Của hiếm

doduc
Sống một mình cả thời trai trẻ. Giờ về hưu rồi cũng vẫn một mình.
Anh một mình từ lâu, từ lúc còn làm việc ở cơ quan nhà nước.
Cả một thời dằng dặc trên ba mươi năm ấy, không thấy anh trò chuyện với ai bao giờ trừ giao tiếp công việc. Cũng như chẳng thấy ai đến với anh trừ khi người đó đến vì công việc. Và cuộc trao đổi lại cũng chỉ gói gọn trong công việc rồi thôi.
Cũng lạ là trên ba mươi năm làm việc cùng anh , tôi chưa thấy anh ốm bao giờ. Về hưu mấy năm rồi cũng thế.Giờ vẫn thế.
Anh chưa từng lấy vợ dù người anh yêu thì nhiều. Nhưng là yêu một phía từ anh. Là người kiên định, anh chỉ yêu những cô gái dưới hai mươi. Tôi biết khi anh ngoài bốn mươi, người trong cơ quan có thiện ý giới thiệu cho anh những cô gái ngoài hai sáu hai bảy , chỉ thấy anh lặng lẽ lắc đầu.
Anh có khá nhiều bài thơ tình, tặng em Mai em Hường, em Hoa. Thơ viết khá hay, chứa chan cảm xúc. Tất cả những gì ước muốn ngoài đời dồn nén vào trong thơ, nên cái tình mới lai láng như vậy.
Có câu chuyện này như huyền thoại mà tôi chứng kiến, nếu nghe kể thì không ai tin. Vậy mà có thật.
Hôm ấy cơ quan nhận được bức điện tín. Bức điện báo mẹ mất , con về ngay, Anh bần thần cầm bức điện ra cơ quan. Quê mãi miền Trung xa xôi, nên phải đi gấp, cơ quan hối hả cấp công lệnh ứng tiền đi đường và kèm theo tiền phúng viếng như qui định thời ấy. Người trong cơ quan cũng góp tiền hương khói gửi anh vì chẳng thể đi xa được giữa thời bom đạn. Còn mấy giờ chờ tàu mới ra bến xe, một người bạn hỏi xem lại bức điện để biết ngày giờ xem bà mất mấy ngày rồi, thì bất ngờ nhìn nơi gửi bức điện thì hóa là một bưu cục ở Yên Bái. Bấy giờ mọi người mới biết bức điện là của một người khác trong cơ quan. May quá, anh chưa ra tàu, thế là cuộc đi hoãn lại. Hôm sau ra cơ quan, cô kế toán biết chuyện mỉm cười mừng cho anh, rồi nhắc khéo anh hoàn lại số tiền tạm ứng đi đường và cả tiền cơ quan gửi làm tang lễ…Anh nghe rồi ngơ ngơ bảo: thôi, cứ trừ dần vào lương hàng tháng cũng được. Và cuối cùng cô kế toán đành xử lý như vậy vì anh nhất quyết không trả lại tiền.
Bây giờ
Cả khu tập thể anh vẫn một mình một bóng. Người hàng xóm ở cùng bảo, ơ lạ lắm. Tối anh bật ti vi lấy ánh sáng và tắt tiếng, còn mở radio nghe tin tức. Về đến nhà anh trút hết y phục sau khi cài cửa. Một hôm cô thu tiền điện vào buổi tối phát hiện ra điều đó khi lật cái nắp che khóa cửa nhìn vào để gọi anh đưa biên lai. Cô phát hoảng lao đầu chạy xướng cầu thang chạy như ma đuổi. Nói mãi không ra hơi.
Mãi sau thì cả xóm mới biết điều ấy. Chỉ có mũn anh là không biết.
Bây giờ sáng sáng anh vẫn nai nịt như đi làm. Đúng bảy giờ dắt xe ra khỏi phòng, xuống cầu thang xong, anh dựng xe mở nắp đồng hồ nước ngoài trời kiểm tra rồi lúi húi ghi chép chỉ số. Năm giờ chiều anh về và mọi việc lại diễn biến trong căn hộ tập thể tranh tối tranh sáng. Làm việc gì cũng chỉ mình anh biết.
Cũng không ai biết ban ngày anh dắt xe đi đâu và làm việc gì. Tất cả trong vòng khép kín của riêng anh.
Hôm ông thợ nước chữa đường nước cho nhà tôi, tôi nói chuyện đó thì ông cười: Chuyện đó đã có gì ghê. Chỗ tôi có một ông về hưu 10 năm mà bà vợ còn không biết cơ.
Số là thế này: bà vợ có quầy hang ở chợ Giời. Sáng bà ra chợ, còn ông gói ghém đồ lên chiếc xe đạp phóng đi. Mãi tối mới về.
Một hôm có ông bạn già đến chơi. Bà bảo ông nhà tôi đi làm chưa về. Người bạn tròn xoe mắt: Làm gì, ông ấy nghỉ hưu chục năm nay rồi cơ mà! Bà vợ bảo đâu có , ông ấy vẫn đi làm hàng ngày. Nhưng rồi bà đã nhờ một người theo dõi tung tích xem hang ngày ông đi đâu, hay là có phòng nhì ở đâu đó! Hoá ra ông đạp xe ra công viên, dựa xe nằm khoèo trên ghế đá cho hết ngày…
Câu chuyện là thế. Đó là những người biết sống một mình và quen với cách sống ấy. Với họ đó là một giang sơn vô cùng tận để hưởng thụ. Họ cũng là của hiếm trên thế gian này! 31/5/2017

  3 comments for “Của hiếm

Comments are closed.