Bàn về con người

doduc
Tôi có bài viết về một loài hoa, một bạn đọc xong khen hay. Bạn bảo chắc chẳng có chuyện loài hoa nào hay hơn!
Tôi bảo bạn là bạn nhầm đó. Loài hoa nào cũng có chuyện của nó, chẳng cứ gì loài hoa tôi vừa kể. Và truyện nào về chúng mỗi loài mỗi vẻ, chắc đều hay cả, chỉ có điều ta có biết không, có ai nói ra hay không.
Về con người chẳng hạn, một vị tướng, một chính khách, một nhà buôn, nhà khoa học, một nghệ sĩ, cũng chắc đâu đã hay hơn li kì hơn đời một bác sửa xe đạp, một nông dân, một gã lượm ve chai, một bà bán vé số hay một anh chàng đánh giậm. Ai chả có một cuộc đời, một lịch sử sống, chỉ có điều những người kia được nhiều người nhắc đến và khai thác ở các dạng thông tin nên nhiều người biết tới. Còn bác nông dân, người thợ sửa xe thì không ai để ý đến. Đời là thế đấy . Một cá nhân bất kì nào tôi nghĩ nếu tìm hiểu tường tân thì đều có thể thành tiểu thuyết, có tiểu thuyết nhiều bộ và chí ít là một truyện ngắn. Chắng có ai là zê zô mà cũng chẳng có ai vĩ đại đến mức đại diện cho tất cả. Nếu có thì chỉ ở cái miệng truyền thông đưa ra thôi.
Tôi nghe nói triệu triệu người trên trái đất này không ai có vân tay giống nhau. Không rõ điều đó khoa học kiểm chứng chưa, còn về cuộc đời mỗi con người thì tôi dám chắc cũng không bao giờ có giống nhau chồng khít. Từng ấy triệu cuộc sống sẽ có từng ấy triệu diện mạo, tính cách, cách ứng xử và cách nghĩ cách làm việc. Chỉ có mỗi một cái giống nhau đó là cùng sống và bị kiếm soát theo một qui luật tự nhiên, giống như trái đất quay tròn.

Vậy nên tôi nghi ngờ các gương điển hình, tôi nghi ngờ về kết quả nếu rập khuôn theo các thứ gương ấy. Tất cả là do hoàn cảnh xuất thân, sức khỏe và những đoạn đời chẳng giống nhau ấy chi phối tạo nên tính cách và lối sống ảnh hưởng đến từng khoảnh khắc cuộc đời. Vậy nên tôi thường chối từ góp ý mà chỉ nói cảm nhận. Cảm nhận thường trung thực và giúp cho người nghe ngắm được mình từ góc độ cảm nhận của người khác. Còn góp ý thì đầy tính chủ quan và thiên kiến, sao mà theo được. Nếu áp dụng nó vào cuộc sống thì nó chỉ có mỗi một giá trị là áp đặt cưỡng bức mà thôi.
Nhưng xã hội nào cũng vậy, cũng đầy ắp tính chủ quan. Xã hội nào cũng đầy những kẻ muốn chỉ huy, ngạo mạn và hỗn láo. Đối lại có những nhóm người luôn tìm cách phản biện chống lại thói xấu đó. Lại có nhóm người không ý thức được vai trò giá trị của mình trốn mình trong trạng thái yếm thế, đánh mất mình, chấp nhận sự áp đặt sai bảo và không dám sáng tạo, bên cạnh đó lại có một số thờ ơ chỉ biết có mình. Chính những cái đó nó xô đẩy xã hội lúc sang tả, khi sang hữu và sản sinh ra các bi kịch triền miên để rồi đổ vỡ và dựng lại. Kẻ lọc lõi thì từ đó ngồi qui tội cho kẻ khác.
Con người vì thế mà vừa đáng yêu lại vừa đáng trách. 14/5/2012