Tiếng nói ba thế hệ

Doduc
Bắt gặp một triển lãm của ba cha con tại Bảo tàng Mĩ thuật hồi đầu tháng Mười: họa sĩ Nguyễn Văn Chung- sinh 1936, nguyên giám đốc Bảo tàng, họa sĩ Đào thành Duy, sinh năm 1959, con rể và cậu út của gia đình, Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 1974.. Nhìn năm sinh của các thành viên thì nhận ra ngay đó là ba thế hệ.
Ba thế hệ, ba không gian sống, ba cuộc sống và ba cách nhìn
Một nhà phê bình nghệ thuật Pháp đã từng nói rất đúng rằng nghệ thuật không có sự tiến bộ, vì nó là tiếng nói của thời đại. Thời đại nào thì có tiếng nói đó. Triển lãm này cho thấy rất rõ điều đó
Nguyễn Văn Chung là họa sĩ của thời chiến tranh. Ông là sinh viên những lứa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mĩ thuật Việt Nam (sau này là Đại học mĩ thuật Hà Nôi). Ông được thụ giáo bởi những giảng viên tốt nghiệp Mĩ Thuật Đông Dương và có hai năm học tập ở Cộng hòa dân chủ Đức. Ông vẽ chỉn chu, hiền lành trên từng nét bút.Cuộc sống chiến tranh hầu như trùm lên toàn bộ các bức vẽ của ông. Còn lại đây hàng trăm kí họa chiến tranh. Chiến tranh qua các gương mặt các mẹ các o, những lão dân quân, những cán bộ…Những người dân cầm súng đi trong cuộc chiến nhưng dáng vẻ lặng lẽ, không ồn ã và không vội vã. Chiến tranh trong góc nhìn ông không gân guốc, không nghe tiếng bom đạn, không khói lửa gào thét, mà nó như một công việc thường ngày, lại còn có cả trăng mơ…Vừa gần gũi , vừa xa xăm.
Những tác phẩm lụa như “Trăng non”,“trăng trên cồn cát”, mấy cô dân quan đeo súng tuần tra, như đi dạo, còn pha chút lãng mạn nữa.
Giờ thì tôi đã nhận ra tranh của ông chính là bức chân dung ông. Con người mà dáng vẻ chẳng lúc nào vội vã. Nét vẽ của ông trong tranh luôn từ tốn làm cho người xem hầu như chỉ thấy hơi thở nhẹ của chiến tranh. Chiến tranh cũng trở nên bình dị quen thuộc thường ngày như cơm canh cà, như rau muống chấm tương vậy, và nó cũng là lối sống một nếp sống ở ông. Tranh ông là như vậy.
Tom lại từ con người ông đến tác phẩm luôn là một. Đó là đôi bạn song hành suốt cuộc đời !
Ngẫm về ông, tôi chợt nhớ đến một người bạn, nhà thơ Lò Ngân Sủn cũng đi suốt cuộc chiến tranh, nhưng thơ anh cũng không có tiếng súng, lúc nào cũng chỉ nhắc đến tình yêu, thậm chí tình yêu luôn “giáp hạt”…Cả đến khi chiến tranh biên giới khốc liệt, anh vẫn viết những dòng thơ thật mượt mà :” Chiều biên giới em ơi ,Có nơi nào xanh hơn, Như chồi non cỏ biếc, Như rừng cây của lá ,Như tình yêu đôi ta” và khi căng thẳng nhất thì cũng chỉ thế này thôi “Chiều biên giới em ơi, Đôi ta cùng chiến hào, Gần nhau thêm bền chí, Tình yêu là vũ khí, Giữ đất trời quê hương.”
So sánh thì khập khiễng nhưng tâm thái sáng tác và các nghĩ về chiến tranh của nhà thơ này và họa sĩ là khá gần nhau!
Xem Đào Thành Dzuy,con rể ông và con trai út Nguyễn Thanh Hiếu vẽ ông bảo: chúng nó vẽ khác, tôi “không hiểu” (ông nhắc: từ “không hiểu” phải để trong ngoặc kép) nhưng kệ nó, nghệ sĩ thì phải có cái riêng của mình! ( trích bài viết của Hạnh Đỗ)
Đào thành Dzuy vẽ khoáng hoạt. Anh là thế hệ họa sĩ sống tự do trong hòa bình, việc vẽ để kiếm miếng cơm manh áo sau ngày thống nhất đất nước không phải chuyện nhỏ, nên anh vẽ nhiều và rèn luyện kĩ thuật màu nước trên dó đến siêu đẳng. Cũng có thế mới mong bán được tranh.
Tranh Đào Thành Dzuy có thể tóm lược bằng bốn từ là “ hoa lá cá gái” nhẹ nhàng, hơi sến một chút nhưng là những tranh gần gũi cho đời sống bình yên trong các gia đình. Có những tác phẩm vẽ cá, vẽ sen to đến vài mét vuông. Xử lý kĩ thuật không phải dễ dàng, nhưng anh đã làm việc rất tốt trên chất liệu khó tính này. Nắm được và điều khiển được chất liệu cần có một kĩ năng hoàn hảo, thuộc tính nết của chất liệu, tranh của anh rất ít lỗi kĩ thuật. Đào Thành Dzuy đã tạo cho mình một hướng đi an toàn và chắc chắn.
Nếu tranh của người bố là toàn tâm toàn ý cho cuộc chiến, vẽ về con người với súng ống thì đến thời con ông những thứ đó vắng hẳn trên tranh. Con người trong tranh của Dzuy chỉ là lơ mơ một cái lưng thiếu nữ ở trần hoặc một góc nude kín đáo. Còn lại anh dành cảm xúc cho phong cảnh, cỏ cây, tĩnh vật hoa trái, một cuộc sống hiền lành trở về với những khoảnh khắc thiên nhiên nho nhỏ, lặng lẽ mượt mà hoặc mơ ảo tí chút. Và giờ đây thì đã thành lối đi quen thuộc, riêng biệt của anh. Đã định hình rồi.
Nguyễn Trung Hiếu , con trai út của họa sĩ trở thành họa sĩ đồ họa báo chí. Thi thoảng vẽ. Nhưng cho thấy dù bút lực trẻ trung mạnh mẽ thì anh vẫn coi hội họa những cuộc ghé thăm bất chợt rồi lại nhãng ra. Những tranh trong triển lãm nói lên rất rõ điều đó.
Ba thế hệ trong một phòng tranh để đủ cho ta nhìn rõ những khác biệt trong sáng tác qua những thời kì đất nước của những lứa tuổi khác nhau. Tất cả những gì chuyển biến của cuộc sống đều hằn lên trong tranh của mỗi thế hệ. Mục đích, ý tưởng sáng tác và suy ngẫm về thời cuộc. Dù vẽ gì thì ta vẫn thấy chân dung cuộc sống trong mỗi thế hệ hằn lên trên bức vẽ dù là họa sĩ có thói quen vẽ hiền lành hay khoáng hoạt. Hội họa luôn là tấm gương phản chiếu xã hội và nhưng tâm tư, thái độ của người nghệ sĩ trước cuộc sống! 31/10/2017