Lo

1 – Cô bạn tâm sự:

“Vợ thằng em em ở tỉnh sát biên, nó lại làm việc dưới này nên việc chăm con giao cho bà ngoại. Vợ nó giáo viên mải dạy trong dạy ngoài chả có mấy thì giờ ngó đến con. Hôm mới rồi em về mua cho cháu mấy tập truyện thiếu nhi làm quà. Nhìn thấy truyện mắt nó sáng lên.Tưởng bà vui, ai dè bà lạnh nhạt: Chị mua sách làm gì, cầm được truyện là hí húi đọc, bỏ cả học. Mấy tập trước chị mua, tôi phải giấu biến đi đấy. Mua lắm tốn tiền!”

Cô bạn tôi bần thần: em bị choáng quá. Con mình thì cắm đầu vào Ipat, không bao giờ chịu đọc một trang sách, đến mức phải thu hồi Ipat không cho chơi nữa, mà vẫn không chịu đọc. Còn cháu mình ham đọc sách thì bà lại cấm.

Bà cấm vì bà coi đọc sách không phải là “ học”.

2 – Cô bạn khác có chồng làm ở một tổ chức quốc tế. Chồng đi đâu là kéo theo cả gia đình. Ở các nước, cháu học trường quốc tế, tiếng Anh thông như cháo. Hôm mới đây nghe cô phàn nàn: Anh ạ, con nhà em bây giờ chỉ đọc sách nước ngoài thôi. Truyện gì trong nước nó cũng kêu chán. Văn hóa trong nước thì mù tịt. Bây giờ vợ chồng sắp hưu về nước thì con mình cứ ngơ ngơ như g người ở hành tinh khác. Cái gì trong nước nó cũng thấy lạ, thấy chán. Em biết điều đó có ý thức hướng nó mà đâu có được. Nhà hai đứa con thì hai đứa thành Tây cả, chả biết sau này chúng thế nào. Đứa lớn đi làm rồi nhưng nó cứ Tây hóa cuộc sống. Văn hóa Việt của nó chả có tí gì trong đầu. Em chẳng biết làm thế nào!

3 – Một buổi sớm tại quán cà phê ở Cung văn hóa thủ đô.

Hai vợ chồng trẻ dắt hai con vào quán. Vợ chồng trong lúc đợi caphe thì thì lúi húi với Iphol bấm bấm gạt gạt. Hai con hai Ipat quả táo hẳn hoi, vừa mút nước ngọt qua ống nhựa và chăm chú chơi gêm. Hai đứa chắc cũng không đọc sách. Một lúc thấy anh chồng trẻ béo múp buông máy xuống bàn, tựa lưng vào ghế nhìn hai con hãnh diện, khi thấy vài thanh niên trẻ ngó sang Ipát nhãn quả táo vẻ thèm muốn. Cái khoái khoe vật chất của vợ chồng trẻ chắc chắn đạt yêu cầu, nhưng con cái họ sau này sẽ ra sao khi chỉ giỏi chơi gêm.

Lâu nay nói đến học là người ta chỉ nghĩ đến trường sở và sách giáo khoa, còn sách truyện hay các lại sách khác là đọc cho vui, không phải là học. Đó là nhận thức hết sứ phiến diện của một số bậc phụ huynh chúng ta. May quá hồi bé, bố mẹ tôi không biết chữ, nên thấy con đọc bất cứ sách gì đều không bao giờ ngăn cản. Vả lại thời tôi học không trường chuyên lớp chọn, không thi thố tranh giành nên tuy ở nơi thôn dã nhưng sách đã mở ra nhiều kiến thức và nuôi khát vọng dù khi ấy sách chẳng có nhiều như bây giờ. Những kiến thức trong sách ấy giúp cho tôi cả quãng đời dài làm việc sau này. Không ngờ bây giờ cha mẹ các cháu đều là có học cả mà vẫn không hiểu “học” là thế nào. Họ không hiểu đọc cũng là học. Bao nhiêu tri thức trong sách đó, mà chỉ nghĩ cắm cúi vào sách giáo khoa mới là học, lo quá.29/3/2014