BAN MAI CÓ MỘT GIỌT SƯƠNG

 

(Đọc Ngôi nhà xưa bên suối của CAO DUY SƠN)

ĐỖ ĐỨC

 

Ấn tượng về “Ngôi nhà xưa bên suối” cứ lảng vảng không bứt ra khỏi đầu. Tôi đọc đi đọc lại tập truyện của Cao Duy Sơn đến vài ba lần. Và có một cảm giác như mình đang vẽ bức tranh màu nước trên giấy dó. Từ vài nhát phác thảo sơ sài, rồi khung cảnh, cây cỏ, nhân vật hiện hình dần lên, thắm đậm dần lên. Mỗi truyện của Cao Duy Sơn viết đều là như vậy. Ngôi nhà xưa bên suối có 7 truyện gắn kết với nhau trên vùng đất quê anh, vài cái tên bản bên dòng sông Qui như Cổ Lâu, Háng Vài, Pác Gà, Mục Mã… Những vuông đất cho câu chuyện của anh không rộng nhưng cũng đủ để khắc nên dấu ấn văn hóa sâu đậm của Cao Bằng, một vùng biên thùy xa lắc và cuộc sống không ít khắc nghiệt thử thách con người.
Tôi thấy đâu đó một phần thân phận mình trong ngôi nhà xưa bên suối. Thầy Hạc, một con người yếm thế, dưới một qui chuẩn đạo đức phiến diện, được lấy làm căn cốt cho bản mặt xã hội. Thầy chỉ một lần hướng con tim theo nhịp đập của tình yêu “không hợp qui chuẩn” đã bị ghè nát trong các cuộc kiểm thảo. Như con chim bị tên, thấy cành cây cong cũng sợ, thầy sống rón rén mà cũng không thoát. Thầy ngơ ngác không dám sống thật với mình cho đến khi tàn tạ cuộc đời, kết cục như cái xác của con hạc già cuốn vào tro bụi mà không biết vì đâu để mà oán hận. Cũng có lúc hiếm hoi thày chợt nhận ra “tôi thấy trong tôi đang có một nhà tù, phạm nhân trong đó là tôi đang không có cách nào thoát ra”. Qui chuẩn đạo đức phiến diện đó đã bỏ tù bao nhiêu thân phận, không ai biết rằng cố gắng gương mẫu chính là chui vào trong cái lồng sắt qui phạm ấy. Còn xung quanh cái nhà tù vô hình ấy là hàng loạt cạm bẫy giương lên như bãi mìn, chỉ sơ sẩy là mìn nổ. Thời khắc tạm coi là hạnh phúc nhất đời thầy là được sống bên người vợ “không có nét xinh đẹp như nàng tiên nhưng được cái nết na tốt bụng…” cũng cũng chỉ ngắn như một gang tay sau cái chết bất ngờ vì bạo bệnh của cô. Chính cuộc sống tối tăm bọc trong cái vỏ đạo đức mù mờ ấy dẫn người ta đến bờ vực còn tối tăm hơn, thầy không nhận thức được mình nữa: “số kiếp mình trời hay lấy ra làm thí nghiệm, luôn thắc thỏm tai họa thường trực đâu đó…” Câu chuyện là một lời trách cứ đau buốt đến tim gan của những tấm lòng trung thực về một thời đã qua. Và chưa phải đã hết trong cuộc sống hôm nay.
Chợ tình lại là một truyện không có chuyện. Đó là cái chợ một năm một phiên, một phiên một ngày. Chợ không tranh mua tranh bán, không có đánh nhau vì ghen hay thù oán. Nó là nơi nuôi giữ những mối tình bất thành khi mà người ta còn hiện diện trên cõi đời này, cho họ mỗi năm gặp nhau một lần, ngồi bên nhau, mời nhau những món ăn quen thuộc. Một năm dồn nén vào vài ba lời trò chuyện nhát gừng, còn là lặng lẽ bên nhau vì đó là vàng là ngọc kết đọng của thời gian nghĩ về nhau. Chợ tình chẳng có gì nếu không nghe được bài cúng của lão Sinh với người tình đã khuất. Sau 3 năm thẫn thờ ra chợ, rồi ba năm lặng lẽ một mình rời chợ không gặp lại bạn tình xưa, lời cúng hay là tiếng khóc đây của lão khiến người nghe đẫm lệ: “Về a Ếm ơi, anh biết em bỏ anh đi một mình rồi, anh đâu dám trách Ếm. Ba xuân rồi anh đến mà không còn gặp được em, anh biết em nghe được lời anh nói, anh mua bát canh ngon này cho em ăn, anh thả cơm vào canh cho em làm rau, anh biết Ếm thường thích ăn như thế… Uống đi Ếm à, rượu này nhạt dễ uống lắm, uống xong anh sẽ nói- lão cầm hai chén rượu cụng và nhau- Uống được thôi à Ếm? Đấy có say đâu…” Bài cúng người tình ở ngay nơi gặp gỡ hằng năm còn dài dài nữa. Kết thúc là ông châm lửa hóa đôi giày mà người tình trao tặng ông từ năm mươi năm trước, ngày hai người quen hơi bén tiếng. Cái tình ấy thì Romeo-Juyliét liệu có hơn gì.
Nếu ai có đôi ba lần qua vùng biên cương phía bắc, từng nghe câu hảo hán vùng biên thì sẽ hiểu hơn câu chuyên trong Song sinh, cái thiện ác trong một con người phân đôi trong Song sinh là một ám dụ đặc biệt. Song sinh đó nhưng chỉ là một con người. Họ khắc nghiệt với bản thân mình cũng như với người khác kể cả ruột rà đầy chất bản năng, và người ta trụ vững trước sự khắc nghiệt thì có thể tồn tại trên chính mảnh đất khắc nghiệt đó.
Hoa bay cuối trời là câu chuyện tình đứt ruột. Vẫn là câu truyện nghìn năm theo sát mỗi con người đến cõi lìa đời, nhưng sự sâu nặng của nó khiến con người của xứ sở văn minh cũng phải thèm khát và ganh tị. Ai có biết đâu sau tấm áo chàm dân dã kia là những khối tình ngọc ngà gần như không tì vết đến như huyền thoại, khiến người ta không cầm được nước mắt.

* * *
Trên đây chỉ xin lẩy ra vài ba truyện trong tập truyện, để làm ví dụ cho những hướng đi trong tập truyện của Cao Duy Sơn, đề cập đến những gì trong cuộc sống quanh quẩn vùng đất Cổ Lâu. Câu chuyện là thế. Và khi viết những dòng này về Cao Duy Sơn, tôi lại nghĩ về cái tổ con chim cu gáy. Nó sơ sài lắm, chỉ vài cọng bòng bong khô, mấy nhánh chỉ thảo cùng vài cành cây nhỏ vắt qua lại là thành cái tổ. Khi chim gáy ấp, đứng dưới gốc cây người ta vẫn có thể nhìn thấy quả trứng ngọc ngà. Văn trong tập này của Cao Duy Sơn giống tổ chim gáy ấy. Nó không cầu kì, thoáng đọc còn cảm thấy nó quềnh quàng vụng dại. Nhưng truyện nào cũng có những câu khiến người ta giật mình về sự sắc sảo trong quan sát cuộc sống và gọi nó ra bằng chính ngôn ngữ của người vùng mình. Khi nói về thầy giáo Hạc đói ăn, gầy yếu (Ngôi nhà xưa bên suối) chỉ một câu “người mỏng như màng tre”, “thày quay lên nhà người cong như múi bưởi” là quá đủ. Nói về đám lâm tặc “bọn này tai thính mũi thính như chó Bảo Lạc”, vừa chính xác, vừa khoe được sản vật địa phương không mấy ai biết. Lối trò chuyện nhát gừng trống không của đôi vợ chồng Tày Du và Lu trong Song sinh cũng được anh khai thác để bộc lộ sắc thái ngôn ngữ: “mốc dác xằng dề/ kin da, nhằng dác cà lăng mòn” (đói bụng chưa/ ăn rồi còn đói cái gì). Tả ánh mắt của cô gái đẹp trong lúc bối rối “mắt chớp như cánh vẫy của loài bướm hoa”, da nàng “mịn như mỡ đông, tươi mát như sương loang mặt hồ”, “nàng đã có người con trai ngỏ lời như con chim đã có đôi, con suối có bóng núi làm bạn”…
Những câu văn đó là những hạt ngọc lấp lánh trong ngôn ngữ vùng mà anh đã kịp nhặt ra đưa về mảnh đất Cổ Lâu rải lên các trang sách để người đọc phải bám theo riết mạch truyện, khiến cho lối dẫn truyện quềnh quàng không trau chuốt bộc lộ đúng như lối sống mộc mạc của người dân Tày, trở thành thứ thủ pháp văn chương khá thành công lôi cuốn người đọc.
Ban đầu tôi nghĩ tại sao Cao Duy Sơn không lấy Súc Hỉ làm tên sách, vì đó là câu chuyện đậm chất dân gian nhất, ngôn ngữ cũng sắc sảo và trau chuốt nhất trong tập sách này. Nhưng khi đọc xong, gập cuốn sách lại mới thấy Nhà văn có lý. Mọi câu chuyện của anh đều là những ngôi nhà xưa và những con nguời xưa trong ngôi nhà đó cả, nó xưa xưa, nay nay đâu đó. Cả một mảng lớn văn hóa sống của người Tày được anh ôm trọn trong cuốn sách thành giọt sương lấp lánh trước ban mai.

Đ.Đ
18/11/2008