Phải biết quý từng cây xanh

doduc
Mấy hôm rồi nghe mấy cán bộ của Sở xây dựng Hà Nội phát biểu rằng thì là cây thời Pháp trồng không chăm sóc tốt nên xô lệch không ra hàng lối, rồi cây đã trăm năm già rồi đã đến lúc thay thế. Thành thật tôi quá ngạc nhiên về phát biểu đó. Không rõ các vị ấy đã được đào tạo gì về cây đô thị và làm việc này được mấy năm, có bao nhiêu kiến thức và kinh nghiệm mà nói văng mạng như vậy. Đúng là hạ mục vô nhân, ăn nói như không biết có ai ở trước mặt minh.
Tôi thì biết, khi mà những người lên quy hoach cho cây xanh Hà Nội thời Pháp không phải bọn người vô học, lại càng không tùy tiện. Tôi lại chắc chắn lúc những người làm việc đó thì khi ấy mấy vị vừa phát biểu trên đây chưa có hình hài, còn vi vu đâu đó trong cõi ta bà này. Còn cha chú họ nếu có ra đời chắc vẫn chưa biết mặc quần. Họ phải gọi các tiền bối ấy là cụ! Vậy mà hôm nay có tí vị trí quản lý họ ăn nói hàm hồ văng mạng không biết trên dưới là gì, coi những người trồng cây đường phố Hà Nội cũng tùy tiện vô trách nhiệm như họ!. Làm cây đô thị là làm khoa học, không phải là chuyện tào lao, nói gì cũng phải có sở cứ, không thể nói bừa thế được.
Có một lần họa sĩ Đức Hòa bảo tôi: Anh có biết tại sao đường Lò Đúc người ta trồng cây Sao đen không?Tôi lắc đầu, thì họa sĩ giải thích ngày trước sở công chính đô thị họ lên kế hoạch trồng cây bóng mát tính toán khắt khe lắm. Đường nào trong khu dân cư trồng me trồng sấu, chỗ nào trồng nhội. Bàng hay bị sâu và nhiều cành ngang xưa người ta không trồng vì bóng mát cũng không nhiều… Đường Lò Đúc hẹp nên họ chọn cây sao đen mọc thẳng cao vút cho đỡ bị che chắn tầm nhìn. Về quy hoạch cây xanh, giờ ta chưa chắc bằng người Pháp thời ấy. Họa sĩ nói thế vì biết về việc làm quy hoạch cây cho đô thị có tư liệu hẳn hoi! Còn mấy ông phát biểu nêu trên thì không thể bàn gì với họ về kiến thức cây đô thị khi đã ăn nói như thế, nghia là họ chẳng biết gì!.
Nhìn hàng Xà cừ cổ thụ trên đường Kim Mã thẳng tắp, bao mùa bão không một cây gẫy đổ. Đường Đội Cấn cũng vậy, đường La Thành cũng vây và con đường trước lăng Bác giữa nắng lửa trưa hè đi qua mát lạnh như đứng trước tủ đá mở cánh cửa! Mới thấy quý giống xà cừ được lựa chọn không phải là vô tình. Xà cừ, còn gọi là lim xanh, là loài cổ thụ trăm năm nghìn năm. Chúng ta có những cây di sản năm bảy trăm tuổi chưa coi là già mà hàng xà cừ trăm năm sừng sững như những người lính trung thành sắp hàng chắn nắng cho phố phường, khi cần chặt là họ gán luôn cho cái tiếng già cỗi, vô dụng, cái lối nó xưng xưng vô ơn ấy nảy sinh ra từ bao giờ và ai dạy họ, ai cho phép bọ nói vậy?
Không phải không có những cây xà cừ trong mùa mưa bão gãy đổ, cũng như các loại cây khác thôi , khi mưa nhũn đất gôc, cây lại rơi vảo trung tâm giớ xoáy khó có thể nói mạnh. Nhưng có ai nhớ lại cho bên giao thông công chính, bên cáp điện, rồi thoát nước… đào lên lấp xuống con đường vỉa hè một năm bao lần không? Những gốc xà cừ bị băm chém đứt rễ lớn rồi vùi lấp sơ sài, có lủng gốc cũng không cần biết! Họ có bao giờ phải nghĩ đến cây khi đào phá lòng đường vỉa hè?Cho nên khi hàng cây nằm giữa đường làm giải phân cách trên đường Kim Mã mới hiên ngang thách đố gió bão và thách đố những cái miệng hàm hồ nói bừa nói bậy về cây xà cừ như thế chứ! Vì hầu như hàng cây đó không bị đào bới vào gốc!
Thành phố nuôi được hàng cây cổ thụ phải mất hàng trăm năm, khó nhọc hơn nuôi đứa con thành người. Chặt thì nhanh lắm, rồi thu hồi gỗ xà cừ ra đống tiền cũng nhanh lắm, hấp dẫn lắm. Nhưng hãy xem năm trước họ đã trồng cây trả lại phố phường ra sao? Họ đã đánh tráo bồ đề thành vàng tâm và cãi cố mãi. Không có kiến thức cây đô thị hay là làm ăn tráo trở bậy bạ chỉ cốt kiếm tiền?
Thế nên phải nói thẳng cây đô thị quý như mạng người, hệ trọng như mạng người, không thể nói chặt là chặt. Cần phải có ý kiến của các nhà khoa học, những chuyên gia sành sỏi về môi trường cho ý kiến. Chính quyền không thể được trao quyền quản lý rồi muốn làm gì thì làm là không thể được!
Phải biết quý từng cây xanh khi Hà Nội đã quá nhiều bê tông lưu nhiệt. Người ta không thể chỉ sống bằng máy điều hòa nhiệt độ, nếu bị thiếu cây xanh! 10/6/2017