nghĩ vẩn nghĩ vơ ( Miếng ăn)

Ngày bé nghe bố mẹ nói chuyện với nhau về mối quan hệ xã hội hay nhắc đến câu ngạn ngữ ăn tùy nơi- chơi tùy chốn. Có nghĩa là cái ăn thì cần nhưng không phải chỗ nào cũng ăn. Chơi vui cũng cần, nhưng không phải chỗ nào cũng đến. Nông thôn xưa ít học, cha mẹ dạy con cũng ít lời nhưng lại dễ nhớ và nhớ lâu. Những câu ngạn ngữ hay thế nhưng bây giờ thấy hình như nhiều người không còn nhớ. Ăn thì ăn bừa ăn bãi, bạ gì cũng ăn, ăn sống ăn sít, ăn đủ nơi đủ chốn chẳng kể chỗ nào, thấy ăn được là ăn kể cả ăn bẩn ăn thỉu. Chơi thì cũng vậy, cũng phứa phựa chẳng ra làm sao. Chẳng hạn khi ăn nơi quán xá, nhiều tốp thanh niên, lại có cả trung niên xúm xít vừa ăn vùa zôzô la hét hoặc hô hố chuyện át cả xung quanh chẳng cần biết đến ai. Họ đã biến chỗ ăn thành chỗ chơi, chỗ chung thành chỗ riêng, chỉ biết có mình. Chẳng nhẽ nền tảng đạo đức lại tỉ lệ nghịch với mức sống hay có sự nhầm lẫn về khái niệm gì đây.
Lại còn câu nữa cũng về chuyện ăn: Ăn trông nồi- ngồi trông hướng. Bây giờ cũng không còn mấy người nhớ câu ngạn ngữ này. Ăn chẳng cần trông nồi, thấy ăn được là ăn thục mạng. Nhất là những cái nồi dự án quốc gia bây giờ đều to vật đến nỗi có loại dự án bên cho vay phải đòi đến ngồi canh cùng không thì sợ các nhà thầu chén sạch. Còn ngồi thì ngồi lung tung chẳng kể bờ gai bụi rậm. Cao ngồi lâu, thấp cũng ngồi lâu. Ngồi lâu đến mức đít thành chai mà không biết, vẫn muốn ngồi tiếp. Còn hướng thì chỉ có một hướng ra mặt tiền thôi. Cho nên nhà mặt ngoảnh ra đường gọi là nhà mặt tiền bao giờ cũng có giá cao nhất. Mặt tiền ra tiền, tiền cũng là mặt tiền. Chỉ cần biết có thế. Âu cũng là có sự quên mới thành ra thế.
Miếng ăn là miếng nhục. Ơ, câu này bây giờ cũng không mấy người nghĩ tới hay sao ấy. Tham nhũng là miếng ăn bị lên án, đó là miếng nhục. Bị lên án suốt năm này qua tháng khác nhưng càng lên án tham nhũng lại càng tăng. Chẳng nhẽ người tham nhũng không thấy đó là nhục. Hay là cha mẹ họ chưa kịp dạy cho họ lúc còn tấm bé nên họ không biết.
Miếng ăn quá khẩu thành tàn! Câu này thì dễ hiểu, đó là lời cảnh báo: ăn quá hóc chết, không phải lời khuyên như các câu trên. Ăn kiểu tham nhũng đã nhiều ông quá khẩu bị ra tòa. Nhưng vẫn nhiều vị tham nhũng ăn quá khẩu nhưng chưa hóc nên chưa bị lôi ra.
Chuyện ăn chuyện chơi tưởng là chuyện bình thường ở đời thế mà cũng phức tạp phết!25/7/2009