Đường về quê

Doduc
Tuần vừa rồi về quê thăm mẹ. Khi đến cánh đồng Cù Vân thấy lúa đang ngả màu vàng in lên nền lam núi, mấy người bạn từ Hà Nội đi cùng hô lên: mở cửa ra để ăn gió tươi. Đang gần giữa thu, những cơn gió ngan ngát hương lúa chín lùa qua cửa xe, mặt đứa nào cũng phê phê bởi hơi mát miền rừng quện trong hương lúa. Không khí ấy ngàn năm như thế nhưng với một vài bạn tôi thì đó là cái mới đầy cảm xúc khi thoát khỏi phố phường chật hẹp và ô nghiễm.
Có một thứ cách đây chừng nửa thế kỉ là gợi mở ra nhiều cảm xúc như cây cột điện cao thế, ống khói nhà máy, thì hôm nay lại là mầm phản cảm. Mấy tay máy giơ lên rồi ngay lập tức nắp máy đóng lại, không chụp nữa, mấy cái cột điện lộn xộn hãm quá!

Mỏ núi Pháo đất đỏ hoe, xe gầu xe tải như kiến bò, cần mẫn. Nhưng đi qua chẳng thấy ai xúc động khi biết việc khai mỏ đụng chạm đến mức xô xát với người dân sở tại. Bây giờ khá nhiều cái dự nọ án kia ăn đất đều gây ức chế. Rõ ràng có những điều gì đó không ổn trong cách làm. Tài sản dưới lòng đất nơi họ sinh sống bị đến lấy đi, dân không được đền bù thỏa đáng. Họ chẳng được gì mà hại thì thấy nhãn tiền thì làm sao không gây nên chuyện thương tổn giữa con người với nhau.

Qua suối Cát, đứng trên cầu Huy Ngạc, cửa ngõ của thị trấn Đại Từ, nhìn dòng sông cạn khô. Những doi đá và cát như vồng cao lên khiến dòng nước chảy ngoằn ngoèo, không còn phì nhiêu như ngày nào. Nhưng rồi chỉ một cơn mưa kéo dài nửa ngày là sông lại lồng lên như ngựa vía, dòng nước sẵn sang vùi dập những gì chắn đường đi của nó. Khi rừng bị tàn phá thì dòng sông trở nên già nua, tính khí thất thường như kẻ cô đơn.

Qua cầu Suối Long, rẽ trái đi vào Hoàng Nông , một xã nằm ngay dưới chân dãy Tam Đảo hùng vĩ thì những nương chè hiện ra. Cái mới duy nhất thấy ngay là những đường liên xã tuy không rộng lắm nhưng đều rải nhựa, xe cộ đi lại thoải mái và thuận tiện. Còn đời sống vật chất thì chẳng khác xưa là mấy. Nông thôn bao giờ cũng biến chuyển chậm và dễ nhìn thấy ngay là nông thôn chưa được coi sóc đúng với năng lực của nó. Vẫn chưa thoát khỏi cảnh tự sản tự tiêu. Một miền đất bán sơn địa trù phú có thể hơn nếu có những kế hoạch đầu tư ngay ngắn cho đầu ra sản phẩm.

Về đến Bản Ngoại mảnh đất tôi sinh ra thì cái thấy ngay là mái nhà đông lên và nhiều nhà xây thay thế cho nhà tranh vách đất, mặc dù đó cũng chỉ là những căn nhà cất trên nền đất cũ, nhỏ bé vừa đủ sống đạm bạc, đủ giữ cái ấm khi mùa đông đến. Những đứa bạn thời chăn trâu bây giờ già nua hệt như những thế hệ trước đây khi vào tuổi sáu mươi. Tất cả đều sống chầm chậm nhưng cái già lại sầm sập nhanh đến mức khó hiểu. Lâu nay ở đây có cái gì đó giống thời chiên tranh: Con cháu lại lớn lên bên ông bà. Còn bố mẹ chúng bứt đi làm xa. Đứa theo chủ bưởng làm quặng, đám khác thì dắt nhau đến những công trường xây dựng các miền. Một lực lượng đáng kể nam tiến vào tận Sài Gòn xung vào những công trình xây dựng làm đủ thứ việc từ bôc xếp, thợ hàn thợ hồ, thợ xây đến lăn sơn hoàn thiện. Nhiều việc và nhiều nghề. Sự chuyển động ngấm ngầm tự phát để kiếm sống. Bây giờ qui đầu người , mỗi nhân khẩu trong xã chỉ còn một sào ruộng, nếu không đi thì ở nhà cũng không có việc làm khi đất làm nông ngày một co lại khi dân số tăng lên.
Bát ngát một nỗi ưu tư trong chuyến đi. Một tương lai không rõ ràng cho nông thôn vùng trung du này. Nhưng người ta vẫn sống vui vẻ và không nghĩ xa. Vẫn một tâm lí thông thường như xưa: “Khéo ăn thì no/ khéo co thì ấm”. Chỉ những nơi có những dự án lấy đất chuyển dân thì ồn áo lên một chút. Còn lại thì vẫn là vùng đất bình yên trong cái đạm bạc thôn quê tự thuở nào.

22/9/2012