Văn hóa học đường

Văn hoá học đường
Doduc
Mới đây trên mạng xôn xao hình ảnh một thày hiệu phó trường đại học Hoa Sen ( Cần Thơ) mặc quần đùi ca-rô lên bục giảng và trong hội thảo. Nhiều lời bàn tán về sự khiếm nhã trong ăn mặc, nhiều lời bình nặng lời về sự buông tuồng phá vỡ sự nghiêm cẩn trong ăn mặc của một người thày. Không chỉ thiếu gương mẫu mà nó còn phá tan không khí trang trọng của học đường.
Những tấm ảnh đăng kèm theo các sì ta tut cho thấy gai mắt không thể tả nổi!
Tuy vậy cũng có nhưng lời tán tụng khá cấp tiến khen tặng cho rằng đó là sự đổi mới gây cảm hứng sáng tạo, rằng nhưng ai đó chê trách vì họ quen với một cái nếp cũ quen thuộc và chỉ chấp nhận khuôn sáo. Cái đầu chỉ chấp nhận cái quen thuộc thì lấy đâu ra sáng tạo. Sự tung hô khá cực đoan ấy khiến nhiều người ngạc nhiên
Sự sa sút về văn hóa trong đời sống xã hội chỉ riêng về chuyện ăn mặc đã lộ nguyên hình ở cách suy nghĩ và phát ngôn trơ trẽn và đầy tự tin như thế. Họ bảo đó là thay đổi để sáng tạokhông ổn tí nào!
Cái khốn khổ của những người bênh thày quần đùi đứng trên bục giảng ở chỗ lầm lẫn sự sáng tạo thuộc về trí tuệ với ăn mặc là khác nhau về bản chất mà họ không nhận ra. Ăn mặc trong lớp học của trò và trang phục của thày trên bục giảng thuộc về qui thức văn hóa trong cuộc sống. Trẻ em cần đồng phục để đến trường không có sư so lệch giàu nghèo sang hèn để chúng yên tâm bình đẳng trong lớp học. Thày giáo cách ăn mặc mẫu mực là tấm gương cho trò về văn hóa cộng đồng. Đây là học đường để rèn luyện sự ngăn nắp cho trẻ chuẩn bị bước vào đời biết trọng thị với xung quanh từ áo xống đến lời ăn tiếng nói. Sao lại có cách nghĩ nhầm lẫn kinh khủng đến như vậy. Mà người bênh vực thày giáo nọ còn cao giọng chê bai chế giễu mọi người là ngu dốt và chậm thay đổi. Mất gốc văn hóa đến thế thì tệ quá!
Trước đây chọn người ngành sư phạm vào khá nghiêm cẩn: về hình thức cần cao ráo không có khuyết tật, ăn nói không ngọng nghịu, có khả năng ăn nói tốt, đó chưa kể thường là những học sinh giỏi, có hạnh kiểm tốt mới được lựa chọn. Ở đây không phải chuyện kỳ thị, mà là môi trường giáo dục cho các em kiến thức vào đời cần toàn diện văn thể mĩ. Giáo dục không đơn thuần là truyền bá kiến thức, mở mang sáng tạo mà nó là toàn diện, cần nhiều các yếu tố nhân văn hơn thế!
Không hiểu Bộ giáo dục và trước nhất là ngay Ban giám hiệu trường Đại học Hoa Sen nghĩ gì về hiện tượng kì dị này và sẽ có ý kiến như thế nào. Nhưng việc thày giáo muốn tỏ ra thoải mái theo ăn mặc để kích thích sự sáng tạo thì quả là hài hước. Kích thích sáng tạo sao đơn giản đến vậy, nếu không nói là sự vong bản về văn hóa…Thày hiệu phó muốn nêu gương gì đây?.
Người xưa dạy “Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn” , “ Y phục xứng kỳ đức”, còn “Học ăn học nói, học gói học mở”( câu này gồm cả nghĩa bóng và nghĩa đen sâu sắc vô cùng), tất cả những điều đó không bao giờ lạc hâu, nó là tiền đề cho các giá trị văn hóa để con người đi vào xã hội.
Văn hóa học đường xuống cấp đây chỉ là thí dụ nhỏ! 25/4/2017
Tham khảo:
Khiêm Phan Nguyễn
ÔNG GIÁO SƯ MẶC XÀ LỎN
Trong một buổi học của trường nhằm giúp cho sinh viên làm quen được với quá trình nảy sinh ý tưởng sáng tạo, GS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng điều hành Trường ĐH Hoa Sen đã mặc quần sooc, áo thun giảng bài. Hình ảnh đã gây ra cơn bão phản đối vì nó trái với hình ảnh truyền thống của một người thầy.
Tôi đoán rằng, thầy Thành muốn dùng trang phục thoải mái của mình để thể hiện tinh thần khai phóng, tự do sáng tạo trong học tập và nghiên cứu. Nghiên cứu mà không tự do thì khó có sản phẩm chất lượng cao lắm. Đưa xong thông điệp thì thầy lại mặc nghiêm chỉnh thôi.
GS Thành vốn là cậu bé bán thuốc lá dạo, cày thuê cuốc mướn nhưng đã trở thành giảng viên của đại học nổi tiếng ở Mỹ. Tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa học, anh có 4 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín. Tiếp đó, anh học thẳng tiến sĩ và lấy bằng năm 1990, rồi tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ. Thời gian này anh dành được học bổng của Quỹ khoa học quốc gia cho tiến sĩ trẻ có tiềm năng.
Năm 1992, anh được mời về dạy môn hóa lượng tử tại Đại học Utah. Anh được đánh giá là một trong những nhà khoa học trẻ triển vọng của Mỹ, được cấp bằng giáo sư cao cấp. Từ 1992 đến nay, GS Thành có khoảng 200 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Đúng như tâm nguyện “thành công sẽ về giúp người khác”, giáo sư đã trở về Việt Nam, thành lập Viện Khoa học công nghệ tính toán TP HCM hoạt động năm 2009. Anh còn giúp đỡ nhiều sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng nguồn từ quỹ nghiên cứu của mình.
Với một người như thế, bà con chả nên mất thời gian lo lắng về việc thầy dùng trang phục để làm giáo cụ giảng bài. Xin các bác yên tâm.