Điêu khắc ý tưởng

( viết về những tác phẩm điêu khắc ý tưởng của Vương Duy Biên.)
doduc
Chủ Nhật được rủ đi chơi ngoại thành, đến nhà một người trên đất Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội.
Anh bạn rủ đi kiên trì giấu tôi tên người ở địa chỉ đến thăm. Chỉ biết đó là ngôi nhà trong xóm, có nhà có vườn có cây, có chỗ nghỉ ngơi và có nơi làm nghệ thuật.
Hóa ra người quen cũ cả. Anh ấy là em một nhà điêu khắc danh tiếng, và xuất thân cũng từ nghề điêu khắc. Và nay đang là một quan chức trong bộ máy nhà nước, chỉ còn bước một chân nữa là lên hàng chính khách.
Nhưng với tôi mọi thứ đó không quan trọng, mà quan trọng hơn là những thứ tôi thấy trong ngôi nhà ngoại thành mà anh đã nhanh tay sắm cho mình trên chục năm nay. Hóa ra làm quan mà anh vẫn chuẩn bị cái sân sau cho mình khá là hoàn hảo. Anh vẫn nhớ mình là một nghệ sĩ, suy nghĩ vẫn trên cảm xúc nghệ sĩ. Anh chưa vì công việc trên quan trường mà đánh mất nghề như nhiều người làm nghệ thuật bước vào quan lộ. Những sáng tác của anh đã nói lên điều đó. Và điều khá bất ngờ là vài cụm tượng của anh làm tôi giật mình. Anh còn nguyên chất của một nghệ sĩ phản biện bằng tác phẩm. Tác phẩm của anh lăn xả vào thời cuộc như con chim nhạn bổ vào đầu chim cắt những miếng đánh thẳng góc trúng mục tiêu, quyết liệt không khoan nhưng nhưng nhẹ nhàng khoan thai của cái đầu tỉnh táo có văn hóa và có tri thức cuộc sống.
Anh ấy nói với tôi: em làm điêu khắc ý tưởng…
Anh không nói tôi cũng nhận ra ngay. Trong phòng chứa những tác phẩm đang sáng tác nhiều nhất là sơn mài, rồi tranh lụa, nhưng số đang hình thành cho những cụm tác phẩm điêu khắc thì theo tôi, nó vô tiền khoáng hậu, mở ra một lối thênh thang là điêu khắc ý tưởng thì rất tuyệt diệu. Nó đang hình thành những câu chuyện xã hội bằng tranh, cái mà ít người làm. Nó đang như một mảnh đất hoang chưa mấy ai khai phá và anh đã định dạng cho nó một cách minh triết như anh đã làm, đang làm và sẽ làm.
Xin lẩy ra đây một số tác phẩm anh đang làm sau những ngày bận rộn ở quan trường, những ý tưởng mà tôi nghĩ là xã hội đang rất cần những tiếng nói mạnh mẽ này.

1 – Tác phẩm: giờ ra chơi
5 tượng nhỏ mô tả động tác vạch chim tự đái của thằng bé.
Liệu còn ẩn ý gì trong tác phẩm hay chỉ đơn giản tự cầm chim đái?
chả nhẽ câu chuyện thường xảy ra với bé trai, chả nhẽ tượng chỉ là chuyện đi đái?
Tôi không phân tích, các bạn thử cùng xem và tìm hiểu xem sao?
Đái là sự tháo bỏ chất cặn bã trong cơ thể người. Bí đái có thể là người ta điên dại. Tắc đái người ta có thể chết vì bội nhiễm độc! Nhưng đái được thì người trở nên nhẹ nhàng thanh thoát bao dung. Đái, không đơn giản chỉ là đẩy được chút nước thừa ra ngoài, mà hơn thế nó loại độc tố ra khỏi người làm cho cơ thể lành mạnh hơn, và người ta cảm thấy hạnh phúc hơn.
Cho nên quan sát tư thế đi đái thì đó là lúc con người trở về tuổi thơ, hồn nhiên và đầy khoái cảm..
Với 5 tư thế đái của thằng bé, nghệ sĩ đã khái quát được toàn bộ nội hàm của việc thải độc này, các bạn ạ. Nó như là một tuyên ngôn nhắc cho con người, sự thải độc là cần thết cho sự sống đến nhường nào. Phải chăng đó là cái gốc khơi mở cho những tác phẩm sau này, trong tương lai và tạo hướng đi cho anh sau này, khi nghỉ hưu tiếp tục công việc cao cả này của người làm nghệ thuật.

Tác phẩm: Chiếc ghế đang chìm
Một bạn nhà báo che miệng cười, ghé vào tai tôi, gọi tên một quan chức vùa ngã ngựa.
Chiếc ghế quyền lực đang dần chìm trên mặt nước, những bọt nước nổi lên, người trên ghế không thấy đâu. Vậy là thân phận nhân vật không có mặt đã rõ!
Ha ha, tác phẩm cho ta luôn một suy tưởng: Bền vững nhất lâu dài nhất có lẽ không cần ghế mà ngồi ngay trên mặt đất thôi nhá.
AQ một chút nhưng an toàn cho cuộc sống chính mình. Còn nếu ghế bị chìm thì phải chấp nhận cuộc chơi, không nên oán hận ai và cũng đừng tự trách mình. Chơi ghê quyền lực là một cuộc chơi khắc nghiệt, nếu lưu manh gian giảo chưa tới tầm thì ngã ghế như chơi, nhất là khi lưu manh trong đám quyền lực chiếm số đông thì chìm ghế dư lày là chuyên thường, chuyện cơm bữa chứ chẳng có gì lạ
Tác phẩm đẻ lại một dư âm buồn vui hằn lên trong đầu người xem.

2 – Tác phẩm: kéo cưa lừa xẻ
Mới nhìn thật đơn giản, đó chỉ là một trò chơi trong ý tưởng mà không có thật trong trong cuộc sóng. Đó là tượng hai thằng bé say sưa cưa một quả khế! vật cứng nhất, cắt thứ mềm mại nhất, chả nhẽ chỉ là trò chơi, còn gì ẩn ý sau hình tượng này không? Tác giả nói với tôi: tượng này vui vui anh nhỉ, cưa quả khế chứ đừng cưa bom mà mất mạng! Một trò chơi vui vẻ khỏe người phải không?
Nhưng tôi giật mình nghĩ ngay: Không phải thế đâu, bạn định đùa tôi chăng?
Nhớ bài hát của Đỗ Trung Quân: ” Quê hương là chùm khế ngọt/ cho tôi trèo hái mỗi ngày”
Lại nhớ câu đồng dao ” Kéo cưa lừa xẻ, Ai khỏe về ăn cơm vua/ ai thua thì về tí mẹ”
tuyệt vời
Cùng một tác giả, lúc hài hước, lúc chính luận khiến người xem phải suy ngẫm nhiều trước các vấn đề được đặt ra và để tìm lấy câu trả lời cho mình. Có thể giống nhau mà có thể cũng khác nhau. nhưng rồi vẫn có điểm hội tụ như chiếc kính lúp lấy được lửa từ điểm hội tụ ánh sáng đó.
Nghệ thuật là sự phát hiện của nghệ sĩ , đến người thưởng thức tiếp một phát hiện nữa và sự bàn tán khôn cùng trên một tác phẩm đã định dạng!
Cưa khế an toàn ư? Khế là thứ quả mềm dễ cắt chia phần giống như bọn tham nhũng chia những đồng tiền sân sau mềm mại nhưng rồi khi bị phát hiện cũng sẽ nổ như bom và số phận cũng ngang bằng cưa bom thôi. Có phải thế không?
Đó là nghệ thuật đi vào cuộc sống. Đó là thứ nghệ thuật hàm chứa triết lí nhân sinh đậm đặc của chính trị xã hội nhưng tuyệt nhiên không phải chính trị theo nghĩa đơn thuần. Cho nên, chính trị nào mà biết vịn vai nghệ thuật để cất bước thì lúc đó chính trị trở thành bạn thân thiết của nhân loại. Chính trị nào dùng văn học nghệ thuật làm con sen đứa ở để sai bảo thì đó là thứ chính trị độc tài, tàn bạo và ngu xuẩn! Còn không, chính trị đơn thuần sẽ lộ nguyên hình là sự sở hữu của một nhóm người với nhưng mưu đồ chẳng có gì thơm tho và lành mạnh.
Những nền chính trị dởm thì luôn sợ, hoặc ngại Văn học nghệ thuật vì nghệ thuật là nhân văn, còn chính trị là thủ đoạn. Bản chất nền chính trị rởm đã ít nhân văn rồi. Nên chỉ khi chính trị đi cùng đường với Văn học nghệ thuật thì nó sẽ sạch sẽ lành mạnh dần lên
Nhẹ nhàng mà sâu như vực thẳm. Tác phẩm dựa trên sự sắc sảo của Văn hóa dân gian, có sức truyền cảm nhanh và đầy sức thuyết phục. Có điều nền chính trị bẩn nhìn thấy nó sau khi phân tích thì rét run lên như cầy sấy, vì nó bị lột truồng không còn gì để che thân, làm sao nó chấp nhận được.

3 – Tác phẩm: chum kinh nghiệm
Kinh nghiệm như những sợi dây được rút ra từ cái chum, hỏi trong cái chum hũ nút đó có bao nhiêu kinh nghiệm? thế mà mấy ông rút mãi không hết. Đó là một sự thật trần trụi đã diễn ra triền miên trong nhiều năm tháng qua: sửa sai, sai sửa, sửa lại sai, sai lại sửa…Cái vòng luẩn quẩn đó xảy ra loanh quanh trong cái chum tối om và khá hạn hẹp!
Đứng bên những tác phẩm này khiến người ta phải suy ngẫm về thế sự. Tác phẩm như một bái chính luận, còn hay và dễ hiểu hơn chữ nghĩa. Nói cho cùng nó cao và mạnh hơn chữ nghĩa vì dễ hiểu và ai cũng hiểu được vì nó mang tầm nhân loại!.
Thật là tuyệt với những tác phẩm thế này là sự phản biện quyết liệt trong xu thế đất nước, cái ngu xuẩn lì lợm đang nuốt chửng những cái hay, cái tốt đẹp của cuộc đời.
Nghệ sĩ phải biết trừng mắt nhìn vào những cái xấu lõa lồ đang diễn ra để mà chiến đấu. Vú vê mông đùi trong điêu khắc mãi rồi cũng trở nên chán ngắt và vô duyên giữ bể khổ trần ai!

4 – Tác phẩm : Mãn nguyện
Hì hục bắc thang leo lên cái ghế quá to rộng ngồi thu lu một góc, thân phận như “con chó tiền rưỡi” chẳng hiểu công việc là gì. Nhưng…lại khá mãn nguyện vì đã đặt đít lên được mặt ghế mênh mông! Đó là thực trạng đáng buồn khi đồng tiền chi phối được những vị trí xã hội. Bức tượng này sẽ là mở đầu cho một cụm liên hoàn câu chuyện về những chiếc ghế, bao nhiêu kiểu ghế và bấy nhiêu cách lý giải về sự thành công hay thất bại của kẻ leo lên đó!
Hỏi: ở ta có bao nhiêu viên quan lớn nhỏ leo thang kiểu này?

5 – Tác phẩm : Ai bảo tôi không làm được?
Câu chuyện ở đây rất hài hước, rất hay. Anh chàng đứng trong xô, nghiến răng dùng cơ bắp đang cố gắng nhấc cái xô lên, vẻ căng thẳng nhưng mù quáng, như muốn thề thề sẽ làm được
Họa sĩ Nguyễn Hoàng ở Sài Gòn xem xong phát biểu: “Nhà điêu khắc thiên tài người Pháp A Rodin ( 1840 – 1917 ) có tác phẩm bằng đồng có ý tưởng : người thanh niên nắm tóc mình cố gắng nhấc thân người khỏi mặt đất – tất nhiên không thành !
Trong sáng tạo nghệ thuật nhiều ý tưởng trùng hợp nhưng hình thức biểu đạt khác nhau – Âu là lẽ thường tình !”
Tôi xin nối lời Họa sĩ Nguyễn Hoàng: “ Tác phẩm luôn là những câu trả lời cho một vấn đề cuộc sống đặt ra, và sáng tác của nghệ sĩ là câu trả lời những vấn đề đặt ra đó bằng hình ảnh mình tạo ra. Góc nhìn phương Tây và phương đông khác nhau thì sẽ có những kiến giải khác nhau. Nhìn tác phẩm này rồi liên hệ với cuộc sống hiện tại thấy có sự bi thảm đến tức cười cho những loại người não ngắn, đang cố làm cái việc vô bổ, nhầm lẫn trạng thái thành bi kịch!. Còn nếu có ảnh hưởng thì đó là sự tiếp nối suy nghĩ của những nghệ sĩ mỗi thời đại! Người vĩ đại là biết đứng lên vai người khác…
Vâng, lại giật mình, vì câu chuyện phải diễn giải bằng nhiều trang giấy cũng không thuyết phục và dễ hiểu bằng hình ảnh anh chàng cơ bắp nắm chặt cái quai cáo sô muốn nhấc mình lên, khi bản thân anh ta đứng trong sô. Chống tham những ở ta có cái gì đó na ná câu chuyện này, bi và hài được đẩy lên cao độ!
Tôi chỉ lẩy ra 5 bức tượng mà anh đã làm và cuối cùng bức thứ sáu là “ hãy mở cả ra” như là sự đòi hỏi thúc bách trước cuộc sống: Vâng, hãy mở cả ra, đừng khóa chặt thì cuộc sống sẽ dễ thở hơn, sẽ lên hương hơn. Nó như tiếng kêu thống thiết của những tâm hồn đầy khát vọng sáng tạo. Nó là tiếng nói của lương tri!
Ai cũng biết luật pháp như những chiếc khóa cần thiết để giới hạn hành vi con người, giữ cho cuộc sống thăng bằng. Nhưng luật pháp cũng là thứ mở ra cho sự bình yên, ổn định. Mở thế nào cho đủ, là việc của những nhà chính trị, những nhà làm luật, còn người nghệ sĩ thì chỉ nói ước vọng của mình thôi. Cụm tượng hãy mở những ổ khóa là tiếng nói thống thiết của lương tâm của người nghệ sĩ. Mở hết khóa ra đâu có phải đòi hỏi quá đáng mà nó chỉ là câu chuyện nhân văn về quyền con người, quyền làm người. Còn trong đời sống cá nhân sự cởi mở chỉ mang đến điều hay. Chả phải dân gian đã có câu “ Xởi lởi trời cởi cho/ so đo trời co lại” đó sao!
Một buổi đi chơi thú vị, nó vượt khuôn khổ của việc lãng du mà thành một buổi học thấm thía về sáng tạo của người làm nghệ thuật. Thực tế bạn tôi là người trong cuộc và anh nhìn thấy rất rõ về cái vực thẳm đáng ngờ của cuộc sồng hiện hữu, cũng như lờ mờ nhìn thấy sự giải thoát . Tôi không muốn nói thêm về những tranh anh vẽ, và cả một sân khấu nhỏ có thể biểu diễn ca trù múa rối trong khuôn viên nhà anh dù đó còn là câu chuyện dài sẽ rất thú vị mà tôi dành cho một dịp khác. Tôi e rằng nếu kể hết nó sẽ làm loãng đi cái ấn tượng “Điêu khắc ý tưởng” của anh khiến tôi vô cùng thích thú.
Những sân khấu, những tranh sơn mài anh đang làm, nhưng bức lụa dở dang từ thời kiếm sống những năm khó khăn còn đó…tôi sẽ không kể lể trong bài viết này…Mà tôi nghĩ đó là chuẩn bị lâu dài của anh cho cuộc đời nghệ sĩ của mình khi rời quan trường. Đó là cái sâu xa của cuộc sống anh đã đặt ra trong các tác phẩm “ Điêu khắc ý tưởng” đã hình thành trong anh vuông vắn và khúc triết.
“Quan nhất thời, dân vạn đại’- Ở cuộc sống quan trường mà không quên cái gốc gác nghề của mình, không quên cái bản thể làm nên mình thì đó là hạnh phúc bền vững của bạn tôi. Chức mừng anh! 30/10/2017

Vĩ thanh: Tôi ước một ngày nào đó những tác phẩm này sẽ hiện diện ở những công viên văn hóa, ở những quảng trường đi dạo. Nó là những phản biện sắc nét làm cho mỗi người có thể rút ra cho mình nhưng suy ngẫm nhân văn trong cuộc sống mỗi khi xem tượng. Những bức tượng không để mua vui, mà là trí tuệ sắc sảo chỉ ra những chân trời mới cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn!