Lạy trời cho nước ta nghèo

Một người bạn Buốc- ki-na pha- sô nói với tôi: đất nước chúng tôi không có dầu lửa, nhưng vì như thế mà dân nước tôi hanh phúc. Sự yên bình với chúng tôi quí hơn tiền bạc. Các anh nhìn Irắc đấy nhiều dầu để làm gì, khi mà đất nước anh bé nhỏ, dân tộc anh hiền hậu, anh sẽ bị cướp.
Từ triết luận ấy tôi bỗng bật ra ước ao: giá mà chúng ta không có mỏ bô xít Tây nguyên trữ lượng khai thác trăm năm chưa hết, giá dưới lòng biển Hoàng Sa, trường Sa không có dự báo trữ lượng cả ngàn tỉ tấn dầu thì đâu đến nỗi làm cho lòng người cả nước bất an. Quốc hội họp đâu phải nóng lên bởi các câu chất vấn khiến các bộ trưởng trả lời có lúc trở nên hàm hồ vì không nắm được việc phải nói liều. Không dầu lửa, không bôxit thì khỏi phải lo giải thích việc đồng thuận hay không đồng thuận. Tôi thấy nhiều gia đình khi thiếu thốn lại hạnh phúc vì biết dựa vào nhau, nhưng khi có tiền rồi thì tan tác vì những ham hố riêng tư. Bởi vậy có người trong chiến tranh là anh hùng giết giặc, nhưng về thời bình lại thành anh hùng ăn cắp. Vì thế ở ta quan nghèo, quan thanh liêm cực hiếm. Hiếm như kim cương.
Câu nói khoe của chẳng dựa trên sự khảo sát nào trên diễn đàn bỗng chợt làm tôi vụt nhớ lại ngày mới thống nhất đất nước, có anh cán bộ bảo rằng trữ lượng dầu mỏ của nước Mỹ so với ta giống như cái tem dán trên đít con voi. Lúc ấy tôi tin điều đó nhưng đó là thứ niềm tin mù quáng. Đến bây giờ thì mọi việc lại chẻ hoe: trữ lượng dầu mấy mỏ Bạch Hổ gì đấy khai thác mới có mấy năm,nay đang cạn dần. Té ra những thư thông tin nghị trường, (và đôi khi dính cả vào báo chí) nhiều khi có giá trị bông phèng không kém chuyên tiếu lâm. Có thể nói đây là loại tiếu lâm mới trong thời kì phát triển của chúng ta: Tiếu lâm nghị trường.
Thực ra những chuyện trên chẳng mới mẻ gì. Một bạn bảo tôi anh hay đụng vào vấn đề nhạy cảm. Nhạy cảm gì đâu, nó chỉ nhạy cảm với kẻ tham lam ác bá chứ đó luôn là câu chuyện thật với muôn dân.
Năm 1982 tôi biết có một vị đại biểu hội đồng nhân dân thành phố đã từ chối khi được cấp chiếc xe đạp để đi lại họp hành đỡ mất thời gian chờ tàu điện. Nhưng hết nhiệm kì, chị được xếp vào làm ngành thuế vụ, và rất nhanh sau đó trở nên giàu có, xây nhà dựng cửa và sống khác trước đến một trời một vực. Người ta có thể một lần từ chối chiếc xe đạp, nhưng không thể từ chối nhiều lần tiền kề sát miệng mà lại dễ cầm do vị trí làm việc đem lại. Việc làm đó mất dần kỉ cương, dần dà họ quên mình đang là gì của dân mà chỉ nghĩ đến cái lợi của mình. Thế cho nên một người nghiên cứu văn hóa dân gian bảo: chuyện cô Tấm hiền lành cần được xem lại. Hiền lành mà lại cái việc làm ác độc hơn cả Cám, biết làm mắm con Cám để gửi đến mẹ nó. Đó là cái ngu được thức tỉnh sẽ ác hơn cái ác.
Lạy trời cho nước ta nghèo để những thế lực tham lam ngoại biên đừng nhòm ngó, để cho mọi người gần nhau vun vén cuộc sống, để lòng người không bị li tán. Mà cũng nói thế thôi, chắc đâu ta đã có gì, có khi chỉ chết vì vạ miệng. Cho nên mới có chuyện tên cướp giết người xong lục túi chỉ có mấy ngàn bọ. Thế mà cũng mất một mạng người!18/6/2009