Câu chuyện đất đai

Quê tôi là huyện ngoại thành Hà Nội, làng lấy nghề buôn là chính. Việc cấy hái chểnh mảng, phần nhiều thuê người làm. Nên khi có dự án công nghiệp lấy đất thì mọi người đồng ý bán đất ngay. 60hec ta đất ruộng bị bới bừa. Qua bốn năm rồi mà theo chú em tôi, dự án chỉ mới xây được vài cái nhà nửa kho nửa lều, chẳng thấy làm gì. Đất bỏ hoang cho cỏ và gai xấu hổ mọc, trông cũng tiếc nhưng đất ấy nay có thu hồi cũng không cấy cầy gì được. Còn dự án ư? Có lẽ họ sắp xé ra bán đất xây dựng rồi…
Chú lại kể: nhưng khi bán đất xã cũng hời ra phết. Riêng đám bờ ruộng không phải thanh toán cho dân gom lại được dư trên bốn tỉ làm quĩ gì đó. Toàn là chuyện tiền và tiền.
Nghe chú nói, lại nhớ ngày còn bé trên vùng trung du tôi đi chăn trâu, bờ ruộng rộng đến hai ba mét cho ô tô đi được. Trên đó chỉ toàn cây sim, cấy mua mọc um tùm. Tính ra cánh đồng trăm héc ta thì bờ cũng chiếm đến vài ba chục. Sau hợp tác xã làm bờ vùng bờ thửa đất ruộng dôi ra đôi phần. Đến khi khoán mười, không còn hợp tác xã nữa thì bờ tiếp tục nhỏ đi. Người ta vạc bờ nhỏ như sợi dây, chỉ còn là cái vách ngăn nước cho các thửa. Bây giờ, cái gọi là bờ ruộng đi không đặt nổi bàn chân. Đất bờ được tận dụng hết cho cây lúa chứ đâu phải đất đẻ ra…
Đất dôi ra là thế. Mấy ông quản lí chân giầy cứ tưởng đất nhiều, thấy sản lượng lúa hàng năm tăng cao cứ tưởng bở thừa đất đi kí kết làm sân gôn bừa bãi, tưởng ta sắp tiến lên cấp thế giới để chơi môn thể thao quí tộc. Các bác chẳng biết mấy chủ đầu tư sân gôn là mấy vị đầu cơ đất khôn ranh cỡ bự, chỉ cần thay đổi mục đích sử dụng đất là các ông ấy hốt bạc tỉ ngay. Mà thay đổi mục đích sử dụng khó gì đâu, họ làm nhanh như chớp khi có tiền bôi trơn. Nghe đâu ở Hải Dương hay Hưng Yên đã có những khu biệt thự trong sân gôn rồi đó.
Kí bừa, chỉ nghe dự án là đã nghĩ đến vơ tiền nên câu chuyện đất đai mới nóng bỏng. Thử hỏi đó là tầm nhìn hay là tầm tiền đây?.