt 14 cây số bên đường Hạnh Phúc Mã pì lèng sang Mèo Vạc, mà không cần xi măng xây chỗ này, vén chỗ kia làm trạm đứng ngắm cho du lịch làm gì. Làm thế vừa tốn tiền vừa phá vẻ đẹp tự nhiên của không gian núi. Tôi muốn chỉ có đào chạy suốt bên đường thì khi mùa xuân đến ấn tượng về không gian nơi đây sẽ vô cùng đặc biệt mà không nơi nào có.
Việc đó không khó và không tốn kém. Vấn đề là lãnh đạo Đồng Văn có muốn hay không. Cũng có thể cây đào đã quá quen trở nên bình thường đến mức người sở tại không thấy gì đặc biệt. Còn đào rất hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Hà Giang. Cây đào hạt trồng ba năm cành đã mập mạp và chi chit hoa từ gốc. Không có nơi nào đào lớn nhanh như thế.
Tôi vào hai ba nhà dân. Ngày tết mà trong nhà không có cành đào. Sùng Mí Chía, một già bản người Mông bảo: Để trên cây, ngắm được lâu hơn lại còn được ăn quả. Chặt cành về cắm trong nhà thấy đau gốc cây lắm. Vâng người xứ sở trân trọng cây đào, coi đào như người như người anh em của mình…
Mấy chục năm nay thói quen người xuôi chơi đào núi. Tết về, người buôn đào lên Sapa chặt đào cổ thụ, phá đào mộc Châu. Những gốc đào già mốc vài chục năm tuổi bị chặt hạ không thương tiếc. Nhưng Đồng Văn, chính quyền cấm khai thác đào ra khỏi huyện. Cô Lý Trung Kiên bảo, không kiểm soát chặt thì đào cũng bị phá hết rồi.
Đồng Văn của Hà Giang đúng là xứ hoa đào, ra về mà sắc hồng cứ bám mãi trong đầu, nhớ mãi mùa xuân trên núi.
Một năm sau, tháng 7/ 2015 tôi lại lên núi
Vẫn là Đồng Văn nhưng không vào mùa hoa và cũng không phải lên thị trấn hay qua Mã Pì Lèng
Lần này lên Vần Chải (bản Mây) quê của anh hùng tiễu phỉ Sùng Dúng Lù
Cũng là đi làm từ thiện. Xảo Há là một bản nhỏ sâu hút trong núi thuộc đất Vần Chải, hôm nay cắt băng khánh thành một lớp học hai buồng lắp ghép kiểu Nhật Bản của một nhóm làm từ thiện do một người làm báo bên tạp chí Toàn Cảnh làm trưởng nhóm. Tôi là người tư vấn đưa dự án này về đất Vần Chải với sự hưởng ứng của Huyện và dân sở tại. Còn cá nhân tôi chỉ góp được một triệu tiền hàng áo quần cho các cháu nhân ngày khánh thành lớp học do một Việt Kiều Mĩ gửi tặng.
Chuyện xây trường cho bản sâu hút trong núi cũng thật công phu, giúp cho các cháu lớp vỡ lòng có chỗ học tử tế thì mọi người biết cả, rất đáng cổ vũ. Nhưng ở đây tôi muốn kể một câu chuyện khác …
Số là sau khi cắt băng khánh thành ra về, tôi được ngồi sau xe máy của một cậu thanh niên. Khi hỏi về anh hùng Sùng Dúng Lù thì mới biết cậu là cháu đích tôn của ông. Sùng Dúng Lù đã mất từ năm 1998. Còn ngôi nhà đẹp trước lớp học hun hút giữa rừng sâu lại hoá là nhà cháu trai Vàng Vạn Ly, một đầu lĩnh phỉ nổi tiếng ở Đồng Văn trong cuộc nổi dậy năm 1957, nhân vật đối đầu với Sùng Dúng Lù. Năm ấy, thua cuộc, Vàng Vạn Ly dắt ba con trai vào hang núi cố thủ . Mấy tháng trời cứ đêm đêm bà Máy vợ Vàng Van Ly xé rừng đi tiếp tế cái ăn cho chồng. Sùng Dúng Lù đã đến vận động để thuyết phục bà đưa mình vào hang nói cái lý gọi Vàng Vạn Ly trở về bản, và chính quyền hứa tha không bắt tội. Cuối cùng Sùng Dúng Lù đã tay không đi vào hang thuyết phục được Vàng Vạn Ly về với bản. Sau đó hai người thành bạn và bất ngờ hơn nữa là con giai Sùng Dúng Lù là Sùng Súa Mua đã lấy con gái Vàng Vạn Ly là Vàng thị May, sống hạnh phúc đến bây giờ. Một cuộc hoà giải tuyệt đẹp có một không hai trên đất nước mình.
Cả hai con người một thời đối nghịch một thời đã thành thông gia. Nay thì họ đã dắt tay nhau theo làn mây trắng về trời cả rồi.
Hôm nay ở Xảo Há, cháu trưởng Sùng Dúng Lù làm bí thư chi bộ thì cháu nội Vàng Vạn Ly làm trưởng bản. Một kết cục không gì hoàn hảo hơn. Câu chuyện nhân văn này nó thành bài học lớn cho đất nước về sự hòa giải, đẹp hơn cả trong tiểu thuyết.
Chuyện trong núi còn nhiều như suối rừng cỏ cây làm sao biết hết. Ba bốn mươi năm qua lại đất Hà Giang biết bao lần, mỗi lần tôi lại biết thêm vài chuyện. Xứ rừng luôn huyền ảo như làn mây trắng mơn man trong những thung núi xa mờ. Mỗi một khoảnh đất đều gắn với một huyền thoại mà mỗi lần quay lại, ta lại thấy thêm một cái mới. Cuộc sống thực và huyền thoại cứ trộn lẫn vào nhau đi mãi cùng thời gian. 26/10/2016.