Nhớ một Noen buồn

Doduc

Mấy hôm nay trên các blog, chuyện ngày Noen vui tràn ngập. Các hình trang trí thay đổi hàng ngày hàng giờ. Những cây thông Giáng sinh phát quang lấp lánh, hình ảnh Chúa hài đồng được nhiều blog đưa lên rộn ràng như tết. Dường như không có gì quan trọng hơn ngày Chúa giáng sinh.

Nhưng với tôi, Noen đã có một lần gắn với kỉ niệm buồn. Đó là năm 1972. Hôm ấy tôi cùng đoàn công tác từ Lạng Sơn về Thái Nguyên.Xe xuôi đường Hà Nội .đến Hữu Lũng thì bắt đầu có hiện tượng ùn. Hàng đoàn hàng đoàn nối nhau chờ vượt phà. Nhìn phía Tây nam, hướng ấy là Hà Nội,thỉnh thoảng một quầng sáng bùng lên âmu. Thi thoảng lại thấy cả chùm pháo sáng lơ lửng như ma trơi. Lẫn trong tiếng động cơ ô tô, rì rầm tiếng phản lực, tiếng ù ù của thằng cặp rằng B52. Chờ nửa tiếng xe không nhích nửa mét. Nguy cơ bị đánh bom là có thật. Ở cơ qua điện về gấp từ chiều. Bỗng một người trong đoàn nhìn thấy thủ trưởng mặc bộ đại cán,đầu đội mũ lưỡi trai mềm quân đội, chỉ còn thiếu quân hàm là giống sĩ quan bèn nảy ra sáng kiến, rút trong túi ra chiếc băng đỏ của cảnh vệ, lồng luôn vào cánh tay phải. Thủ trưởng ghếch tay lên cánh cửa xe Uoát. Lái xe cũng đồ lính sờn, chỉ thiếu có ngôi sao trên mũ. Thế là xe bắt đầu lách. Mọi người nhốn nháo khi thấy chiếc Uoát rồ máy. Xe chúng tôi thực hiện không nói, chỉ ra hiệu. Trong bóng tối nhập nhòe thấy vị mắc áo đại cán, tay có băng đỏ thì chắc chắn đó là sĩ quan quân đội có công vụ khẩn. Không ngờ cái băng đỏ lại tỏ ra hiệu nghiệm đến thế. Cánh trật tự giao thông trông thấy xe rướn lên là vẫy cờ làm tiêu cho xe lách. Thế là đáng lẽ ba giờ thì rút xuống còn ba mươi phút thoát qua phà Hữu Lũng.

Rẽ qua Phú Bình để về thị xã thì nghe tiếng sấm rền của B52. Mọi người xanh mắt. Xe về đến cơ quan thì thành phố tràn ngập khói bom và thuốc súng khét lẹt. Noen năm ấy thành phố Thái Nguyên, khu gang thép bị B52 quét không còn gì để nói. Những phi công Mĩ chắc phần lớn là tín đồ Kito giáo đã mừng giáng sinh bằng một hành động hủy diệt.

Như tôi đã từng ghi lại trong câu chuyện “ước mong sống cho đến ngày hết chiến tranh” của chị Dung, nhưng chị và bốn đứa con đã bị B52 vùi chết ngay đêm Giáng sinh năm ấy dù hầm kèo tránh bom đã được đào sâu dưới gốc bụi tre già. Mẹ con chị đã bị cưỡng bức về với nước Chúa bởi chính con chiên của Người.

Nghe chuyện này, mọi người bảo cứ sống mãi với qúa khứ làm gì. Nhưng tôi nghĩ khác,chúng ta hôm nay đang yên lành nhưng biết đâu vẫn có một nơi nào đó trên trái đất lại diến ra cảnh như năm 1972 ở Thái Nguyên năm xưa. Sự ghi nhớ sẽ chẳng bao giờ là thừa!

21/12/2009