Đại Quản gia

Trước đây và sau này Hội Mĩ thuật sẽ khó tìm đâu ra một Trần Khánh Chương thứ hai giỏi hơn việc tổ chức hành chính cho công tác Hội. Bất cứ ai cũng phải thừa nhận điều đó.

Hoạt ngôn mềm mỏng, nhìn mặt người khác lựa lời, làm vừa lòng mọi người khi tiếp chuyện, khó có ai bằng ông ấy.

Tôi biết những ngày ông đôn đáo đi các tỉnh thuyết phục địa phương bỏ tiền, bỏ công sức ra để triển lãm khu vực, không hề là việc dễ. Với đội ngũ quan chức mù tịt về nghệ thuật, chỉ thích nghe những dự án mang tiền đến chứ không thích chuyện móc hầu bao ra lo cho việc bày tranh của các họa sĩ, sẽ khó có ai làm được như Trần Khánh Chương là thuyết phục họ làm bằng được, he he. Đó là những tiền đề ông Chương đã tạo ra, để có lý do yên vị  trên ngai Chủ tịch đến này là khóa thứ tư. Anh mà mang những điều đó ra thách thức mọi người làm theo thì khối anh sợ vãi!

Cái gì tồn tại cũng có cái lý của nó chứ chứ đâu như người ta nghĩ chỉ là sự lì lợm mà xong, dù sự lì lợm luôn có vai trò quan trọng!

Chỉ có điều, đây là Hội mĩ thuật, không phải cơ quan hành chính. Với tôi, ông Chương lãnh đạo Hội mấy khóa qua đã hành chính hóa thành công một hội nghề nghiệp bằng cách nắm trọn việc to đến nhỏ, làm rất giỏi những việc có chất mở rộng phong trào, tay năm tay mười sắp đặt mọi việc, khiến anh trở thành một đại quản gia của chính thể này. Khi chính quyền còn cấp tiền cho một Hội hoạt động và nhìn đội ngũ làm văn học nghệ thuật như một phương tiện phục vụ cho những lợi ích trước mắt của chính thể thì anh là một quản gia đáng tin cậy nhất. Ông từng thì thầm: “Làm hay không còn có sự lựa chọn của trên, không phải cứ muốn là được”. Ông biết mình là một quân cờ, mà cái ham việc của ông quá phù hợp

Cái cách ôm hết việc, nắm hết quyền lực to nhỏ thực ra không phải riêng ông Chương mà cách làm chung của nhiều Hội nghệ thuật. Họ đều thế cả. Các hội ấy hội viên cũng kêu như vạc. Vấn đề ở đây là ông Chương làm hiệu quả nhất và hợp với cấp trên!

Hầu hết Ban chấp hành các Hội cũng gần giống như một thứ Mặt trận tổ quốc bên chính quyền, mờ nhạt lắm, dù điều lệ Hội có quy định rõ ràng vai trò trách nhiệm quyền hạn của cả Ban chấp hành…Họ lười hay sao không biết mà rồi chỉ có ông Chủ tịch, bà chủ tịch nắm hết mọi thứ tay dao tay thớt.

Cho nên ông Chương xét cho cũng cũng chỉ là sản phẩm của thời đại. Thời đại nặn ra ông ấy để dùng vào việc ấy, khiến ông vừa là nạn nhân vừa là tội đồ. Nhìn nhận như thế không biết có công bằng không.

Nhưng vì thế khi ông lãnh đạo Hội mĩ thuật, cái hội chỉ có ý nghĩa khi nó có hoạt động sáng tạo, thì cách làm của ông có tốt mấy thì cũng vẫn là tai họa. Ông càng lãnh đạo lâu bao nhiêu thì sự buồn tẻ kéo dài bây nhiêu. Ba bốn khóa quả là mệt mỏi với một hội nghề cần sự sáng tạo (trừ mấy bác nghiệp dư và quen làm phong trào thì khoái!)

17/12/2014- viết sau đại hội.