Cái lý ngược

Tặng Hoàng Quốc Cứu, bạn tôi

Xưa nay đường quốc lộ chỉ có ký hiệu bằng con số. Có lẽ chỉ có một đường quốc lộ được đặt tên đó là con đường từ thị xã Hà Giang đến huyện địa đầu Tổ quốc Đồng Văn: Đường Hạnh Phúc. Đường Hạnh Phúc mở vào những năm 60. Chỉ nhớ đận ấy cả dăm vạn lượt dân công làm trong mấy năm trời mới xong. Nhìn con đường như sợi chỉ hồng vắt qua các triền núi đá dài như vô tận mới thấy công sức của con người thật là vĩ đại. Ai nhìn con đường cũng thấy vui. Nhất là khi có chiếc ô tô nó làm chân cho mấy chục con người. Với cán bộ đi công tác huyện thì thật là sung sướng. Xưa đi Đồng Văn, dận bộ cả tuần thì nay đi ô tô chỉ trong có một ngày.
ấy thế mà có một người dửng dưng. Đó là Vàng Lỷ, lão già có tính gàn – người tôi quen ở một cái bản sát đường. Nhìn con đường đất đỏ hoe, lão bảo: “Có gì mà tốt”. Gặng hỏi thì lão bảo: “Từ bao đời nay chưa có đường ta vẫn xuống Hà Giang được. Xe đi một ngày, ừ thì nhanh thật, nhưng ta đi một tuần thì đã sao? Ta đi bằng chân ta, vừa đi còn vừa được chơi khèn ngắm núi. Đi xe chen chúc hỏi được thấy cái gì?”.
Một năm sau lão Lỷ lại đẻ ra cái lý mới: “Bảo tốt hay không tốt, ta không biết. Ta chỉ biết khi chưa có đường ở đất Phó Bảng này một đồng mua được năm quả trứng, có đường rồi vẫn quả trứng ấy, một đồng chỉ mua được hai. Vậy thử hỏi tốt ở chỗ nào?”. Nghe lão nói lí như thế mọi người chỉ còn biết lắc đầu.
Mươi mười lăm năm nữa trôi đi, lão Lỷ già yếu dần, hàng ngày lão chỉ còn quện bếp lửa trong tình trạng nửa mơ, nửa thức. Tưởng rằng chẳng còn để ý đến chuyện gì nữa, vậy mà một hôm có người khơi lại chuyện con đường, lão lại xổ ra cơn hậm hực: “Đã thấy chưa? Đường tốt có khi nó nuốt hết cả rừng đấy. Đó là chưa kể đến bọn buôn lậu, bọn buôn thuốc phẹn (phiện), chỉ chúng nó sướng thôi”.
Hoá ra vẫn như xưa. Lão Lỷ vẫn trằn trọc với con đường. Lạ thế, tuy ngồi một chỗ mà việc gì xung quanh lão cũng biết. Việc gì xảy ra lão cũng tìm được cái lý ngược. Chỉ được cái nếu không hỏi thì chẳng bao giờ lão chịu nói ra.
Vàng Lỷ cứ sống lầm lũi như thế, cô độc như thế. Rồi một ngày kia lão cũng ra đi. Ngôi mộ lão nằm bên nương đá, áp sát con đường, chỉ gồ cao hơn mặt đất để lại một chút dấu tích. Nhưng chuyện về lão Lỷ thì sau này, kể cả bây giờ vẫn còn người ở cái phố huyện ấy bàn tán. Cũng nhiều ý kiến ngược xuôi lắm. Người thì bảo lão là sâu sắc. Kẻ thì chê lão là gàn dở, chỉ hay bới chuyện. Cũng có người lại bảo: “Công bằng mà nói thì chẳng có điều gì Vàng Lỷ nói ra lại không đáng suy nghĩ cả”. Có người khẳng định rằng ở đời người ta hay quen đi một chiều, nghe một hướng nên thành kiến với lão mà thôi.
Nghe chuyện lão tôi cứ bâng khuâng nhìn con đường dài hun hút chênh vênh mờ lẫn vào sương mù vùng biên ải. Ừ, hình như số phận mỗi con đường đều phải gắn với một chuyện gì đó để người ta nhớ, người ta ngẫm; để cho con đường trở nên có hồn sống với muôn đời… Tôi ước ao giá lúc này Vàng Lỷ còn sống chắc mình không thể bỏ qua một dịp may uống chung với lão bát rượu ngô và cùng ngồi ăn thắng cố để gợi thêm chuyện của lão về con đường của những năm xưa… Chắc chắn còn nhiều chuyện nghĩ ngợi mà lão chưa nói ra hết.
Tháng 3/2000