Kẻ cô đơn

 

 “NgườI về cởi áo lau son phấn

Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường

( “Kiếp cầm ca” của Viễn Châu)

Dongngan

Người làm nghệ thuật có lẽ là kẻ cô đơn nhất trên đời.

Tôi đã sống trong môi trường đó đủ để chiêm nghiệm.

Là họa sĩ đã từng cả mấy chục năm trời đánh vật với một chất liệu để hiểu về nó, chinh phục nó, thấy khó như chinh phục được người mình yêu…Mà có khi còn khó hơn.

Đi đâu nói đến chuyện không biết bia rượu, người ta không tin. Họa sĩ các ông thằng nào mà chẳng bia rượu như thụi, thằng nào chẳng say sỉn!

Cũng đúng một phần nào, rượu đôi khi cũng là người bạn giải tỏa những áp lực.

Đắm mê thì phải vậy thôi.

Có người bảo hình như làm nghệ thuật ông nào cũng hơi nghiêng nghiêng. Có nghiêng nghiêng thế mới dám làm những việc không ai dám làm. Có lẽ cũng đúng.

 

Ở Hà Nội có Đào Anh Khánh, một người say mê với trình diễn, sắp đặt nhiều năm nay. Còn nhớ cuối năm 2009 với dự án nghệ thuật khủng : “Đáo xuân” ở một làng bên kia sông Đuống, Đào anh Khánh đã để lại ấn tượng khó phai mờ cho những ai đã từng chứng kiến. Đó là sự kết hợp tuyệt vời của dàn dựng, trình diễn với âm thanh, ánh sáng của cả một tập thể những người “ chơi” nghệ thuật đến mê dại do anh cầm trịch.

Với tôi đó là một sự kiện văn hóa lớn, đặc sắc của cả thập kỉ chứ không phải trong năm, chỉ có thể thực hiện được ở những kẻ say mê đến điên rồ, và cũng cô đơn đến tận cùng mới thực hiện được. Người ta bảo Anh Khánh làm được là do có sự tài trợ tiền nong của sứ quán Đan Mạch. Nhưng tôi quả quyết đặt số tiền đó vào tay người khác cũng không ai làm nổi. Ông Đại sứ trong buổi khai mạc đã gọi Khánh là Khánh điên. Anh khánh của ngày thường cũng là người lặng lẽ như một cô gái

 Về chuyên điên, người ta có thể bị điên với nhiều lí do nhưng cái gốc của nó xuất phát nhiều khi từ sự cô đơn!

Những nghệ sĩ sáng tác là nhu vậy, lui vào cái cô đơn mới cho ra được những giá trị làm say mê công chúng. Tiếng võ tay chỉ là dấu chấm hết cho một thành công, mà để có sự thành công đó thì người nghệ sĩ vắt kiệt sức mình.

“Được tiếng khen, ho hen chẳng còn” là như thế.

Sự cô đơn bộc lộ ra ở nhiều trạng thái: ít nói cũng có, nói như máy khâu cũng có, lặng lẽ với rượu cũng có, đàn đúm say sỉn cũng có…Những cái đó chỉ riêng ai ai biết…

Người đẹp cũng vậy thôi, sau buổi diễn trên sàn can-vat, đến nhà thì rã rượi. Giữ eo giữ cốt đẻ giữ nghề đến cả lấy chồng cũng không phải là chuyện dễ dàng. Lấy đại gia cũng đầy cạm bẫy, hôm nay là ngọc nhưng ngày mai là rẻ rách. Người mình yêu có khi lại nghèo, hoặc người ta cũng ngại ngước lên. Cuộc sống vận động không cùng mà đời người ngoảnh đi ngoảnh lại đã bước vào tuổi già.

Một bạn gái của tôi bảo: “em đã từng thi tuyển diễn viên, nhưng rồi một hôm xem phim, thấy cảnh một diễn viên sô- lit nổi tiếng đứng lăng trên sân khấu. Sau tràng vỗ tay điên dại của công chúng đam mê, họ lục tục ra về. Sân khấu nhà hát phút chốc trở nên mênh mông vắng lặng đến khủng khiếp. Người nghệ sĩ từ từ ngồi xuống ghế như con tằm đã rã hết tơ…Không còn một ai hâm mộ bên cạnh. Lúc đó xuất hiện một khán giả cuối cùng ở hàng ghế cuối hội trường đi lên nói với nghệ sĩ: “Để tôi đưa cô về được không…”

Chứng kiến cảnh đó, suy nghĩ một đêm em ngộ ra , em từ bỏ con đường nghệ thuật, vì hiểu rằng mình không thể chịu dược cái áp lực của sự cô đơn nếu dấn thân vào con đường đó.”

10/1/2011